Quảng Ngãi: Cần sớm có giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở sông Trà Bồng
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 11:30, 17/05/2023
Gia đình ông Lê Văn Bản (66 tuổi) ở tổ dân phố An Châu, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn cũng như nhiều hộ dân khác ở đây đành bất lực đứng nhìn dòng nước cuốn trôi từng thửa ruộng màu mỡ. Những bụi tre giữ đất trơ rễ đổ nghiêng về phía dòng sông. Ông Bản cho biết: “Gia đình tôi có hơn 1.000 m2 đất canh tác hoa màu dọc bờ sông Trà Bồng nhưng mấy mùa mưa qua đã bị dòng lũ cuốn giờ chỉ còn 300 mét vuông đất cũng đang trong nguy cơ sạt lở, tôi chỉ trồng chuối thôi”.
Hàng chục năm qua, người dân ở tổ dân phố An Châu và Giao Thủy, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn đứng trước nỗi lo mất những thửa ruộng nằm ven bờ sông Trà Bồng. Ở những điểm sạt lở nặng, xuất hiện những hàm ếch ăn sâu vào trong phần đất ven bờ của người dân và có nguy cơ biến mất trong mùa mưa sắp tới.
Ông Trần Quang, Tổ trưởng tổ dân phố An Châu, thị trấn Châu Ổ cho hay: “Diện tích canh tác gần bờ sông trước đây rất rộng, qua mỗi mùa mưa lũ lại bị thu hẹp dần, giờ là cách khoảng 15 mét so với thực tế. Bờ kè bên kia sông xây dựng rồi, thì nước nó dồn hết qua bên đây. Người dân họ trồng tre để chắn nhưng vì nước lũ sông Trà Bồng quá mạnh, nên người dân ở đây rất vất vả vì trồng hoa màu thiệt hại nặng rồi còn phải chạy lũ nữa”.
Theo người dân địa phương sống ven sông Trà Bồng, nguyên nhân gây sạt lở là do mùa lũ đến, nước thay đổi dòng chảy gây xói lở và ăn mòn nhiều diện tích đất nông nghiệp, tạo nên bên lở, bên bồi. Tại thôn Đông Thuận, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn sau nhiều năm sạt lở lòng sông nay đã lấn sâu vào bờ. Nhiều bụi tre được trồng ven sông với mục đích chắn nước, giữ lại đất sản xuất cho người dân, nhưng cũng không thể thắng nổi sự tấn công dữ dội của nước lũ. Người dân nơi đây đang mong mỏi được nhà nước xây dựng kè kiên cố để giữ đất, giữ lại kế sinh nhai bao đời và ổn định sản xuất.
Ông Võ Văn Thới, thôn Đông Thuận, xã Bình Trung cho biết, trước đây là dãy ven sông rất đẹp. Tuy nhiên tình trạng sạt lở hàng năm khiến bờ sông dần bị hẹp lại rồi xâm thực vào đất sản xuất của người dân, lo ngại nhất là tiến sát vào khu dân cư. “Tới mùa lũ là con sông này ăn sâu vào 15-20m. Tôi e rằng là qua mùa lũ năm nay, đường này không còn đi nữa. Người dân sống dọc ven sông Trà Bồng ở Bình Trung đề nghị biết bao nhiêu lần rồi, mong sao nhà nước ở trên quan tâm có được con đê, vừa giữ đất, vừa giữ được dân. Chớ tình trạng sạt lở như này thì không còn mấy năm nữa là tới trong khu dân cư rồi”, ông Thới lo lắng nói.
Mới đây, UBND huyện Bình Sơn đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình kè Bến Đụn để khắc phục tình trạng sạt lở trên. Kè có chiều dài gần 750 mét với tổng mức đầu tư 25 tỉ đồng, được xây dựng nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai, đảm bảo an toàn dân sinh và góp phần cải tạo cảnh quan sạch đẹp, phát triển du lịch và nâng cao cơ sở hạ tầng góp phần xây dựng thị trấn Châu Ổ hoàn thiện các tiêu chí để lên đô thị loại IV.
Ông Phạm Lê Huyên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Châu Ổ nêu kiến nghị: “Địa phương mong muốn các cấp có thẩm quyền quan tâm đưa dự án vào thực hiện sớm để tạo điều kiện cho người dân được hưởng lợi. Đặc biệt, vùng An Châu, Giao Thủy là vùng trũng của thị trấn Châu Ổ, hằng năm vùng này bị ngập sâu, ảnh hưởng đến tính mạng của bà con nhân dân”.
Qua rà soát của huyện Bình Sơn, tình hình sạt lở sông Trà Bồng đang diễn ra ở 8 xã, thị trấn nằm dọc sông. Trong đó, sạt lở nghiêm trọng nhất là ở các xã Bình Trung, Bình Mỹ, Bình Minh và Bình Dương. Hiện tại, với điểm sạt lở ở thị trấn Châu Ổ và xã Bình Dương, huyện Bình Sơn đã có giải pháp thi công kè chống sạt lở và sẽ sớm được triển khai xây dựng trong thời gian tới. Với những điểm còn lại, huyện tiếp tục khảo sát và lên kế hoạch cụ thể nhằm sớm khắc phục tình trạng sạt lở ven sông, giúp người dân yên tâm hơn khi có mưa lũ.
Ông Nguyễn Tưởng Duy, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết: “Trong thời gian tới, huyện sẽ xin tỉnh, hoặc bố trí ngân sách huyện để xử lý tình trạng sạt lở bờ sông này. Với kè Bình Dương, tỉnh đã xem xét xử lý và hỗ trợ khẩn cấp xây làm trong năm nay. Với đoạn Bình Trung, Bình Mỹ huyện đang cho khảo sát để làm kè, nhưng định hướng huyện sẽ không làm kè cứng toàn bộ, mà có giải pháp làm kè mềm vừa đảm bảo chống sạt lở, vừa đảm bảo hệ sinh thái”.