Thường Tín (Hà Nội): Bến bãi tập kết VLXD gây ô nhiễm môi trường, vi phạm Luật Đê điều

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 05:21, 07/08/2017

Được biết, hiện nay trên địa bàn xã Hồng Vân có 6 điểm tập kết, trung chuyển VLXD, tập trung ở các thôn Xâm Xuyên, Cẩm Cơ và Xuân Thị gồm các công ty: Công ty TNHH 1TV Công nghiệp xây dựng và phát triển thương mại Đức Anh, Doanh nghiệp tư nhân Đồng Hằng, Công ty CP Chí Quang, HTX vận tải thủy Liên Hồng, Cảng Hồng Hà và Công ty TNHH vận tải hàng hóa Hồng Vân.

(Moitruong.net.vn) – Dù đang là thời điểm mùa mưa bão, nhưng các bến bãi tập kết, trung chuyển VLXD trên địa bàn xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Tp. Hà Nội vẫn hoạt động rất tấp nập,các phương tiện xe vận chuyển VLXD quá tải phá nát đường, gây ô nhiễm môi trường bụi mù mịt, làm ảnh hưởng đến người tham gia giao thông và an toàn hành lang đê điều.

20707159_1015130421962250_1941644522_o

Mặc dù đang trong thời gian cấm hoạt động nhưng các bến bãi tại huyện Thường Tín vẫn hoạt động bình thường.

Tại các hợp đồng cho thuê đất giữa Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội với các đơn vị đều nêu rõ doanh nghiệp chỉ được sử dụng đất làm bãi trung chuyển vật liệu xây dựng từ ngày 30/11 năm trước đến ngày 15/5 năm sau. Nhưng không hiểu vì sao, theo ghi nhận của phóng viên Moitruong.net.vn  ngày 3/8 dù đang trong giai đoạn cao điểm mùa mưa bão nhưng các doanh nghiệp vẫn ngang nhiên hoạt động mà không hề bị xử lý.

Bác N.T.H, người dân thôn Xâm Xuyên, bức xúc: “ Nhiều năm qua, chúng tôi đã phải sống chung với cảnh ăn bụi, hít bụi bởi tình trạng các xe quá khổ, quá tải chuyên chở vật liệu xây dựng tại các bến bãi gây ra, khi vận chuyển đã làm cát, sỏi rơi vương vãi ra đường khiến ngày mưa thì lầy lội, ngày nắng thì bụi mù mịt làm mất an toàn giao thông. Ngày nào cũng thấy xe lớn xe nhỏ ra vào, xếp hàng chờ lấy cát, nhà tôi phải đóng cửa kín mít chứ không chỉ cần vài xe chạy qua là bụi bám đầy mặt bàn. Các chủ bến bãi còn hút cát chui, lấn chiếm đất nông nghiệp để tập kết cát. Hằng đêm, những con tàu hút cát chạy ầm ầm ngoài sông khiến chúng tôi không tài nào ngủ được. Tình trạng hút cát trộm đã diễn ra nhiều năm nay khiến những nhà gần sông như nhà tôi đang gặp nguy hiểm, có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào. Chúng tôi là người dân thấp cổ, bé họng chỉ biết kêu lên chính quyền xã nhưng họ dừng hoạt động được vài hôm rồi mọi việc lại đâu vào đấy, nhiều lúc nghĩ mình đã lỡ xây nhà đây rồi thì cố chịu vậy thôi.”

20684210_1015132015295424_1900282351_o Các phương tiện vẫn hoạt đồng rất nhộn nhịp.

Có mặt tại khu vực các bến bãi tại xã Hồng Vân sáng ngày 3/8/2017, mặc dù thời điểm hiện tại là mùa mưa bão. Trước đó, Thành phố đã chỉ đạo Sở, Ngành, quận, huyện và các xã ban hành nhiều văn bản đề nghị các bến bãi tập kết phải dừng hoạt động, di chuyển toàn bộ máy móc, thiết bị, vật cản ra khỏi khu vực bến bãi, trả lại nguyên hiện trạng như ban đầu để tránh sạt lở, không cản trở dòng chảy trong mùa mưa bão. Nhưng thực tế, tại đây vẫn tồn tại tình trạng các chủ bến bãi vẫn tập kết cát, sỏi, chất cao như núi, ngay sát mép sông, vi phạm hành lang đê điều.

Tại các bãi tập kết, kinh doanh VLXD của các doanh nghiệp vẫn rất đông xe cộ, tàu thuyền nhộn nhịp hút cát từ tàu lên bờ và vận chuyển cát đi tiêu thụ. Điển hình tại bến bãi của Hợp tác xã vận thải thủy Liên Hồng, những bãi tập kết cát vẫn sừng sững tồn tại, Những chiếc băng tải, băng chuyền sàng lọc cát hoạt động hết công suất, kêu “đinh tai nhức óc”. Mặc dù, đã được phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thường Tín cấp đề án bảo vệ môi trường nhưng Hợp tác xã này dường như chỉ làm để đối phó, làm cho có. Vì theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó chủ tịch HĐQT kiêm – Giám đốc Hợp tác xã: “ Chúng tôi có làm đề án bảo vệ môi trường nhưng thường xuyên không quan trắc do chi phí mỗi lần quan trắc cũng 6 – 7 triệu, rất tốn kém nên các cơ quan chức năng phạt tôi cũng chịu thôi.”  Cách trả lời rất vô tư của ông Mạnh cho thấy dường như ông đang thách thức, bất chấp pháp luật để đạt được lợi nhuận của mình.

20707058_1015131651962127_429292421_oBãi cát mới được hút lên.

Tại bãi của DNTN Đồng Hằng, cát tập kết ngay sát nhà dân chỉ 1 cơn gió nhỏ thổi qua cũng khiến sân nhà người dân lĩnh đủ bụi bẩn. Tại bãi của công ty Đức Anh, cát được chất cao như núi, cách mép sông chỉ vài mét gây cản trở dòng chảy và thoát lũ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở bờ sông, bãi sông, ảnh hưởng đến an toàn đê điều.

Ngoài ra, tại Cảng Hồng Hà cũng tương tự như các bến bãi trên, không có gì sáng sủa hơn, tại đây hầu như không có các biện pháp xử lý môi trường, xe vào ra kéo theo đất, cát bụi mù mịt. Ngoài ra, tại cảng Hồng Vân còn cho đơn vị thuê đất để sản xuất trong diện tích của mình quản lý, vấn đề này có đúng chức năng và mục đích sử dụng đất và đề án bảo vệ môi trường của Cảng?

Qua quá trình tìm hiểu, phóng viên còn phát hiện công ty TNHH vận tải hàng hóa Hồng Vân còn tự ý sản xuất gạch không nung. Việc này có được cấp phép hay không?

20684558_1015130161962276_1956890185_o

Ông Mai Văn Ngần – Phó chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho biết: Các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn xã nhưng cũng không đóng góp được gì nhiều cho địa phương, chỉ có gây bức xúc cho người dân.

Trao đổi với phóng viên Moitruong.net.vn về vấn để trên, ông Mai Văn Ngần – Phó chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho biết: “Trên địa bàn xã có 6 điểm tập kết VLXD, trong đó có 5 điểm được Sở TNMT thành phố Hà Nội cho thuê đất. Chỉ riêng hợp tác xã vận tải thủy Liên Hồng được tỉnh Hà Tây cũ cấp phép từ những năm 1998. Tuy nhiên, đến nay Hà Tây đã sáp nhập về Hà Nội nên Hợp tác xã đang trình Sở TN&MT Thành phố Hà Nội xem xét cấp lại hợp đồng thuê đất với Hợp tác xã,  vì nếu để như vậy rất vô lí và gây thất thoát thuế nhà nước. Thực tế các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn xã nhưng cũng không đóng góp được gì nhiều cho địa phương, đặc biệt là HTX vận tải thủy Liên Hồng. Vừa qua, xã đã có rất nhiều văn bản yêu cầu các đơn vị này hạ tải, hạn chế vận chuyển trong mùa mưa bão nhưng họ không chấp hành. Thông qua cơ quan báo chí, ngay trong tuần sau, xã sẽ kiểm tra và chấn chỉnh các chủ bến bãi để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.”

Để các bến bãi hoạt động bất chấp chỉ đạo của Thành phố và cơ quan liên quan, gây ô nhiễm môi trường, trách nhiệm của UBND huyện Thường Tín, và cơ quan liên quan đến đâu?

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tuc thông tin đến bạn đọc.

Nhóm Phóng viên

Nhóm Phóng viên