Hội nghị Cấp cao ASEAN 42 sẽ tập trung thảo luận các vấn đề nội khối

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 20:36, 08/05/2023

Theo Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 diễn ra từ ngày 9-11/5 tại Indonesia với sự tham dự của 11 nước sẽ tập trung thảo luận các vấn đề nội khối.
8-ase.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia

Cụ thể, Hội nghị sẽ thảo luận về việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, hội nhập khu vực và các ưu tiên của Chủ tịch ASEAN năm 2023. Các nhà lãnh đạo sẽ gặp Nhóm đặc trách cấp cao về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 và cho ý kiến hướng dẫn nhằm xây dựng tầm nhìn chiến lược đến năm 2045.

Thúc đẩy Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Ngoài chương trình nghị sự về kinh tế, phát triển kinh tế kỹ thuật số, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, Hội nghị cũng sẽ thảo luận về việc thúc đẩy Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương gồm các nội dung về hợp tác hàng hải, kết nối, các mục tiêu phát triển bền vững, kinh tế và các lĩnh vực hợp tác khác.

Liên quan đến chủ đề "Một ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng" trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2023 của Indonesia , ông Kao Kim Hourn khẳng định ASEAN vẫn là một bên tham gia thực sự quan trọng trong khu vực và trên toàn cầu. Đây là lý do ASEAN tiếp tục thu hút nhiều sự quan tâm từ các đối tác bên ngoài, trong đó một số nước mong muốn nâng cấp quan hệ và tham gia vào các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.

Tổng Thư ký ASEAN nhấn mạnh những gì mà ASEAN đang làm và thảo luận cũng như tất cả các kế hoạch hành động đã và đang được triển khai đều cho thấy tầm quan trọng của ASEAN và điều này thu hút sự tin tưởng của các nước.

Theo ông Kao Kim Hourn, trước những bất ổn kinh tế và rủi ro toàn cầu như hiện nay, điều quan trọng đối với ASEAN là phải tiếp tục hợp tác để đảm bảo vẫn hấp dẫn với các nhà đầu tư bên ngoài và các đối tác đối thoại. Ngoài ra, ASEAN cần đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực để giữ chân các nhà đầu tư, cũng như thu hút du khách từ bên ngoài đến với các nước thành viên.

Trả lời câu hỏi về việc Timor Leste lần đầu tiên tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN cũng như việc ASEAN dự kiến thông qua Lộ trình kết nạp Timor Leste làm thành viên đầy đủ tại Hội nghị lần này, Tổng Thư ký Kao Kim Hourn nhắc lại tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 hồi tháng 11/2022,, các nhà lãnh đạo đã nhất trí về mặt nguyên tắc kết nạp Timor Leste làm thành viên thứ 11 của ASEAN, bắt đầu với tư cách quan sát viên.

Tổng Thư ký ASEAN cho rằng tuy chưa được kết nạp chính thức, song việc Timor Leste được phép hoặc được mời tham dự các cuộc họp của ASEAN ở các cấp khác nhau, bao gồm cả hội nghị cấp cao thực sự là cam kết và quyết định chính trị của các nhà lãnh đạo ASEAN, đồng thời khẳng định rằng ASEAN sẽ hỗ trợ Timor Leste xây dựng năng lực để có sự chuẩn bị tốt nhằm khai thác lợi thế từ việc trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN trong tương lai rất gần.

Đề cập đến yêu cầu về một Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, ông Kao Kim Hourn nhắc lại rằng Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vào đầu tháng 2/2023 đã nhất trí cùng thúc đẩy sớm hoàn tất đàm phán COC.

Để có một COC hiệu quả, Tổng Thư ký ASEAN cho rằng trước tiên cần dựa vào các quốc gia trực tiếp tham gia đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc. Để có hiệu quả, COC phải có ý nghĩa thực chất và được các bên tham gia đàm phán nhất trí.

Đó là lý do các cuộc đàm phán rất quan trọng, không chỉ ở kết quả, mà còn ở quá trình thảo luận nhằm đảm bảo lợi ích và nhu cầu của các nước khác nhau cũng như của các quốc gia tham gia ký kết COC được đáp ứng... Qua đó, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, an ninh và an toàn trong khu vực, vì lợi ích của tất cả các nước liên quan.

Thông điệp của Việt Nam là củng cố đoàn kết, nâng cao năng lực ứng phó và thích ứng linh hoạt

Theo Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng SOM ASEAN Việt Nam cho biết, thông điệp mà chúng ta sẽ mang tới Hội nghị lần này là củng cố đoàn kết, tự cường, nâng cao năng lực ứng phó và thích ứng linh hoạt của ASEAN trước các biến động, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, tiếng nói và trách nhiệm của ASEAN khi tham gia các công việc chung của khu vực và thế giới.

“Hội nghị Cấp cao lần này dự kiến sẽ thông qua nhiều văn kiện quan trọng trải rộng trên cả ba trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội của Cộng đồng ASEAN. Nội dung của các văn kiện rất phong phú, về nhiều lĩnh vực kinh tế, tài chính, phát triển, xã hội, thúc đẩy hợp tác theo các xu thế lớn cũng như gắn liền với những vấn đề đang được quan tâm hiện nay. Trong đó, có thể kể đến một số Tuyên bố của lãnh đạo các nước ASEAN về hệ sinh thái xe điện, mạng lưới làng xã, tăng cường giao dịch bằng đồng bản tệ… Các văn kiện này bám sát các ưu tiên mà Chủ tịch ASEAN đề ra trong năm 2023 về ổn định tài chính, an ninh năng lượng. Có thể nói, đây là những nội dung rất thiết thực, hỗ trợ đắc lực cho các nỗ lực thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng ở khu vực, góp phần đưa ASEAN thực sự trở thành lực lượng trung tâm trong tiến trình phát triển chung của cả khu vực, đúng như tinh thần của chủ đề năm nay là "Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng", Đại sứ Vũ Hồ cho biết.

Theo ông Vũ Hồ, chương trình Hội nghị do chủ nhà Indonesia xây dựng, các lãnh đạo sẽ có hai ngày làm việc khẩn trương với nhiều hoạt động, trong đó có hai phiên họp toàn thể và phiên họp hẹp. Dịp này, các lãnh đạo sẽ có các phiên đối thoại với đại diện Nghị viện, thanh niên, doanh nghiệp và Nhóm Đặc trách Cao cấp soạn thảo Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025.

Về nội dung thảo luận, theo thông lệ lâu nay trong ASEAN, phiên họp toàn thể sẽ là dịp lãnh đạo các nước bàn và đưa ra các chỉ đạo thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng; còn tại phiên họp hẹp, các lãnh đạo sẽ trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Điểm mới của Hội nghị lần này là sự phong phú và đa dạng hơn trong các phiên đối thoại của các lãnh đạo với các nhóm, giới về những vấn đề quan tâm trong tiến trình xây dựng Cộng đồng; trong đó có phiên đối thoại với Nhóm Đặc trách Cao cấp về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo các nước thảo luận với các đại diện cấp cao trong nhóm soạn thảo về những định hướng tương lai của ASEAN trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Do đó, phiên đối thoại này có ý nghĩa quan trọng, đặt những viên gạch nền móng cho tương lai của ASEAN sau 2025.  

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 sẽ được tổ chức tại Labuan Bajo, một hòn đảo nằm rất xa Thủ đô Jakarta, điều kiện phát triển và hạ tầng còn rất hạn chế song có tiềm năng du lịch rất lớn. Có thể nói, việc Indonesia, Chủ tịch ASEAN 2023 lựa chọn địa danh này làm nơi tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 chuyển tải thông điệp về quyết tâm của các nước thành viên cùng chung tay thúc đẩy phục hồi nền kinh tế theo hướng bền vững và bao trùm.

Với chủ đề "ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng", Hội nghị lần này thể hiện mong muốn và nỗ lực của các nước phấn đấu đưa ASEAN trở thành tâm điểm, động lực tăng trưởng với vai trò dẫn dắt trong các tiến trình hợp tác và liên kết ở khu vực, đóng góp vào mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và phồn vinh.

Lam Trinh