Việt Nam quyết tâm cao hướng tới tăng trưởng xanh
Kinh tế - Ngày đăng : 17:00, 30/04/2023
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng Việt Nam đã sớm tiếp cận với mô hình phát triển xanh và bền vững. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn.
Các nhiệm vụ xuyên suốt của đề án là phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức để tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói: Đây được coi là chìa khóa đảm bảo cho việc thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030; đồng thời, tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững.
Ông Thomas Jacobs - Giám đốc Quốc gia IFC (thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới), đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26. Giám đốc Quốc gia IFC cho rằng khi nhận thức được nhu cầu giảm thiểu khí nhà kính và đối phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đưa ra những cam kết tham vọng tại COP26 để có được trung hòa carbon vào năm 2050 và hiện thực hóa nỗ lực này. Để đạt được các mục tiêu đặt ra, Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ của khu vực công và tư để đảm bảo nguồn lực tài chính cần thiết. Cộng đồng doanh nghiệp có sự quan tâm, mong muốn đầu tư vào các lĩnh vực chuyển đổi xanh tại Việt Nam.
Tăng trưởng xanh là gì?
Khái niệm “tăng trưởng xanh” hiện đã được nhiều tổ chức trên thế giới đưa ra song chưa có sự thống nhất hoàn toàn.
Theo Tổ chức Sáng kiến Tăng trưởng Xanh của Liên Hợp Quốc, tăng trưởng xanh hay xây dựng nền kinh tế xanh là quá trình tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải hơn và giảm sự mất công bằng trong xã hội.
Theo Ủy ban Kinh tế xã hội khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc, tăng trưởng xanh là Chiến lược để đạt được phát triển bền vững. Tăng trưởng xanh chủ trương tăng trưởng GDP mà duy trì hoặc khôi phục lại chất lượng và tính toàn vẹn của môi trường sinh thái, đồng thời đáp ứng các nhu cầu của tất cả mọi người với mức thấp nhất có thể tác động đến môi trường.
Việt Nam đang đặt ra những mục tiêu phát triển rất cao, là đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển thu nhập cao, đến năm 2050 giảm phát thải ròng carbon bằng 0. Để Việt Nam vượt qua các khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển, cả chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phải đồng hành, phải cùng chia sẻ tầm nhìn và chiến lược phát triển nhanh, xanh, bền vững.
Chính sách tăng trưởng xanh của Việt Nam trong thời gian qua
Đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và nhiều yếu tố tác động từ bên ngoài. Việt Nam đang trên đà đổi mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả.
Ngay từ năm 2012, tăng trưởng xanh đã được cụ thể hóa thông qua Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Đây được coi là chìa khóa nhằm bảo đảm cho các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Vấn đề giảm phát thải nhà kính, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững được đặt ra thông qua thực hiện 17 nhóm giải pháp. Trong đó, tập trung vào truyền thông, nâng cao nhận thức, huy động nguồn lực để thực hiện Chiến lược; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu và triển khai khoa học và công nghệ; nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng; giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, thực hành tiêu dùng bền vững…
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020 (Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014), gồm 12 nhóm hoạt động với 66 nhiệm vụ hành động cụ thể theo 04 chủ đề chính: Xây dựng thể chế quốc gia và kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương, bao gồm 08 hoạt động theo 02 nhóm; giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo với 20 hoạt động theo 04 nhóm; thực hiện xanh hóa sản xuất với 25 hoạt động theo 04 nhóm; thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững với 13 hoạt động theo 02 nhóm.
Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành mới, bổ sung, sửa đổi một số luật liên quan đến tăng trưởng xanh như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Khí tượng thủy văn. Một số văn bản pháp quy mới đã được xây dựng nhằm thúc đẩy thực hiện các hoạt động liên quan tới tăng trưởng xanh.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” (Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021), trong đó, đề ra các mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 là một biến cố lớn của nhân loại, tạo ra khủng hoảng trên diện rộng, làm thay đổi thế giới trên nhiều lĩnh vực. Kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, hạn chế tác động và phục hồi sau suy thoái kinh tế là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia. Đây cũng là cơ hội để các quốc gia đánh giá lại các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao nhận thức cộng đồng về các mối đe dọa nghiêm trọng từ các vấn đề môi trường và sức khỏe, cũng như tận dụng những thay đổi từ đại dịch. Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết quốc tế thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững 2030 và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.