73 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam: Vị thế của người viết báo Việt Nam trong thời đại mới
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 22:32, 21/04/2023
Từ Đoàn Báo chí đến Hội những người viết báo Việt Nam
Tháng 3/1950, tại Chiến khu Việt Bắc, Giáo sư Trần Văn Giàu được cử làm Tổng Giám đốc Nha Thông tin của Chính phủ. Ngay sau khi nhận chức, ông cho mời đại diện một số tờ báo: Sự Thật, Cứu Quốc, Độc Lập, Phụ Nữ, Lao Động, Sức Trẻ, Hành Động, Văn Nghệ, Quân Du kích, Vệ Quốc Quân...đến họp. Tại cuộc họp này, ông đề nghị thành lập ngay Hội ký giả Việt Nam để làm cầu nối giữa Chính phủ với những người viết báo, đồng thời làm cầu nối giữa báo chí Việt Nam với quốc tế.
Ngày 27/12/1945, gần 100 nhà báo ở Hà Nội họp tại trụ sở Hội Văn hoá Cứu quốc (phố Hàng Trống), lập ra Đoàn báo chí Việt Nam, tách khỏi Hội Văn hoá cứu quốc. Đoàn gồm tất cả các lực lượng báo chí dân chủ, tiến bộ và của Đảng Cộng sản. Nhà báo Xuân Thuỷ trực tiếp chỉ đạo việc thành lập nhưng không trực tiếp công khai lãnh đạo. Nhà báo Nguyễn Tường Phượng, chủ nhiệm Tạp chí Tri Tân được cử giữ chức Chủ tịch. Ông Nguyễn Tấn Gi Trọng, Tổng Giám đốc Nha Thông tin tuyên truyền và Nhà báo Đỗ Đức Dục, phụ trách Báo Độc Lập, được cử giữ chức Phó Chủ tịch. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng làm Tổng Thư ký.
Tháng 12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Số đông nhà báo ra chiến khu và toả về các vùng nông thôn tham gia chiến đấu. Đoàn báo chí Việt Nam hầu như không hoạt động được.
Đầu năm 1947, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà báo Xuân Thuỷ đứng ra thành lập Đoàn báo chí kháng chiến Việt Nam bao gồm tất cả các nhà báo trong Mặt trận Việt Minh. Đoàn báo chí kháng chiến tổ chức học tập chính trị, nghiệp vụ cho các nhà báo, hướng báo chí vào việc động viên toàn dân tham gia kháng chiến.
Tháng 4/1949, theo sáng kiến của Bác Hồ, Tổng bộ Việt Minh chủ trương mở Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Lớp được tổ chức tại vùng rừng núi Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Lớp được mở trong 3 tháng, từ ngày 4/4 đến ngày 6/7/1949. Hầu hết các học viên của lớp sau này đều đứng đầu các cơ quan báo chí của nước ta.
Tháng 3/1950, Giáo sư Trần Văn Giàu, Tổng Giám đốc Nha Thông tin Chính phủ đề nghị thành lập ngay Hội ký giả Việt Nam để làm cầu nối giữa Chính phủ với những người viết báo, đồng thời làm cầu nối giữa báo chí Việt Nam với quốc tế. Thực hiện chủ trương này của Đảng và Chính phủ, ngay sau đó, Nhà báo Xuân Thuỷ, phụ trách Đoàn báo chí kháng chiến đã tổ chức cuộc họp trù bị cho Đại hội thành lập Hội những người viết báo Việt Nam.
Cuối tháng 3/1950, tại trụ sở của Báo Cứu Quốc (nay là Báo Đại Đoàn Kết) ở xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, một số nhà báo Việt Nam đã nhóm họp để thành lập Hội những người viết báo Việt Nam. Cũng trong buổi họp trên, các nhà báo đã bầu ra Ban Chấp hành lâm thời.
Ngày 21/4/1950, tại Hội trường Mặt trận Liên Việt (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) ở xóm Roòng Khoa, đã diễn ra Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội những người viết báo Việt Nam. Đại hội thông qua Điều lệ, bầu Ban lãnh đạo gồm: Nhà báo Xuân Thủy - Hội trưởng; Nhà báo Đỗ Đức Dục (Báo Độc Lập) - Phó Hội trưởng; Hoàng Tùng (Báo Sự Thật); Nhà báo Nguyễn Thành Lê (Báo Độc Lập) - Thư ký; Nhà báo Như Quỳnh - Phó Thư ký; và một số nhà báo: Đào Phan, Từ Giấy, Đỗ Trọng Giang, Lưu Văn Lợi; Quang Đạm, Như Phong, Nguyễn Anh Chấn, Hải Triều, Phan Thao, Huỳnh Tấn Phát.
Chiếu theo đơn xin lập Hội những người viết báo Việt Nam của Nhà báo Xuân Thủy, ngày 2/ 6/1950, Bộ Nội vụ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành Nghị định số 232/NV cho phép thành lập Hội những người viết báo Việt Nam.
Bản Điều lệ đầu tiên của Hội
Trên Báo Cứu Quốc, Cơ quan Trung ương Tuyên truyền kháng chiến của Tổng bộ Việt Minh (trong Hội Liên Việt), năm thứ 8, số 1583, ra thứ Hai, ngày 26/6/1950 có đưa tin về sự kiện thành lập Hội những người viết báo Việt Nam, trong đó nêu cụ thể bản Điều lệ quy định của Hội (gồm 17 điều) quy định về các nội dung như: Tên Hội; mục đích của Hội; trụ sở; các vấn đề về hội viên (nhiệm vụ, quyền lợi, tư cách của hội viên); Đại hội đồng; Ban Chấp hành; Tài sản Hội; Kỷ luật; Sửa đổi điều lệ.
Trải qua 73 năm hình thành và phát triển, đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam có trên 23.700 hội viên, sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên chi hội và 218 Chi hội trực thuộc. Tổ chức Hội có mặt tại các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và báo chí các bộ, ngành, đoàn thể. Hội Nhà báo Việt Nam luôn kiên trì mục tiêu phấn đấu nhằm đưa nền báo chí cách mạng Việt Nam phát triển, đổi mới theo kịp bước đi của thời đại. Hội đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa, thể hiện rõ hơn vai trò của một tổ chức chính trị - xã hội và nghề nghiệp.
Là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đại diện cho những người làm công tác báo chí, thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo trong tác nghiệp; bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, lòng say mê nghề nghiệp cho hội viên; định hướng, giám sát việc tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Luật báo chí và Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, góp phần xây dựng báo chí Việt Nam thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và diễn đàn của nhân dân. Hội cũng là nơi tập hợp, đoàn kết, động viên người làm báo Việt Nam phát huy năng lực sáng tạo, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hội ngày càng chủ động hơn trong việc tham gia, góp ý xây dựng cơ chế chính sách đối với báo chí, đặc biệt công tác chỉ đạo điều hành các khâu tổ chức, nghiệp vụ, kiểm tra, đối ngoại, chất lượng các ấn phẩm báo chí, hiệu quả công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên, xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam, tổ chức Hội báo toàn quốc, xây dựng Cổng thông tin điện tử của Hội, ban hành “Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam” (ngày 16/12/2016) và “Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam” (ngày 25/12/2018) cũng như nhiều hoạt động xã hội, từ thiện khác…
Những hoạt động Hội đầy trách nhiệm và tâm huyết đối với mọi lĩnh vực của đời sống đất nước và báo chí hôm nay, đã góp phần nâng cao uy tín, vị thế, chất lượng, hiệu quả hoạt động và sức lan tỏa của hệ thống Hội Nhà báo Việt Nam từ Trung ương tới 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Báo cáo tổng kết tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Hội năm 2023, diễn ra vào trung tuần tháng 4/2023 vừa qua, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, năm 2022, hoạt động báo chí nói chung, Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực và kịp thời, góp phần không nhỏ vào việc định hướng thông tin cũng như công tác quản lý nhà báo, hội viên, giúp cho báo chí ngày càng có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển đất nước. Hoạt động Hội ở các cấp Hội ngày càng chuyên nghiệp và đi vào chiều sâu; vai trò và uy tín của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng rõ nét trong đời sống báo chí và đời sống xã hội.
Hội Nhà báo Trung ương và các cấp hội địa phương đã tập hợp, đoàn kết, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo, phương thức hoạt động hội có nhiều đổi mới, bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, đặc biệt là bám sát xu thế toàn cầu để truyên truyền, hưởng ứng quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo phát triển nội dung số trong hoạt động báo chí… Các nhà báo đã chủ động thâm nhập thực tế đưa tin những sự kiện, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, nhiều bài báo mang tính phát hiện, đúc kết thực tiễn, sinh động, lan tỏa các gương điển hình tiên tiến, góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và nhà nước.
Bên cạnh đó, bối cảnh xu thế hội nhập, sự phát triển công nghệ số, đặc biệt là sức ép cạnh tranh thông tin từ mạng xã hội và các nền tảng truyền thông khác, đặt ra yêu cầu tất yếu về chuyển đổi số đối với báo chí truyền thông, đồng thời đặt ra những đòi hỏi mới trong công tác Hội, đặc biệt là sự tham gia của các cấp Hội trong việc hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện chuyển đổi số, nhất là trong công tác đào tạo bồi dưỡng; quan tâm nhiều hơn đến việc thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp, quy ước sử dụng mạng xã hội của hội viên, nhà báo, chú trọng đến việc xây dựng môi trường cơ quan báo chí văn hóa…
Nơi tập hợp, đoàn kết người làm báo Việt Nam
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Hội năm 2023, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh khẳng định: Bằng nhiều hình thức và hoạt động thiết thực, Hội Nhà báo Việt Nam và các cấp Hội thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao trong việc phát huy tốt vai trò là tổ chức đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà báo trong hành nghề, giáo dục nhà báo tuân thủ pháp luật, tuân thủ quy định và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo.
Trong năm 2023, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục quán triệt, triển khai cụ thể hóa các Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về công tác truyền thông, báo chí. Các tổ chức Hội triển khai Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, cụ thể hóa thành những chương trình hành động thiết thực, hiệu quả nhằm không ngừng nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới. Đối với phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, ông Lê Quốc Minh khẳng định, trước bối cảnh chuyển đổi số đã, đang là xu thế tất yếu diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội hiện nay, Hội Nhà báo Việt Nam với vai trò là tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp của những người làm báo càng cần có sự đổi mới trong hoạt động công tác Hội và các hoạt động cốt lõi khác, để thực sự song hành, đoàn kết và phát triển cùng nền báo chí hiện đại.
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại Nha Trang (Khánh Hòa) trong 2 ngày 12-13/4, với hơn 500 đại biểu tham dự, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Hội Nhà báo Việt Nam và các cấp hội trong năm 2022. Nói về vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, báo chí cách mạng đã phản ánh khách quan, sinh động mọi hoạt động về đời sống xã hội, truyền tải tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, kịp thời phát hiện, nêu nhiều vấn đề thực tiễn, cung cấp nhiều thông tin có giá trị phục vụ cho công tác quản lý và hoàn thiện về nghiên cứu lý luận, hoạch định chủ trương chính sách và công tác lãnh đạo chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước. Báo chí đã làm tốt vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng, thông tin truyền thông, góp phần định hướng dư luận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân, đấu tranh phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đi đầu trong việc lan tỏa thông tin chính thống, hình ảnh Việt Nam an toàn, ổn định, hòa bình hữu nghị phát triển góp phần ổn định thực hiện thành công đổi mới chiến lược đối ngoại nâng cao vị thế, của đất nước.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, năm 2023 là năm có nhiều khó khăn thách thức phải đối mặt, hơn lúc nào hết, báo chí cách mạng Việt Nam phải tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa khát vọng Việt Nam phồn vinh thịnh vượng, cổ vũ động viên tinh thần đổi mới, tiếp thêm năng lượng tích cực để cả hệ thống chính trị cùng toàn dân vượt qua những khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của năm 2023 và giai đoạn 2021-2025.
Đặc biệt, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh chuyển đổi số, thay đổi phương thức vận hành, quản lý, phân phối nội dung, mô hình tổ chức; nghiên cứu, cập nhật các xu thế phát triển của thông tin hiện đại, thị hiếu của từng nhóm đối tượng để đổi mới tư duy, cách làm báo, trên cơ sở kết hợp giữa nội dung tốt và công nghệ hiện đại, nền tảng số để tiếp cận với độc giả, dựa vào độc giả để tiếp tục lan tỏa thông tin rộng rãi. Có như vậy báo chí chính thống mới huy động, tập hợp được lực lượng thống nhất, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, đóng vai trò dòng chảy chính trên xa lộ tin tức không ngừng nghỉ, cập nhật từng phút, từng giờ. Từ đó đa dạng hóa thị trường, kinh tế báo chí, đa dạng hóa nguồn thu nâng cao mức sống cho người làm báo.
Ngày 6/4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tiếp đó, ngày 12/4, Chính phủ đã phê duyệt Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho báo chí thực hiện làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước.
"Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí. Tạo lập môi trường để những người làm báo phát huy sức sáng tạo, có những tác phẩm tầm cỡ, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước; phát triển ngành công nghiệp truyền thông của Việt Nam hiện đại, hội nhập ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Tiếp tục chỉ đạo các ban, bộ, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cơ quan báo chí, nhà báo tác nghiệp đúng chuyên môn, nghiệp vụ" - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định.