Tiềm năng điện gió ngoài khơi thông qua Quy hoạch Không gian Biển bền vững

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 17:30, 20/04/2023

Chiều ngày 20/4/2023, tại Hà Nội, Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo “Điện gió ngoài khơi và Quy hoạch không gian biển Việt Nam”.

Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội cho biết: Việt Nam là quốc gia biển với tiềm năng điện gió ngoài khơi rất lớn. Theo tính toán, khu vực có độ sâu đáy biển trên 20m thì tổng quy mô tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi khoảng 165.000 MW. Trong đó, khu vực gió cao và có tiềm năng kinh tế tốt, chủ yếu tập trung ở khu vực Nam Trung Bộ (gồm các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định) với tổng tiềm năng khoảng 80.000 MW với tốc độ gió trên 7-9 m/s.

ong-thi-5502.jpg
TS. Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội

Việc phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam, trong đó điện gió ngoài khơi được coi là một trong những giải pháp đột phá để chuyển đổi năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Điều này liên quan chặt chẽ đến quy hoạch không gian biển, đặc biệt là xác định các vùng biển tiềm năng và phân vùng hợp lý để phát triển điện gió ngoài khơi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH15 ngày 29/8/2022 về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”, cũng như Kế hoạch chi tiết số 355/KH-ĐGS 28/10/2022 về giám sát chuyên đề, ông Thi cho biết thêm

dien-gio-1.jpg
Quang cảnh Hội thảo. 

Tại hội thảo, các kinh nghiệm quốc tế đã được chia sẻ và các bước tiếp theo trong xây dựng quy hoạch không gian biển (QHKGB) và phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam đã được thảo luận. Các chuyên gia đến từ Na Uy, Vương quốc Anh và một số quốc gia khác đã chia sẻ những hiểu biết sâu sắc và đưa ra những khuyến nghị có giá trị liên quan tới quy hoạch đại dương bền vững, phân vùng trong QHKGB, phát triển điện gió ngoài khơi, đánh giá các khu vực phát triển điện gió trong QHKGB.

Chia sẻ từ góc nhìn quốc tế, bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng "Đẩy nhanh quy hoạch không gian biển là điều cần thiết để mở ra tiềm năng to lớn về phát triển điện gió ngoài khơi cho Việt Nam, góp phần thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững và các mục tiêu về biến đổi khí hậu đã công bố tại COP26, trong đó có phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.”

“Quy hoạch không gian biển nên được coi là một quá trình liên tục. Do đó, chúng ta không được tìm cách phát triển một tài liệu duy nhất, hoàn hảo và bao gồm tất cả ở giai đoạn này," bà Khalidi nói thêm. "Điều quan trọng là phải đảm bảo quy trình xây dựng và ban hành Quy hoạch Không gian Biển cũng như xác định các khu vực phát triển điện gió xa bờ được thực hiện một cách công khai, có tham khảo ý kiến của mọi đối tượng trong xã hội. Sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng địa phương đóng vai trò rất quan trọng, để đảm bảo lợi ích được chia sẻ một cách công bằng và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương,."

Cùng chung quan điểm, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, Bà Hilde Solbakken cho biết, quy hoạch không gian biển Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ góp phần khai thác bền vững “mỏ ánh sáng” từ năng lượng gió ngoài khơi, mà còn góp phần bảo vệ tài nguyên biển. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển “biển xanh” bền vững.

Quan trọng hơn, theo Đại sứ Solbakken, việc “giải phóng” tiềm năng điện gió ngoài khơi thông qua quy hoạch không gian biển bền vững sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt được 2 mục tiêu rất quan trọng là: Thực hiện mục tiêu thu nhập cao và đưa phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam vào năm 2050.

Với kinh nghiệm của một quốc gia đại dương hàng đầu với những ngành kinh tế biển nổi bật, Đại sứ Solbakken nhấn mạnh việc quy hoạch không gian biển sẽ giúp đại dương được quản lý bền vững và đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện tầm nhìn chung về một tương lai xanh, bền vững và thịnh vượng.

“Bằng cách chia sẻ và học hỏi lẫn nhau, chúng ta có thể đảm bảo mọi ngành và lĩnh vực đều được hưởng lợi từ đại dương mà vẫn có thể bảo tồn được hệ sinh thái biển và đa dạng sinh học. Vì vậy, chúng tôi cam kết hợp tác với các đối tác tại Việt Nam trong đó có UNDP và các Bộ, ngành quan trọng của Việt Nam để thúc đẩy tăng trưởng xanh bền vững, bảo vệ môi trường biển và hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam”, Đại sứ Solbakken nhấn mạnh.

Báo cáo “Kinh tế biển xanh – Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển” do UNDP và Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố tháng 5/2022 đã xem xét tiềm năng phát triển bền vững kinh tế biển của Việt Nam.

Theo kết luận của báo cáo, nếu áp dụng kịch bản xanh lam, ước tính các ngành kinh tế biển của Việt Nam sẽ chiếm 34% GDP (khoảng 23,5 tỷ USD) vào năm 2030, trong khi GNI bình quân đầu người của người lao động trong các ngành này sẽ tăng tới 77,9 % (~7.100 USD) so với kịch bản thông thường.

Hà Anh