Nông nghiệp tuần hoàn (Bài 1): Xu hướng tất yếu trong phát triển bền vững
Kinh tế - Ngày đăng : 20:00, 05/05/2023
Nhận thấy mô hình kinh tế tuần hoàn đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bền vững, trong thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã triển khai nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, trong đó có nông nghiệp tuần hoàn. Điển hình như các mô hình nuôi cá - lúa, lúa - tôm, ốc, cua hoặc chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả ở nhiều tỉnh phía Bắc đã khẳng định hiệu quả. Hay các mô hình, giải pháp hướng tới sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí tuần hoàn bền vững được triển khai ở Đồng bằng sông Cửu Long như: Áp dụng quy trình sản xuất lúa "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" trong sản xuất lúa; quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây trồng.
Tại các mô hình này, ước tính toàn bộ thân cây bắp, phần lớn lượng rơm và 1/3 số phụ phẩm trên cây lâu năm và phụ phẩm rau được tận dụng để tái sử dụng để làm thức ăn chăn nuôi, làm nấm, ủ phân hữu cơ, ủ gốc giữ ẩm…, ngoài ra, một phần cỏ dại cũng được tái sử dụng cho các hoạt động nông nghiệp khác, qua đó giúp gia tăng hiệu quả kinh tế. Từ thành công tại các mô hình đã triển khai, ngành nông nghiệp và các địa phương đang tăng cường hướng dẫn, khuyến khích nông dân áp dụng một số quy trình cụ thể vào sản xuất như: Sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Đồng thời, tận dụng rác thải hữu cơ trong sinh hoạt để ủ thành phân hữu cơ; ứng dụng công nghệ vận hành hệ thống tưới nước và phân bón nhỏ giọt tự động trên các loại cây trồng, mô hình công nghệ cao để chuyển đổi sản xuất theo hướng tuần hoàn.
Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tại Việt Nam
Nhiều năm trở lại đây, nông nghiệp Việt Nam luôn giữ vai trò “trụ đỡ” nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, cung cấp nguồn nguyên liệu lớn cho ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng ấn tượng của ngành nông nghiệp và khả năng cạnh tranh của nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đang bị đe dọa bởi tình trạng suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải sớm chuyển đổi mô hình từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững.
Các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đang được áp dụng hiện nay, gồm: Mô hình tạo và dùng khí đốt từ nước thải, chất thải trong trồng trọt, chăn nuôi; mô hình kết hợp trồng trọt-chăn nuôi-thủy sản, nông-lâm kết hợp, vườn-rừng; mô hình tuần hoàn lấy phụ phẩm trong nông nghiệp làm chất xúc tác hay tạo ra các sản phẩm giá trị kinh tế khác...
Phát huy lợi thế từ nguồn tài nguyên phong phú
Theo Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm theo lý thuyết ở nước ta năm 2020 là khoảng 156,8 triệu tấn, gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%), 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%), 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (10,6%).
Đây là nguồn tài nguyên lớn để phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Tuy nhiên, việc sử dụng không hợp lý nguồn phụ phẩm này đang gây lãng phí lớn và là một trong những nguyên nhân quan trọng làm tăng phát thải khí nhà kính, gây ô nhiễm môi trường (đất, không khí và nước).
Riêng phụ phẩm trồng trọt, theo tính toán của các chuyên gia nông nghiệp và môi trường, có thể lãng phí tới vài trăm nghìn tỷ đồng/năm. Chính vì vậy, ở góc độ nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, phụ phẩm trong nông, lâm, thủy sản phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, chứ không phải là chất thải. Đây là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng ban Cơ giới hóa và sau thu hoạch (Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế) cho biết: Tính trung bình, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40 triệu tấn rơm, thì có khoảng 20 triệu tấn được đốt trên đồng ruộng gây ra tình trạng mất dinh dưỡng cho đất; tạo ra khí thải và ô nhiễm môi trường; mất đa dạng sinh học (các sinh vật sống trong đất như nấm, vi khuẩn và động vật có lợi).
Nguyên nhân chính là thiếu giải pháp công nghệ và thị trường mua bán rơm chưa được hình thành, giá rơm hiện ở mức rất thấp. Sâu xa hơn là do doanh nghiệp, nông dân chưa bán được chứng chỉ các-bon và còn hạn chế kiến thức về kinh tế các-bon, nhất là từ sản xuất lúa.
Trong lĩnh vực thủy sản, gần 1 triệu tấn phụ phẩm cũng chưa được xử lý, chế biến hiệu quả. Phó Cục trưởng Chăn nuôi Tống Xuân Chinh cho biết: Các hình thức xử lý, chế biến phụ phẩm thủy sản, gồm: Tách chiết các hợp chất sinh học cho công nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm như tách chiết chitin, chitosan từ vỏ tôm, collagen và gelatin từ da cá tra; làm thức ăn cho chăn nuôi như bột protein, dầu cá, dịch protein thủy phân; làm phân bón hữu cơ…
Tuy nhiên hiện nay, ngành chế biến phụ phẩm thủy sản ở nước ta mới đạt khoảng 275 triệu USD vào năm 2020, trong khi đó, nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm bằng công nghệ cao thì có thể thu về 4 tỷ đến 5 tỷ USD.
Đầu tư công nghệ cao vào chế biến phụ phẩm thủy sản làm nguyên liệu cho ngành mỹ phẩm, dược phẩm, y tế, nông nghiệp, nhất là sản xuất nguyên liệu thức ăn cho chăn nuôi có tiềm năng lớn, đặt nền móng cho kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản.
Với ngành lâm nghiệp, năm 2020, tổng phụ phẩm là 5,5 triệu tấn. Phụ phẩm từ lâm nghiệp cũng là nguồn lực lớn để thực hiện kinh tế tuần hoàn, thí dụ như thông qua làm viên nén sinh học cho lò sưởi và điện sinh khối.
Theo thống kê, thị trường viên nén sinh học toàn cầu đạt giá trị 10,49 tỷ USD (năm 2019), dự báo đạt 23,6 tỷ USD vào năm 2025, riêng khu vực Liên minh châu Âu tiêu thụ 50% nhu cầu viên nén sinh học toàn cầu, tương ứng 30 triệu tấn (năm 2019), phần lớn cho nhu cầu lò sưởi và phát điện.
Địa phương và doanh nghiệp cùng vào cuộc
Những năm gần đây, ngành nông nghiệp nhiều địa phương đã triển khai các chương trình hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất có trách nhiệm với môi trường thông qua việc tái sử dụng nguồn phụ phẩm, chất thải như một nguồn nguyên liệu cho chu kỳ sản xuất tiếp theo nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn. Tại huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, nghề trồng nấm rơm đang phát triển hiệu quả nhờ việc tận dụng lượng rơm sau mỗi đợt thu hoạch lúa.
Anh Nguyễn Văn Diễn ở ấp Bàu Cát, xã Hưng Lợi cho biết: “Trước đây, mỗi khi thu hoạch xong vụ lúa thì tôi thường đốt hết rơm rạ trên mặt ruộng, vừa gây ô nhiễm môi trường vừa khiến đất thoái hóa. Sau khi được tập huấn mô hình trồng nấm, gia đình tận dụng rơm để trồng nấm vừa cho hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. Tính trung bình 100m2 có thể thu được gần 600kg nấm. Do giá nấm ít biến động hơn so với các loại rau màu khác, thường duy trì ở mức từ 50.000-60.000 đồng/kg, cho nên sau khi trừ chi phí, nông dân có thể thu về lợi nhuận gần 20 triệu đồng/100m2.”
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh Sóc Trăng đang phát triển tổng đàn bò gần 50.000 con, hằng năm, thải ra khoảng 450.000 tấn phân tươi, 45.000 tấn phân khô, chưa kể lượng nước thải lớn là mối nguy ô nhiễm môi trường nếu không được xử lý tốt.
Từ thực tế này, tỉnh đã triển khai nhiều dự án nhằm giúp người dân xử lý và tận dụng lượng phân làm nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng, giúp giảm ô nhiễm môi trường và cải tạo đất… Các mô hình cụ thể từ dự án như: Hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp; xây dựng hầm ủ bi-ô-ga, ủ phân com-pốt… Điển hình là thực hiện tại Trại heo giống Việt Nam-Hà Lan với diện tích 3,2ha của Công ty TNHH Tân Tài Lộc ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên.
Tại Đồng Nai - “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Lâm Sinh cho biết:
Tỉnh đang áp dụng các mô hình tuần hoàn trong chăn nuôi, bước đầu sử dụng các chất thải làm phân bón, sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Tỉnh cũng phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm triển khai mô hình nuôi lợn hữu cơ; mô hình sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm chăn nuôi. Hiện, sản lượng phân hữu cơ từ phụ phẩm chăn nuôi của tỉnh là khoảng 2 triệu tấn/năm.
Theo Quyết định 150/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam hướng tới nền sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mục tiêu đến năm 2030, giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020. Theo đó, từng bước giảm dần sức ép của phát triển kinh tế-xã hội với môi trường bằng các giải pháp như: chấm dứt lạm dụng hóa chất, nguyên vật liệu tổng hợp, khó phân hủy; tạo điều kiện tái tạo các nguồn tài nguyên cơ bản như đất, nước, năng lượng; đẩy mạnh chế biến sâu, tận dụng phụ phẩm nông sản để chủ động xử lý ô nhiễm ngay tại nguồn...