Hội nghị “Góp ý dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi”
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 03:07, 07/09/2017
(Moitruong.net.vn) – Ngày 6/9 tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị “Góp ý dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi”.
Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) có 12 chương, 111 Điều. So với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004, tăng hơn 23 Điều và bổ sung 4 chương mới gồm: Chế biến, thương mại lâm sản; hợp tác quốc tế trong lâm nghiệp; giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp; quản lý nhà nước về lâm nghiệp… Phạm vi điều chỉnh trong Dự thảo Luật được thiết kế theo hướng quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản thể hiện rõ lâm nghiệp là ngành kinh tế – xã hội, gồm các hoạt động gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ liên quan đến rừng.
Các ý kiến đóng góp đề xuất, để Dự thảo Luật sau khi được ban hành đi vào cuộc sống, trước hết luật phải giải quyết được những vấn đề đang gặp phải. Cần xem lâm nghiệp như là ngành kinh tế thay vì chỉ đơn thuần là bảo vệ như hiện nay. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp không chỉ là lâm sản, không chỉ là gỗ mà cả môi trường và cần lượng hóa thành kinh tế. Bên cạnh đó phải giải quyết được vấn đề sinh kế của người dân bảo vệ rừng…
Ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho rằng, hai sản phẩm chính mà rừng đem lại, thứ nhất là lâm sản, thứ hai là sản phẩm phi lâm sản. Chúng ta đang tính trên đầu lâm sản thì giá trị rừng đưa ra kết quả không lớn. Nhưng nếu tính sản phẩm phi lâm sản rất lớn. Nếu đầu tư 1 đồng vào lâm nghiệp có thể thu được gấp 7 lần. Đơn cử như chính sách 147 về hỗ trợ phát triển rừng sản xuất, mỗi ha rừng khoảng 20 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ 2 triệu đồng/ha để làm giống mua phân bón, người dân bỏ công sức 18 triệu còn lại thì sau 5 năm mỗi ha đã thu 100 triệu đồng. Đầu tư vốn vào lâm nghiệp có lãi nhất hiện nay.
Theo ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi lần này phạm vi điều chỉnh rộng hơn và theo chuỗi từ khâu bảo vệ, sử dụng, chế biến, thương mại. Quy định cụ thể các chính sách của nhà nước đối với lâm nghiệp. Trong đó, khẳng định Nhà nước đầu tư bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng trọng điểm, trọng yếu của quốc gia và một số đầu tư công. Còn các nhiệm vụ khác được xã hội hóa, các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư. Dự thảo luật cũng đã có những đột phá quan trọng phục vụ tái cơ cấu ngành lâm nghiệp như: phát triển khoa học công nghệ, giá rừng, tài chính trong lâm nghiệp.
“Dự thảo Luật có những đột phá quan trọng. Trong đó có những Chương nói về tái cơ cấu ngành lâm nghiệp ví dụ như phát triển về khoa học và công nghệ. Dự thảo cũng được bổ sung Chương mới quan trọng liên quan đến giá cả, tài chính trong lâm nghiệp để khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của chủ rừng. Chúng ta cũng làm rõ vai trò sở hữu rừng mà Luật năm 2004 chưa đề cập. Đâu là sở hữu toàn dân, đâu là Nhà nước đại diện chủ sở hữu rừng. Đồng thời Dự thảo Luật cũng thể chế hóa việc phân cấp chuyển đổi mục đích sử dụng rừng làm sao thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ tăng lên, giảm thẩm quyền của địa phương ở mức thấp nhất để kiểm soát chặt chẽ” – ông Nguyễn Bá Ngãi nhấn mạnh.
Theo omard.gov