Myanmar: ít nhất 41 người thiệt mạng vì siêu bão Mocha

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 08:30, 17/05/2023

Báo Bangkok Post dẫn nguồn tin giới chức địa phương cho biết, số người thiệt mạng tại bang miền Tây Rakhine của Myanmar đã tăng lên 41 sau khi siêu bão Mocha đổ bộ khu vực này.
16-bao.jpg
Ít nhất 12.000 ngôi nhà hư hại hoàn toàn hoặc một phần và khoảng 750.000 người phải sơ tán khi bão Mocha quét qua tỉnh Cox’s Bazar của Bangladesh

Siêu bão Mocha đổ bộ vào đất liền Myanmar hôm 14/5 với sức gió lên tới 210 km/h, làm đổ một tháp truyền thông, gây gián đoạn liên lạc, đánh bật mái tôn nhiều nhà dân và khiến một số khu vực của thành phố cảng Sittwe, thủ phủ bang Rakhine, bị ngập lụt. Đây là cơn bão lớn nhất đổ bộ vào Vịnh Bengal trong hơn một thập kỷ.

Những thiệt hại do bão Mocha đã gây sức ép không hề nhỏ lên các tổ chức nhân đạo đang hoạt động tại bang Rakhine, nơi có đến 6 triệu người đang cần hỗ trợ nhân đạo và 1,2 triệu người mất nhà cửa. Hội Chữ thập đỏ Myanmar đã mở chiến dịch ứng phó khẩn cấp quy mô lớn. Hãng tin AFP cho hay, hơn 860 ngôi nhà và 14 bệnh viện hoặc phòng khám ở Myanmar đã bị hư hại do ảnh hưởng của siêu bão.

Tháng 5/2008, bão Nargis tấn công miền Nam Myanmar làm gần 140.000 người chết và 2,4 triệu người bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại kinh tế khoảng 4 tỷ USD.

Tại Bangladesh, ít nhất 12.000 ngôi nhà hư hại hoàn toàn hoặc một phần và khoảng 750.000 người phải sơ tán khi bão Mocha quét qua tỉnh Cox’s Bazar cách Thủ đô Dhaka khoảng 300 km và các đảo ngoài khơi thuộc tỉnh này. Khoảng 500 lều tạm, nơi trú ẩn tạm thời cho gần 1 triệu người tị nạn Rohingya cũng bị hư hại, tuy nhiên hiện chưa có thống kê đầy đủ về thiệt hại do bão Mocha gây ra ở Bangladesh.

Bão Mocha quét qua Myanmar và Đông Nam Bangladesh từ ngày 14/5 tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân tại các quốc gia trên.

Do ảnh hưởng của bão Mocha, người dân Bangladesh đang phải trải qua đợt cắt điện tồi tệ nhất trong hơn 7 tháng qua.

Bão mạnh buộc giới chức phải đóng cửa 2 cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nổi chỉ chưa đầy 1 tháng sau đợt nắng nóng gây mất điện trên diện rộng.

Trong vài tháng gần đây, hàng triệu người Bangladesh thường xuyên chịu cảnh mất điện do ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cực đoan và giá năng lượng toàn cầu tăng, làm gián đoạn nguồn cung nhiên liệu trong nước.

Dữ liệu của Cơ quan điều hành lưới điện Bangladesh cho thấy trong 2 ngày 14 và 15/5, khi bão Mocha đổ bộ đất liền, mức chênh lệch cung-cầu điện tại Bangladesh lần lượt là hơn 14% và 17% so với nhu cầu sử dụng, thời điểm chênh lệch rõ nhất là sau nửa đêm.

Chủ tịch Công ty khí đốt quốc gia Bangladesh, ông Zanendra Nath Sarker, cho biết nguồn cung khí đốt cho các nhà máy điện sẽ cải thiện sau khi cảng nổi LNG Summit hoạt động trở lại từ chiều 15/5. Trong khi đó, cảng nổi LNG Moheshkhali sẽ quay trở lại hoạt động "trong vài ngày tới."

Việc các cảng nổi nối lại hoạt động được kỳ vọng sẽ giúp khắc phục tình trạng mất điện tại Bangladesh trước khi nhiệt độ bắt đầu tăng vọt trong nửa cuối tháng Năm này, tháng cao điểm mùa Hè, gây thêm áp lực cho lưới điện quốc gia.

Bão Mocha là cơn bão lớn nhất tấn công Vịnh Bengal trong hơn 10 năm qua với sức gió có thời điểm lên tới 321 km/giờ. Ngày 14/5, bão đã mạnh lên thành cấp độ 5 buộc nhà chức trách Myanmar và Bangladesh tiến hành sơ tán khoảng 400.000 người nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.

Đến trưa 15/5, bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sau khi đổ bộ Myanmar.

Hà My