Quảng Nam: Đề xuất bãi bỏ nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế quản lý, bảo vệ rừng
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 18:30, 20/04/2023
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Hà Phước Phú - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, thời gian qua, việc thực hiện theo Nghị quyết 38 được các địa phương, chủ rừng tổ chức bảo vệ rừng theo hình thức hợp đồng bảo vệ rừng, đây là mô hình đang mang lại hiệu quả cao.
Theo ông Phú, qua quá trình triển khai, vai trò các cấp ủy đảng, chính quyền tại các địa phương được nâng cao. Các ban quản lý rừng sau khi chuyển từ hình thức giao khoán rừng sang hợp đồng bảo vệ rừng đã bổ sung lực lượng đáng kể để thực hiện bảo vệ rừng.
"Đa số hợp đồng bảo vệ rừng là người dân sống tại địa phương, có sức khỏe, tâm huyết nên việc nắm bắt các thông tin tình hình công tác bảo vệ rừng trên địa bàn thuận lợi.
Ngoài ra, hợp đồng bảo vệ rừng từ địa phương khác đến phần lớn là cán bộ được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về lâm nghiệp nên phần nào đáp ứng được nhu cầu công việc, nhất là trong ứng dụng được công nghệ thông tin qua các phần mềm hỗ trợ trong công tác quản lý bảo vệ rừng như Locus Map, SMART, GPS,...
Qua đó, góp phần kiểm soát, ngăn chặn được các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp và hạn chế các điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng cũng như giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng trên địa bàn tỉnh" - ông Phú chia sẻ.
Ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, sau thời gian triển khai, Nghị quyết 38 bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc. Ngoài phạm vi điều chỉnh là rừng tự nhiên trong các lưu vực thủy điện được chủ rừng tự quản lý bảo vệ theo hình thức hợp đồng bảo vệ rừng, đối với diện tích rừng tự nhiên ngoài lưu vực không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 38 nên không được tỉnh hỗ trợ kinh phí để tổ chức theo hình thức hợp đồng bảo vệ rừng.
Nguyên nhân, do phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 38 được ban hành dựa trên cơ sở các cơ chế, chính sách của Trung ương được điều chỉnh bởi Nghị quyết 120 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết 84 của Chính phủ về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Tại dự thảo nghị định lần 2 của Chính phủ về chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp, dự kiến đơn giá bảo vệ rừng là 500 nghìn đồng/ha/năm. Tuy nhiên, Thông tư 12 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn một số hoạt động về lâm nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn 1 từ năm 2021 đến 2025), đơn giá khoán bảo vệ rừng từ các chương trình, dự án sử dụng ngân sách nhà nước vẫn giữ ở mức chi cũ. Đơn giá này quá thấp so với nhu cầu thực tế công tác bảo vệ rừng hiện nay.
Ngoài ra, việc tổ chức bảo vệ rừng theo hình thức hợp đồng bảo vệ rừng chưa đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh. Đối với các xã vùng cao (chủ yếu là nơi sinh sống của người đồng bào dân tộc thiểu số) mô hình giao khoán rừng cho cộng đồng quản lý bảo vệ không những phát huy được truyền thống tốt về quản lý bảo vệ rừng của người dân địa phương mà còn góp phần cải thiện sinh kế. Vì vậy, người dân trong cộng đồng và chính quyền địa phương muốn giữ lại mô hình giao khoán rừng cho cộng đồng quản lý mà không thực hiện hình thức hợp đồng bảo vệ rừng.
"Đơn giá hỗ trợ bảo vệ rừng theo Nghị quyết 38 cũng chỉ ở mức 500 nghìn đồng/ha/năm; mức lương thực nhận 4 triệu đồng/người/tháng. Mức lương này vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, tính chất đặc thù thường xuyên tuần tra trong rừng dẫn đến tình trạng bỏ việc giữa chừng gây ảnh hưởng đến công tác quản lý địa bàn, lãng phí chi phí cho quá trình đào tạo bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho hợp đồng bảo vệ rừng do phải tuyển dụng lực lượng mới và đào tạo lại từ đầu.
Ngoài ra, việc lập kế hoạch hỗ trợ 20% cho cộng đồng và 300 nghìn đồng/tháng cho tổ trưởng bảo vệ rừng của chủ rừng phụ thuộc vào đơn giá chi trả dịch vụ môi trường rừng nhưng không ổn định" - ông Út nói.
Từ những bất cập trên, tại cuộc họp, các đại biểu thống nhất đề xuất bãi bỏ Nghị quyết 38, trên cơ sở đó hoàn thiện thủ tục, nội dung trình Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa X tới đây. Đồng thời kiến nghị sớm ban hành nghị quyết thay thế giúp công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng hiệu quả, chất lượng.