Quảng Ngãi sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 19:30, 24/04/2023
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức cuộc họp chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với 2 dự án cấp nước trong KKT Dung Quất. Đó là, dự án Cấp nước thô cho Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất (Khu liên hợp); cải tạo, nâng cấp kênh chính Bắc, kênh B7 hệ thống kênh thủy lợi Thạch Nham. Đây là 2 dự án quan trọng đảm bảo cấp nước phục vụ hoạt động cho 2 nhà máy lớn trong khu kinh tế Dung Quất, gồm sản xuất gang thép và sản xuất bột giấy. Đồng thời, cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho các nhà máy khác khi có nhu cầu.
Dự án Cấp nước thô cho Khu liên hợp do Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất làm chủ đầu tư, được cấp chủ trương đầu tư năm 2017, công suất 150 nghìn mét khối/ngày, đêm. Đến nay, UBND tỉnh thống nhất cho điều chỉnh quy mô công suất lên 350 nghìn mét khối/ngày, đêm. Đối với dự án Cải tạo, nâng cấp kênh chính Bắc, kênh B7 hệ thống kênh thủy lợi Thạch Nham, được cấp chủ trương đầu tư năm 2016, do Công ty CP Môi trường nước Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Mục tiêu là cấp nước thô cho Nhà máy Bột - Giấy VNT19, nước sinh hoạt và nước sản xuất cho KKT Dung Quất. UBND tỉnh hiện đã cho phép điều chỉnh quy mô công suất thiết kế từ 3,2m3/s lên gần 5,6m3/s, tổng mức đầu tư từ 487 tỷ đồng lên 518 tỷ đồng.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có 800 công trình thủy lợi (gồm 126 hồ chứa nước, 528 đập dâng, 7 đập ngăn mặn và 139 trạm bơm) được đưa vào khai thác để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác. Trong đó, có 2 hồ chứa dung tích lớn nhất tỉnh, vừa phục vụ sản xuất điện năng, vừa vận hành, đảm bảo cấp nước cho vùng hạ du, là hồ chứa nước Nước Trong (gần 290 triệu mét khối) và hồ thủy điện Đăkđrinh (gần 249 triệu mét khối). Ngoài ra, 2 hồ chứa này còn được tận dụng để nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch sinh thái, bước đầu được đánh giá có hiệu quả.
Những năm qua, Quảng Ngãi đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để duy tu, cải tạo, nâng cấp, đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là hồ chứa ở các vùng khô hạn như TX.Đức Phổ và các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh. Tỉnh cũng đang xúc tiến đầu tư xây dựng mới hồ chứa nước Hố Sâu tại xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh). Riêng tại huyện Lý Sơn có dự án Hệ thống trữ nước sinh hoạt trên đảo, với tổng mức đầu tư 75 tỷ đồng, cấp nước sinh hoạt cho khoảng 1.000 người, tạo nguồn cấp bổ sung nước ngầm và cấp nước tưới tiết kiệm cho 100ha đất nông nghiệp...
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, ngành điện cũng đã đưa ra chủ trương sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước phát điện. Cụ thể, các thủy điện chỉ được phát đúng công suất đã thiết kế và ngành điện cũng chỉ ghi nhận sản lượng đến theo công suất hợp đồng 2 bên đã ký kết. Theo lý giải của ngành điện thì, việc phát đúng công suất sẽ nâng cao khả năng dự trữ nước phục vụ phát điện vào mùa khô, tránh tình trạng thiếu điện cục bộ vào những tháng cao điểm nắng nóng, khô hạn. Và cũng từ sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, mỗi năm các nhà máy thủy điện trên địa bàn Quảng Ngãi đã phát điện thương mại, đóng góp ngân sách từ 300 - 400 tỷ đồng.