Kỷ lục nhiệt ở châu Á chỉ mới là 'khúc dạo đầu' của El Nino

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 14:00, 09/05/2023

Năm 2023, có thể là năm nắng nóng kỷ lục của thế giới. Châu Á do ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino cũng đang trải qua những đợt nóng gay gắt mới.

Theo Bloomberg đưa tin, dấu hiệu đáng ngại trước mùa hè ở bán cầu bắc, hiện tượng El Nino đang nổi lên đã đẩy nhiệt độ ở nhiều khu vực phía Nam châu Á lên mức cao kỷ lục.

Nhiều khu vực ở Đông Nam Á đã ghi nhận kỷ lục về nhiệt độ cuối tuần qua, từ đó gây chao đảo cuộc sống của hàng triệu người. Mức nhiệt cao nhất mọi thời đại được ghi nhận ở thủ đô của Lào, Thái Lan và Việt Nam.

Bloomberg cho rằng sức nóng tàn khốc tiếp tục bao trùm châu Á như một lời cảnh báo cho phần còn lại của thế giới.

tang-nhiet.jpg
Người kéo xe đang té nước lên mặt để giảm bớt nắng nóng ở thủ đô Dhaka, Bangladesh.

Nhiều kỷ lục mới được ra đời

Tại Lào, thành phố Luang Prabang ghi nhận mức nhiệt 43,5 độ C vào ngày 6/5, phá vỡ kỷ lục 42,7 độ C mới được thiết lập vào tháng trước, nhà sử học thời tiết Maximiliano Herrera cho biết. Thủ đô Vientiane cũng phá kỷ lục mọi thời đại vào cuối tuần với nhiệt độ 42,5 độ C.

Việt Nam đã báo cáo nhiệt độ cao kỷ lục là 44,2 độ C vào cuối tuần. Trong khi đó, Philippines cắt giảm giờ học sau khi chỉ số nhiệt đạt đến mức “nguy hiểm” - phản ánh sự kết hợp giữa nhiệt độ và độ ẩm có khả năng gây chết người.

nen-nhiet.jpg
Nền nhiệt độ ngoài trời tại bến xe Mỹ Đình, Hà Nội có lúc lên đến 52 độ C.

Thời tiết nắng nóng đang thử thách khả năng của các nước trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đồng thời ngăn chặn sự gián đoạn lớn đối với nông nghiệp và sản xuất điện ở các nền kinh tế vẫn đang phục hồi sau sự tàn phá của Covid-19.

El Nino - vốn khiến nước biển ấm lên khắp Thái Bình Dương - có tác động sâu rộng đến các kiểu thời tiết trên khắp thế giới. El Nino có thể giúp xoa dịu các khu vực khô hạn ở Argentina và miền Nam nước Mỹ, trong khi gây ra thời tiết khô nóng hơn đối với nhiều khu vực ở châu Á và Australia. Cây cà phê, đường, dầu cọ và ca cao sẽ đặc biệt dễ bị tổn thương trước hiện tượng thời tiết khô nóng.

Thái Lan nhiệt độ duy trì ở mức trên 40 độ C ở nhiều khu vực miền Bắc và miền Trung trong suốt tuần trước, đẩy nhu cầu điện lên mức kỷ lục mới. Một nhóm doanh nghiệp và ngân hàng đã yêu cầu chính phủ chuẩn bị một kế hoạch hành động để đối phó với một đợt hạn hán tiềm tàng mà họ cho rằng có thể kéo dài trong ba năm.

Tháng trước, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha bày tỏ lo ngại về “nhiệt độ cao nguy hiểm ở nhiều vùng khác nhau của Thái Lan”.

Bên cạnh đó, lượng mưa ở Malaysia có thể thấp hơn tới 40% ở một số khu vực, từ đó có thể gây rủi ro đến việc sản xuất dầu cọ ở quốc gia này. Malaysia nằm trong số nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó, các nhà chức trách đang theo dõi chặt chẽ sự bùng phát trở lại của cháy rừng và ô nhiễm không khí. El Nino vào năm 2015 đã gây ra hiện tượng sương mù đặc biệt nghiêm trọng - một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất ở Đông Nam Á.

Nỗi lo cho tương lai

Mức nhiệt thiêu đốt cũng tấn công nhiều khu vực của Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh trong những tuần gần đây.

Tỉnh Vân Nam, một trung tâm sản xuất nhôm lớn ở phía Tây Nam Trung Quốc, đã phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong một thập kỷ vào tháng trước.

Ấn Độ đang cảnh giác trước những đợt sóng nhiệt vào tháng 5, sau khi nhiệt độ tăng cao hồi tháng 4 đã khiến trường học ở một số bang phải đóng cửa và khiến ít nhất 11 người chết vì say nắng sau khi tham dự một sự kiện.

Ở vùng nhiệt đới, bao gồm phần lớn châu Á, nghiên cứu cho thấy những ngày có “nhiệt độ cực kỳ nguy hiểm” - ở mức 51 độ C - có thể tăng gấp đôi, từ đó tạo ra rủi ro đối với người dân ở các quốc gia bị ảnh hưởng.

“Theo định nghĩa, chúng tôi không biết điều gì có thể xảy ra nếu một lượng lớn dân số phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về nhiệt độ và độ ẩm chưa từng có. Tuy nhiên, những đợt nắng nóng trong vài thập kỷ qua đã cực kỳ nguy hiểm và (chúng ta) có lý do để lo ngại trong tương lai”, Lucas Vargas Zeppetello, thuộc Đại học Harvard và là tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ.

Ở Bangladesh, South China Morning Post dẫn một số nguồn tin cho biết mặt đường đã tan chảy dưới sức nóng chói chang ở thủ đô Dhaka.

Tháng 4 và tháng 5 thường là những tháng nóng nhất trong năm đối với Nam Á và Đông Nam Á, khi nhiệt độ tăng cao trước khi những cơn mưa gió mùa hàng năm xuất hiện giúp giải nhiệt.

CNN dẫn một nghiên cứu năm 2022 cho biết các đợt nắng nóng nguy hiểm, với mức nhiệt từ 39,4 độ C trở lên, sẽ xảy ra thường xuyên hơn 3-10 lần vào giai đoạn chuyển giao giữa các thế kỷ.

Ở vùng nhiệt đới, bao gồm phần lớn châu Á, nghiên cứu cho thấy những ngày có “nhiệt độ cực kỳ nguy hiểm” - ở mức 51 độ C - có thể tăng gấp đôi, từ đó tạo ra rủi ro đối với người dân ở các quốc gia bị ảnh hưởng.

“Theo định nghĩa, chúng tôi không biết điều gì có thể xảy ra nếu một lượng lớn dân số phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về nhiệt độ và độ ẩm chưa từng có. Tuy nhiên, những đợt nắng nóng trong vài thập kỷ qua đã cực kỳ nguy hiểm và (chúng ta) có lý do để lo ngại trong tương lai”, Lucas Vargas Zeppetello, thuộc Đại học Harvard và là tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ.

Linh Chi