Đoàn giám sát Quốc hội làm việc với tỉnh Điện Biên về công tác giao đất, giao rừng

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 03:39, 26/08/2017

(Moitruong.net.vn) – Hội đồng Dân tộc Quốc hội đã thực hiện chương trình giám sát chuyên đề về “Tình hình, kết quả thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006 – 2016” trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Toàn cảnh buổi làm việc của đoàn giám sát Quốc hội làm việc với tỉnh Điện Biên về công tác giao đất, giao rừng 

Từ năm 2006 – 2016, tỉnh Điện Biên đã rà soát 271.562,3ha đất lâm nghiệp, giao cho cộng đồng dân cư 262.249,45ha (đạt 97,57%); diện tích đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 261.717,86ha (đạt 99,8%). Trong đó: 1.135 cộng đồng được giao đất, giao rừng; 1.124 cộng đồng được cấp quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) (đạt 99%). Diện tích đã được giao cho hộ gia đình, cá nhân là 8.610,39 ha, đạt 3,17%; diện tích đã cấp GCNQSDĐ là 7.485,04 ha, đạt 86,93%. 3.372 hộ gia đình, cá nhân được giao; số hộ gia đình, cá nhân được cấp quyền sử dụng là 2.939, đạt 87,16%.

Cộng đồng và hộ gia đình khi được giao rừng đã được UBND các huyện, thị xã, thành phố công nhận quyền sử dụng rừng trên diện tích được giao quản lý; được hưởng chế độ chính sách từ chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo quy định. Sau khi được giao rừng, cộng đồng dân cư và hộ gia đình đã tổ chức thành lập Ban Quản lý rừng cộng đồng và tổ tuần tra bảo vệ rừng. Đa số các cộng đồng dân cư và hộ gia đình sau khi giao, sử dụng rừng đúng mục đích, đúng ranh giới và theo quy chế quản lý rừng.

Tuy nhiên, tại một số nơi diện tích rừng đã giao vẫn bị chặt phá chủ yếu do các nguyên nhân: Tập tục canh tác truyền thống nương luân canh; tình trạng dân di cư tự do nhiều diễn biến phức tạp nhu cầu sử dụng đất để làm nương tăng đột biến; tình trạng tranh chấp; năng lực quản lý của một số cộng đồng và hộ gia đình còn yếu. Việc khảo sát, đánh giá trữ lượng rừng trước khi giao rừng tại một số địa phương còn chưa chặt chẽ, còn nhiều bất cập dẫn đến sự sai lệch trữ lượng rừng, ảnh hưởng đến loại rừng và chất lượng rừng giữa hồ sơ và thực tế, ảnh hưởng đến quá trình hưởng lợi thành quả bảo vệ rừng sau khi giao.

Quá trình thực hiện giao đất, giao rừng chưa chặt chẽ ở một số nơi đã làm phát sinh mâu thuẫn về đất đai giữa các cộng đồng giáp ranh, một số cộng đồng đã kiến nghị chia lại rừng do số tiền nhận từ DVMTR có sự chênh lệch lớn. Một số nơi đất nông nghiệp xen kẽ với đất lâm nghiệp rất khó khăn trong công tác quản lý về phòng cháy, chữa cháy. Công tác quản lý bảo vệ rừng của một số cộng đồng dân cư và hộ gia đình chưa thực sự vào cuộc, chưa nghĩ đến việc sống bằng nghề rừng; công tác giao đất, giao rừng chỉ triển khai thực hiện được ở diện tích đất lâm nghiệp có rừng, còn diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng chưa giao được do chưa có nguồn kinh phí.

Trước những khó khăn, tồn tại, bất cập trong công tác giao đất, giao rừng, UBND tỉnh đề nghị Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Cụ thể, bổ sung hai nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng là: Công khai, minh bạch, có sự tham gia và đồng thuận (theo đa số) của cộng đồng dân cư sở tại; tuân theo quy hoạch, kế hoạch bảo vệ phát triển rừng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Quy định cụ thể đối với các hộ gia đình, cá nhân có nguyện vọng thực hiện quyền thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng để liên doanh trong bảo vệ và phát triển rừng; quy định giao rừng cho cộng đồng không thuộc phạm vi địa bàn cấp xã (để phù hợp với thực tế và tôn trọng lịch sử để lại sau khi chia tách địa giới hành chính); bố trí kinh phí để thực hiện việc giao diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Nguyễn Lâm Thành đề nghị tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo rà soát giao đất, giao rừng đối với từng loại đất. Bởi chỉ khi hoàn thành các thủ tục của hệ thống pháp lý thì chính sách mới đến được với người dân, từ đó xây dựng hướng sinh kế liên quan đến rừng phù hợp, hiệu quả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng người dân để bà con hiểu, ủng hộ trong xây dựng các hương ước, quy ước bảo vệ, phát triển rừng. Những kiến nghị, đề xuất của tỉnh sẽ được đoàn công tác tiếp thu, tổng hợp và báo cáo với Quốc hội nhằm tìm hướng giải quyết.

Trước đó, đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc trực tiếp với huyện Điện Biên Đông và huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên chuyên đề về chuyên đề “tình hình, kết quả thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006 – 2016″.

Theo N.Thủy (BĐP)

Theo N.Thủy (BĐP)