Hà Nội: Nỗi lo cây đổ mùa mưa bão
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 13:00, 10/05/2023
Trong năm 2022, đã có không ít vụ việc cây xanh trên địa bàn TP Hà Nội gãy đổ gây hư hỏng cho phương tiện thậm chí là đè cả vào người đi đường.
Đơn cử vào chiều 30/7/2022, một cây phượng kích thước lớn trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bất ngờ bật gốc đổ ra đường khiến các phương tiện giao thông di chuyển khó khăn.
Hay ngày 20/9/2022, tại ngã tư Hoàng Đạo Thúy - Hoàng Ngân, cây phượng có đường kính khoảng 70cm, phần gốc có đường kính khoảng 1m bật gốc trong mưa giông, đổ đè làm vỡ kính lái, bẹp toàn bộ phần nóc xe Mazda CX5 đang đỗ dưới lòng đường.
Đặc biệt vào ngày 30/9/2022, trong lúc đi xe máy qua phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), một người phụ nữ bất ngờ bị cây xà cừ đổ, đè trúng người và phải nhập viện cấp cứu.
Sau những trận mưa lớn kéo dài, kèm theo gió, dông dẫn đến hiện tượng cây xanh gãy đổ. Ngoài ra, cây bị xâm hại trong quá trình phát triển đô thị, việc thi công công trình cải tạo, chỉnh trang vỉa hè, công trình ngầm cũng làm ảnh hưởng đến bộ rễ của cây làm cho cây bị đổ khi có mưa gió.
Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có gần 1,165 triệu cây xanh đô thị. Mới đây, Sở này đã ban hành kế hoạch cắt tỉa cây xanh bảo đảm cảnh quan, mỹ quan đô thị, phòng chống thiên tai trên địa bàn năm 2023.
Cụ thể, Thành phố dự kiến sẽ thực hiện cắt tỉa khoảng 348.000 cây xanh đô thị kết hợp chỉnh trang đồng bộ trên các tuyến đường nhằm nâng cao thẩm mỹ, hạn chế cây gãy đổ trong mùa mưa bão.
Việc cắt tỉa cây xanh cũng nhằm chủ động kiểm tra, rà soát, cắt tỉa cây bóng mát nặng tán, cây có nguy cơ gãy đổ; đặc biệt, xử lý ngay các trường hợp cây nguy hiểm, cây sâu, mục, cây chết khô có khả năng gãy đổ đột ngột và gia cố, chằng chống, khắc phục lại các cọc bị hỏng, mục...
Theo phân cấp, cấp thành phố thực hiện cắt tỉa khoảng 199.500 cây; cấp huyện thực hiện khoảng 148.500 cây. Trong 348.000 cây xanh đô thị, các đơn vị sẽ thực hiện cắt tỉa chỉnh trang, vén tán, nâng cao vòm lá khoảng 278.600 cây và cắt tỉa phòng bão, làm thưa tán, thấp tán, hạ độ cao khoảng 69.400 cây.
Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có gần 1.165 triệu cây xanh đô thị. Cấp thành phố đang quản lý, duy trì hơn 798.390 cây trên 761 tuyến đường, 5 công viên, trong đó có 3.115 cây trong các công viên; 795.282 cây trên các tuyến đường, phố tại 12 quận, các tuyến đại lộ, quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn các huyện, tuyến đường liên tỉnh. Cấp huyện quản lý, duy trì 366.515 cây - đây là những cây bóng mát trên các tuyến đường, phố, ngõ, ngách, các tuyến đường trong các dự án khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch; cây trong các khuôn viên đất của cơ quan (trụ sở cơ quan, trường học, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa thể thao, khu di tích), tổ chức, cá nhân và các tuyến đường khu vực ngoài đô thị, do UBND các quận, huyện, thị xã, các chủ sở hữu quản lý.
Nhằm tăng diện tích cây xanh, thay thế cây cong, sâu mục, kém phát triển trước mùa mưa bão cũng như thực hiện kế hoạch lâu dài về tăng diện tích cây xanh, thành phố Hà Nội cũng đã xây dựng kế hoạch đến năm 2025 sẽ trồng mới khoảng 500.000 cây xanh đô thị trên toàn Thủ đô. Chỉ riêng năm 2023, thành phố dự kiến trồng hơn 133.000 cây xanh. Năm 2024 sẽ trồng trên 145.000 cây xanh và đến 2025 sẽ trồng mới khoảng 118.000 cây xanh.
Để việc trồng, thay thế cây xanh được diễn ra công khai, minh bạch đúng quy định của pháp luật, UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, đơn vị liên quan phải tham vấn ý kiến chính quyền địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học, các viện, trường, các tổ chức, cá nhân về cây xanh trước khi trồng.
Đồng thời, tổ chức tuyên truyền sâu rộng, tạo sự đồng thuận của nhân dân và dư luận xã hội trước khi tổ chức triển khai thực hiện trồng cây thay thế đối với các chủng loại cây già cỗi gây nguy hiểm, không thuộc danh mục cây được bảo tồn, cây quý hiếm, cây cổ thụ trên các tuyến phố, cây hoa sữa tại một số khu vực nhằm giảm mùi hương nồng nặc khi đến mùa hoa nở.