Xâm nhập mặn tại ĐBSCL: Những tác động từ phát triển thượng nguồn sông Mê Kông
Nước và cuộc sống - Ngày đăng : 09:00, 02/05/2023
Đối với Việt Nam, sông Mê Kông có một vai trò đặc biệt, nuôi dưỡng hai vùng kinh tế trọng điểm là ĐBSCl và Tây Nguyên.
Những tác động bất lợi từ phía thượng nguồn
ĐBSCL có vị trí nằm cuối nguồn sông Mê Kông. Các hoạt động khai thác ở thượng lưu như: xây dựng đập, hồ chứa, tăng diện tích tưới, chuyển nước ra khỏi lưu vực và các hình thức thay đổi sử dụng đất khác đang phát triển theo hướng bất lợi, làm biến động dòng chảy về đồng bằng cả trong mùa mưa và mùa khô, tác động mạnh mẽ đến nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp trên đồng bằng.
Theo số liệu của Ủy hội sông Mê Công Quốc tế, trước năm 2012, tác động từ thượng nguồn đến ĐBSCL cơ bản tương đương với tự nhiên. Tổng số hồ chứa trên lưu vực hiện tại là 74 hồ (Trung Quốc 6, Thái Lan 7, Lào 45, Campuchia 2, Việt Nam 14). Dự kiến, số lượng hồ chứa sẽ xây dựng trên toàn lưu vực đến năm 2030 là 146 hồ và đến giai đoạn năm 2040-2060 là 168 hồ. Tổng dung tích hồ chứa nước ở thượng nguồn sông Mê Công đã tăng từ 15 tỷ m3 năm 2001 lên 30 tỷ m3 năm 2011, 49 tỷ m3 năm 2018.
Dự kiến đến năm 2030, dung tích hồ chứa nước ở thượng nguồn sông Mê Công sẽ là 95 tỷ m3 và giai đoạn 2040-2060 là 110 tỷ m3. Các công trình thủy điện trên thượng nguồn đã điều tiết dòng chảy, tác động đến nước về Đồng bằng trong cả mùa lũ và mùa kiệt, làm lưu lượng dòng chảy trung bình mùa lũ giảm. Những năm xuất hiện lũ trung bình và lũ nhỏ ở thượng nguồn thì ĐBSCL sẽ gần như không còn lũ; lưu lượng dòng chảy trung bình mùa kiệt tăng, mùa kiệt sẽ đến sớm hơn với dòng chảy phụ thuộc nhiều vào chế độ vận hành các hồ chứa phía thượng nguồn.
Theo Nghiên cứu của MRC 2017, kế hoạch cung cấp nước tưới tiêu của các nước thượng nguồn sông Cửu Long (Campuchia, Lào, Thái Lan) đến năm 2040 sẽ là mở rộng, diện tích tăng khoảng gần 37% so với hiện tại (từ 2.247.630 ha lên 3.608.471 ha). Sự phát triển kinh tế và đô thị hóa ở thượng nguồn sẽ làm gia tăng nhu cầu dùng nước. Bên cạnh đó, diện tích rừng trong lưu vực đang suy giảm (đã giảm 15% trong 20 năm qua và còn tiếp tục suy giảm). Các tác động này sẽ góp phần làm suy giảm dòng chảy kiệt về hạ lưu.
Với lưu lượng nước về bình quân mùa lũ giảm, dòng chảy trong sông sẽ yếu dần, dòng triều sẽ thắng thế và tác động ngày càng mạnh lên. Việc san lấp các vùng trũng và hệ thông cống ngăn mặn ở đầu các kênh vùng cửa sông làm biên độ triều tăng (đỉnh triều tăng, chân triều giảm), dẫn đến năng lượng dòng triều gia tăng, thời gian truyền triều từ biển vào rút ngắn, mức nước đỉnh triều cao dẫn đến diện tích bị ngập triều gia tăng, xói lở bờ nhiều hơn và xâm nhập mặn ngày càng gay gắt.
Dòng chảy yếu sẽ dẫn đến sự sụt giảm khoảng 75% hàm lượng phù sa về Đồng bằng, đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra xói lở nghiêm trọng bờ sông, ven biển. Nếu như năm 1990, khi sông Cửu Long đưa được 160 triệu tấn phù sa ra biển thì vào năm 2015, số lượng chỉ còn 75 triệu tấn, giảm hơn phân nửa. Tuy nhiên, lượng phù sa đã bị giảm này dù ra đến gần biển cũng bị trút bớt vì con người khai thác sỏi cát ở các lòng sông, cửa biển, dùng vào các công trình xây cất, gây thiệt hại trầm trọng đến viễn cảnh sống còn của vùng đồng bằng.
Theo nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ, biến đổi khí hậu và hiện tượng ấm lên toàn cầu sẽ làm mực nước biển dâng lên. Nếu dâng 1m thì 20% đồng bằng châu thổ sẽ bị đe dọa. Dâng 2m diện tích đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị xóa còn phân nửa, ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống 15 triệu dân.
Việc khai thác Biển Hồ ở Campuchia là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm. Hiện tại, Biển Hồ có dung tích trữ nước dao động từ 2-80 tỷ m3, có vai trò quan trọng tạo ra mùa nước nổi và làm hài hòa chế độ dòng chảy ở hạ lưu. Với ý tưởng xây dựng công trình điều tiết trên sông Tonle Sap nhằm chống lũ lớn và dâng cao mực nước kiệt trong Biển Hồ sẽ làm thay đổi lớn chế độ dòng chảy về hạ du. Vì vậy, một kịch bản nghiên cứu trạng thái cực đoan về dòng chảy lũ và dòng chảy kiệt khi có công trình trên sông Tonle Sap kiểm soát Biển Hồ là cần thiết để giúp chủ động thích ứng.
Những tác động từ suy giảm diện tích rừng, BĐKH, sự gia tăng nhu cầu nước ở các nước thượng nguồn và vấn đề quản lý hồ thủy điện sẽ tiềm ẩn nguy cơ làm xuất hiện lũ cực đoan lớn trên sông Mê Công (gia tăng nguy cơ khoảng 10% vào năm 2030 và 15% đến năm 2050), dòng chảy kiệt có thể suy giảm khoảng 10% vào năm 2030 và 20% vào năm 2050. Tác động này sẽ là nguyên nhân gia tăng đỉnh lũ lớn và xâm nhập mặn cực đoan ở ĐBSCL. Việc thiết lập một cân bằng mới cho sông hệ thống Cửu Long sẽ cần nhiều thời gian hơn so với quy luật tự nhiên khi nó đang chịu tác động lớn từ chế độ vận hành của các hồ chứa thượng nguồn.
Chia sẻ lợi ích sử dụng, phân bổ nguồn nước
Tại Hội nghị Hợp tác về nước năm 2023 của Liên Hợp Quốc diễn ra tại New York ( Mỹ), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ mối quan tâm, lo ngại trước thực tế, gần 1/3 dân số thế giới đang sống ở các quốc gia bị căng thẳng hoặc khan hiếm nước. Tổ chức Khí tượng thế giới dự báo, đến năm 2050, sẽ có hơn 5 tỷ người gặp khó khăn về tiếp cận nước. Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, 40% dân số thế giới bị ảnh hưởng do thiếu và khan hiếm nước. Dịch bệnh liên quan đến ô nhiễm nước có thể làm mất đi 7-10% GDP toàn cầu.
Theo Phó Thủ tướng, tài nguyên nước đang phải chịu những áp lực to lớn chưa từng có do tính chất ngày càng cực đoan của biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm, nguy cơ cạn kiệt do việc khai thác và sử dụng thiếu bền vững. Trên phạm vi thế giới hiện có hơn 40% dân số toàn cầu đang sinh sống tại các lưu vực sông, hồ xuyên biên giới. Riêng Việt Nam, 60% lượng nước được sản sinh từ các dòng sông xuyên biên giới.
Nhu cầu và quan niệm hiện nay coi các dòng sông xuyên biên giới là thực thể thống nhất từ thượng nguồn đến hạ nguồn, bao gồm các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học. Mỗi lưu vực sông có đặc trưng văn hoá riêng, có tính thống nhất liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội, sinh kế của người dân.
Theo Phó Thủ tướng, các lưu vực sông đều có chức năng rất quan trọng về môi trường, phát triển năng lượng, nông nghiệp, thủy sản, cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, giải trí… Nước là mẫu số chung cho sự phát triển trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, các hoạt động phát triển kinh tế khác. Do vậy, quản lý tài nguyên nước, nhất là nước xuyên biên giới, phải có sự kết nối.
Đây là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh yêu cầu cấp bách về tăng cường hợp tác trong quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới, các lưu vực sông.
“ Mỗi lưu vực sông xuyên biên giới cần được nhìn nhận đầy đủ để có cơ chế quản lý tổng hợp. Cùng với đó, sự thống nhất các dòng sông xuyên biên giới, cũng như sự đa dạng nhu cầu sử dụng tài nguyên nước, đòi hỏi cần có cơ chế hợp tác giữa các quốc gia.
Để có thể tiếp cận tổng thể, tổng hợp, công bằng trong hợp tác quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới Phó Thủ tướng đã chia sẻ một số giải pháp như sau:
Trước hết, các quốc gia cần xây dựng khuôn khổ pháp lý chung để quản lý toàn diện, tổng hợp lưu vực sông xuyên biên giới trong tính đa dạng và thống nhất. Từ đó, các quốc gia cùng nhau bảo đảm việc khai thác, sử dụng nước bền vững; chia sẻ các lợi ích từ nước; trao đổi, thảo luận, tham vấn lẫn nhau khi đưa ra những dự án phát triển trên cơ sở đánh giá tác động, môi trường, dòng chảy, lưu vực sông.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng đề cập đến tính cấp thiết phải hình thành hệ thống quan trắc trực tiếp, ứng dụng giải pháp công nghệ hiện đại để đặt ra các bài toán, dự báo về các dòng sông.
"Quan trọng nhất là chia sẻ lợi ích sử dụng, phân bổ nguồn nước; giải quyết tình trạng thừa nước, thiếu nước, bảo đảm dòng chảy và bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học", Phó Thủ tướng nói
Phân tích về tính phức tạp của các dòng sông xuyên biên giới, Phó Thủ tướng cho rằng cần có các dự án đầu tư, điều tra, đánh giá đầy đủ, đồng thời đưa ra quy hoạch quản lý tổng hợp. Trong đó có quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước, bảo tồn đa dạng sinh học, nhất là bảo tồn các giá trị văn hoá mà dòng sông tạo nên.
Nhấn mạnh sinh kế của người dân luôn gắn với các dòng sông, Phó Thủ tướng cho rằng trong mọi quá trình quản lý phải dựa vào người dân để đưa ra quyết định.
Phó Thủ tướng đề nghị hình thành nên các cơ quan, tổ chức của Liên Hợp Quốc để điều phối, hỗ trợ khoa học, công nghệ, cơ chế tài chính liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho các quốc gia có dòng sông xuyên biên giới chảy qua.
Bên cạnh đó, quản lý nguồn nước phải gắn với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; xây dựng khuôn khổ pháp lý đi cùng với thiết lập chuẩn mực đạo đức xã hội trong quan hệ, ứng xử với tài nguyên nước.
Ra tuyên bố chung vì sự phát triển bền vững của Lưu vực sông Mê Kông
Tại Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mê Kông quốc tế lần thứ 4 diễn ra tại tại Vientiane, Lào đầu tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ lo ngại trước những thách thức chưa từng có đối với Lưu vực Mê Kông, nhất là đồng bằng sông Cửu Long, do tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu, sức ép của yêu cầu phát triển kinh tế và sự gia tăng sử dụng nước nhanh chóng. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng phải đổi mới tư duy hợp tác và có những bước đi đột phá, trên tinh thần đó đưa ra những đề xuất về định hướng hợp tác của Uỷ hội trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng hợp tác Mê Kông, đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia vào các hoạt động của Ủy hội một cách chủ động, tích cực và xây dựng nhằm góp phần thực hiện đầy đủ Hiệp định Mê Kông năm 1995, phát huy “tinh thần hợp tác Mê Kông”, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhân dân các nước, lợi ích các quốc gia trong Lưu vực, giữa con người và thiên nhiên, giữa thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau, và hiện thực hóa mục tiêu chung là phát triển bền vững Lưu vực sông Mê Kông, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Trưởng đoàn 4 quốc gia thành viên (Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan) cùng ra tuyên bố chung, cam kết các mục đích và nguyên tắc hợp tác vì sự phát triển bền vững của Lưu vực sông Mê Kông cũng như xác định các trọng tâm hợp tác của Ủy hội trong thời gian tới.