Việt Nam: Cần khuyến khích phát triển điện mặt trời

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 08:17, 27/07/2017

(Moitruong.net.vn) – Trong bối cảnh các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống như than đá, dầu mỏ dần cạn kiệt thì các nguồn năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng từ mặt trời cần được chú trọng đầu tư và phát triển hơn nữa.

1

Cần khuyến khích phát triển điện mặt trời

Cùng với xu hướng chung trên thế giới, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII) đã chỉ rõ việc ưu tiên phát triển nguồn điện từ năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, để mục tiêu chiến lược này trở thành hiện thực, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng, Việt Nam cần ban hành cơ chế khuyến khích cụ thể sau khi đã áp dụng thành công với điện gió. Đây là việc làm cần thiết trong bối cảnh đầu vào cho sản xuất điện như nước, than, khí…trở nên khan hiếm và đắt đỏ.

Cuối năm 2016, tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI) đã lắp đặt thành công hệ thống pin mặt trời cho Trung tâm Sửa chữa điện nóng Yên Nghĩa (thuộc Công ty Lưới điện cao thế Hà Nội) vào cuối năm 2016. Sau một thời gian sử dụng lượng điện do hệ thống sản xuất ra đã ổn định và được sử dụng vào việc vận hành hệ thống máy tính văn phòng, điều hòa nhiệt độ, ti vi, bình nóng lạnh, chiếu sáng…  Với tổng mức đầu tư dưới 800 triệu đồng, gồm 78 tấm pin 260Wp đặt trên mái trung tâm rộng hơn 100m2 trông khá gọn gàng, bình quân mỗi ngày cho sản lượng trên 49,9 kWh điện. Kết quả khả quan này đã và đang được EVN HANOI nhân rộng.

Điều kiện tự nhiên thuận lợi…

Nước ta cũng có nhiều tiềm năng để phát triển nguồn điện này, do nằm trong khu vực có cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao, với tổng số giờ nắng và cường độ bức xạ nhiệt cao (trung bình xấp xỉ 5kWh/m2/ngày). Tại khu vực phía Nam, số giờ nắng khoảng 1.600 – 2.600 giờ/năm. Theo nhiều chuyên gia, đây là điều kiện để phát triển sản xuất và đa dạng hóa các nguồn phát điện. Ngoài ra, nếu phát triển tốt điện mặt trời sẽ góp phần đẩy nhanh Chương trình điện khí hóa nông thôn; và thực hiện mục tiêu đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện được Quy hoạch điện VII đưa ra. Cụ thể là trong giai đoạn từ 2011 -2015 sẽ cấp điện từ nguồn năng lượng tái tạo cho khoảng 377 nghìn hộ dân nông thôn; giai đoạn 2016 – 2020 sẽ có thêm 231 nghìn hộ dân được cấp điện từ nguồn này.

…nhưng vẫn còn nhiều rào cản

Lợi thế là vậy, nhưng việc khai thác nguồn năng lượng mặt trời ở Việt Nam cho đến thời điểm này là không đáng kể. Phần lớn các dự án điện mặt trời trên cả nước chỉ ở quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu vào việc khai thác nhiệt năng. Các ứng dụng chủ yếu là điện mặt trời chỉ phát triển nhỏ lẻ tại hộ gia đình, các trung tâm dịch vụ…

Lý do là các chính sách về năng lượng mặt trời chưa đầy đủ, thiếu sự đồng bộ và gắn kết. Khó tiếp cận nguồn vốn vay, ưu đãi chính sách vốn hiện đang áp dụng chưa đủ sức giúp doanh nghiệp đầu tư hoàn vốn. Thủ tục ưu đãi phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng còn phức tạp, kéo dài.

Cùng với đó, các dự án điện mặt trời quy mô lớn thường được lắp đặt tại các vị trí xa trung tâm phụ tải, phần lớn không tận dụng được lưới điện địa phương. Chi phí đầu tư đấu nối lớn nhưng số giờ sử dụng công suất cực đại thấp, chỉ bằng 1/3 so với nhiệt điện truyền thống. Do vậy, để khai thác hiệu quả nguồn năng lượng sạch vô tận này, cần thiết phải có chính sách cụ thể hơn để hỗ trợ cho đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng điện năng và an ninh năng lượng cũng như đơn vị truyền tải, phân phối điện năng do các vấn đề về đầu tư và vận hành.

Tinh Tú (th)

   

Tinh Tú (th)