TP. Hồ Chí Minh: Sức sống mạnh mẽ, tiên phong đổi mới, xây dựng và phát triển

Môi trường xã hội - Ngày đăng : 14:00, 30/04/2023

Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò quan trọng trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, cũng như tiên phong, năng động, đi đầu trong công cuộc tái thiết, đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội kể từ sau Ngày lịch sử 30/4/1975 - Ngày thống nhất đất nước.

Ngày nay, Đảng bộ, quân và dân Thành phố đang nỗ lực chung sức, đồng lòng, nỗ lực vươn lên sau đại dịch COVID-19, tiếp tục xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành nơi đáng sống, là đầu tàu, là hình mẫu của cải cách, đổi mới và phát triển của cả nước.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam đã kết thúc thắng lợi. Tháng 7/1976, Quốc hội khóa VI họp kỳ họp đầu tiên để kiện toàn bộ máy Nhà nước Việt Nam thống nhất, thành phố Sài Gòn - Gia Định được vinh dự chính thức mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

tp-hcm-1.jpg
Cầu Thủ Thiêm 2 - Biểu tượng kiến trúc mới trên sông Sài Gòn hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

Bước vào thời kỳ đổi mới, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) luôn là địa phương đi đầu sáng tạo với nhiều mô hình mang tính tiên phong của cả nước, khẳng định tính hiệu quả trên cả lĩnh vực kinh tế và văn hóa - xã hội.

Vào năm 1991, từ đề xuất của TP.HCM, Hội đồng Bộ trưởng đã thí điểm cấp giấy phép đầu tư cho Công ty liên danh xây dựng và kinh doanh khu chế xuất Tân Thuận, từ đó, ra đời Khu chế xuất Tân Thuận - khu chế xuất đầu tiên của cả nước. Đến năm 1992, Khu chế xuất Linh Trung tiếp tục ra đời. Năm 1993, Thành ủy TP.HCM chủ trương thành lập Trung tâm chứng khoán Thành phố, xây dựng thị trường vốn; và đến năm 2000, Chính phủ cho phép thành lập Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM - Sở giao dịch chứng khoán đầu tiên của Việt Nam. Cũng trong năm 2000, Khu công viên phần mềm Quang Trung hình thành từ việc chuyển đổi mô hình hội chợ triển lãm thành Công viên phần mềm trên cơ sở nghiên cứu, học hỏi Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và một số nước tiên tiến khác. Đây là nơi tập trung nguồn lực để phát triển công nghiệp phần mềm TP.HCM và cũng là khu công nghệ thông tin tập trung đầu tiên của cả nước.

Những năm đầu thế kỷ XXI, từ thực tiễn đổi mới, vận dụng đường lối của Đảng, TP.HCM đã góp phần quan trọng cùng Trung ương chuyển dần cơ chế chính sách quản lý kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp sang cơ chế quản lý kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đã có nhiều chính sách được cho phép thí điểm, mang tính đặc thù, cụ thể là Nghị quyết số 20-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2000 về phương hướng, nhiệm vụ, phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị định số 93/ NĐ/2001/NĐ-CP của Chính phủ năm 2001 về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TPHCM; Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020.

Trong năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 21-KL/TW về thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/ TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM và Chính phủ ban hành Nghị định 48/2017/NĐ- CP quy định về một số cơ chế, chính sách, tài chính, ngân sách đặc thù cho TP.HCM. Cũng trong năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54/2017/QH14 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực. Ngày 16/11/2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền địa phương tại TP.HCM; trong đó quy định không tổ chức hội đồng nhân dân cấp quận, phường.

Trên hành trình gần một nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Thành phố luôn nỗ lực giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước, dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước. Báo cáo chính trị của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng thể hiện giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố tăng bình quân 6,41%. Thành phố đóng góp 22,2% kinh tế của cả nước, thu ngân sách Thành phố luôn chiếm tỉ trọng lớn nhất cả nước. Thành phố là địa phương có năng suất lao động cao nhất, bằng 2,6 lần cả nước. Thành phố còn là trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn nhất cả nước, chiếm 15% công nghiệp và 33% dịch vụ cả nước. Không chỉ là địa phương tiên phong trong những cải cách về kinh tế, Thành phố cũng là địa phương đi đầu trong các phong trào. Tháng 2/1992, TP.HCM là địa phương đầu tiên khởi xướng chương trình "Xóa đói giảm nghèo". Phong trào đoàn kết toàn dân hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, người gặp khó khăn hoạn nạn… là những việc làm sáng tạo, mang đậm tính nhân văn, nghĩa tình của người dân sinh sống và làm việc trên địa bàn, góp phần quan trọng cùng chính quyền Thành phố chăm lo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân. Những phong trào, việc làm đó đã và đang lan tỏa rộng khắp, góp phần tạo nên hình ảnh đẹp về một thành phố nghĩa tình.

tp-hcm-2.jpg
TP.HCM là điểm đến sôi động về đêm với nhiều không gian giải trí, tham quan hấp dẫn du khách

TP.HCM là nơi khởi điểm các hoạt động đã trở thành chương trình của cả nước như "Mùa hè xanh"; ủng hộ Quỹ "Vì Trường Sa thân yêu, vì tuyến đầu Tổ quốc"; "Góp đá xây Trường Sa", "Tấm lưới nghĩa tình", "Tiếp sức vì Trường Sa thân yêu"... Phát huy nét đẹp văn hóa, truyền thống nghĩa tình, các đoàn công tác của TP.HCM hàng năm đều đi thăm, tặng quà, hỗ trợ người dân vùng biên giới, các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ; thăm các đồn biên phòng, đơn vị quân đội bảo vệ biên giới, biển, đảo Tổ quốc...

Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định 3 mốc mục tiêu cụ thể theo tầm nhìn đến năm 2045 của Trung ương, đó là: (1) Đến năm 2025, Thành phố là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 USD; (2) Đến năm 2030, là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á; (3) Tầm nhìn đến năm 2045: Trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu cho cả du khách và các nhà đầu tư quốc tế.

Đặc biệt, trên cơ sở 03 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Thành phố vận dụng sáng tạo để xây dựng 03 chương trình đột phá, đồng thời đề ra 01 chương trình trọng điểm với tổng số 51 đề án, nội dung thành phần phù hợp với thực tiễn, là nhiệm vụ thường xuyên, cũng là lâu dài để tạo tiền đề vững chắc phát triển Thành phố.

Có thể khẳng định, trải qua 48 năm, từ một thành phố bộn bề khó khăn sau chiến tranh, TP.HCM đã vươn lên giữ vị thế đầu tàu kinh tế, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế của đất nước, nơi hình thành và phát triển những phong trào yêu nước mang đậm ý nghĩa nhân văn về một thành phố nghĩa tình - thành phố "vì cả nước, cùng cả nước".

Thành tựu 48 năm qua và những trăn trở để phát triển trong tương lai của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ TP.HCM là điểm đến sôi động về đêm với nhiều không gian giải trí, tham quan hấp dẫn du khách của các bộ, ngành.

Duy Minh