Chặt gần 122ha rừng thông để trồng cây mắc ca là phù hợp
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 11:43, 01/09/2017
(Moitruong.net.vn) – Sáng ngày 31/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kon Tum tổ chức họp báo thông tin liên quan việc chặt gần 122ha rừng thông để trồng cây mắc ca.
Chặt rừng thông 30 năm tuổi ở Kon Tum để chuyển đổi sang trồng cây mắc ca
Rừng thông bị phá nằm ở các khoảnh 8, 9, 12 và 13, thuộc tiểu khu 481, xã Đắk Long, huyện Kon Plông. UBND tỉnh Kon Tum có quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp (đất rừng sản xuất) sang đất trồng cây lâu năm để cho Công ty TNHH Đăng Vinh (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) thuê đất nhằm triển khai dự án trồng cây mắc ca với thời hạn là 50 năm.
Ông Nguyễn Trung Hải – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum cho biết: “Về chủ trương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định số: 5940/QĐ-BNN-TCLN (ngày 05/4/2016) về vệc quy hoạch phát triển cây Mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020. Riêng vùng Tây Nguyên là 5.940 ha, trong đó tỉnh Kon Tum là 290 ha tại các huyện Kon Ploong, Đak Glei, Tu Mơ Rông.
Tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum có điều kiện lập địa, khí hậu phù hợp với việc trồng cây Mắc ca nên việc áp dụng Quyết định 2040/QĐ-BNN-TCLN là phù hợp, khu vực trồng cây Mắc ca là diện tích rừng thông trồng sinh trưởng rất kém, không đem lại hiệu quả kinh tế. Do đó, UBND tỉnh đã có chủ trương chuyển đổi sang phát triển các loại cây trồng mang lại hiểu quả kinh tế cao trong đó có cây Mắc ca nhằm tái cơ cấu và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương”.
Theo đánh giá của Sở Tài Nguyên và Môi trường, khu vực thực hiện dự án quy hoạch là là đất rừng sản xuất không ảnh hưởng đến quy hoạch rừng phòng hộ. Đặc biệt, là không ảnh hưởng lớn đến tác động môi trường sinh thái, mặt khác sẽ đem lại hiểu quả kinh tế cao cho địa phương.
Tuy nhiên trước đó, người dân cũng như các nhà chuyên môn tỏ ra lo ngại trước vấn đề chuyển đổi diện tích rừng thông sang cây mắc ca gây lo ngại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường khu bảo tồn sinh thái Măng Đen, đồng thời lợi ích kinh tế ở khu vực trồng mắc ca cũng không được đảm bảo.
TS Trần Vinh – Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên bày tỏ: “Cây thông hiện nay là cây có giá trị kinh tế lại vừa bảo vệ môi trường, để chọn cây gì phải đảm bảo các mục đích: về mặt kinh tế, môi trường, rồi cả xã hội, có công ăn việc làm cho người dân. Tôi cho rằng đây là việc làm chủ quan, chúng ta không nên liều lĩnh như vậy.”
H. Thu ( T/h)