Cần giải pháp làm mát bền vững tại khu vực đô thị ở Việt Nam
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 18:30, 18/05/2023
Hội thảo là dịp để các bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan, các chuyên gia Việt Nam và quốc tế trao đổi, thảo luận đề xuất giải pháp làm mát đô thị hiệu quả phù hợp với bối cảnh của Việt Nam; thúc đẩy thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng duyên hải miền Trung; hỗ trợ cho các giải pháp làm mát bền vững và chống nắng nóng cực đoan tại các đô thị ở Việt Nam.
Theo Báo cáo đánh giá khí hậu Quốc gia năm 2021, biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ trung bình của Việt Nam lên tới 4 độ C ở miền Bắc và 3,5 độ C tại miền Nam vào năm 2100. Mức nhiệt tăng cùng với hiệu ứng đảo nhiệt đô thị (UHIE) khiến cho các thành phố của Việt Nam nằm trong những khu vực đô thị có nguy cơ phải hứng chịu các đợt nắng nóng cực đoan cao nhất trên toàn cầu.
Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, đến cuối năm 2020, hệ thống đô thị nước ta đã có 862 đô thị các loại, tỷ lệ đô thị hoá xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã đạt gần 40%. Khu vực đô thị đã trở thành động lực, đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội của các vùng và cả nước, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước, chiếm tỷ trọng chi phối trong thu ngân sách, xuất khẩu, sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), Kịch bản biến đổi khí hậu cập nhật của Bộ TN&MT đã chỉ ra các biểu hiện của biến đổi khí hậu như gia tăng nhiệt độ, thay đổi lượng mưa, nước biển dâng và gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục diễn ra nhanh hơn, tần suất nhiều hơn.
Nhiệt độ không khí tăng cao, các đợt nắng nóng bùng phát nhiều, kéo dài làm gia tăng nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát. Tuy nhiên, việc làm mát không đảm bảo các yêu cầu về tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu trong vận hành đô thị cũng sẽ làm gia tăng phát thải khí nhà kính - nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu. Cùng với đó, quá trình sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế các thiết bị làm mát không được thực hiện đúng quy định có thể gây ra việc rò rỉ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính ra môi trường. Các chất này khi phát thải trực tiếp vào khí quyển sẽ góp phần phá hủy tầng ô dôn và làm gia tăng nhiệt độ Trái đất.
“Nhu cầu về giải pháp làm mát bền vững tại khu vực đô thị trở nên cấp bách trên toàn cầu và tại Việt Nam. Làm mát hiệu quả, bền vững tại các đô thị có thể giúp các quốc gia xóa đói giảm nghèo, giảm thất thoát lương thực, cải thiện sức khỏe, quản lý nhu cầu năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu” – ông Quang nhấn mạnh.
Để thúc đẩy các giải pháp làm mát thân thiện với khí hậu chống nắng nóng cực đoan tại các thành phố của Việt Nam, Chương trình “Làm mát đô thị bền vững tại khu vực đô thị ở Việt Nam” sẽ hỗ trợ 3 thành phố thí điểm đánh giá và đề xuất giải pháp về làm mát bền vững tại khu vực đô thị để lồng ghép trong các chính sách của thành phố.
Cùng với Chương trình làm mát đô thị bền vững, Cục Biến đổi khí hậu và UNEP cũng phối hợp triển khai chương trình hợp tác “Dự án Hành động NDC - Tạo điều kiện thực hiện thích ứng với khí hậu và phát triển các-bon thấp phù hợp với các mục tiêu quốc gia và các mục tiêu toàn cầu”. Mục tiêu nhằm tăng cường năng lực cho quốc gia thực hiện NDC; xây dựng các chính sách và chương trình nhằm thúc đẩy việc thực hiện NDC trong 2 lĩnh vực ưu tiên là thích ứng với biến đổi khí hậu và làm mát bền vững tại khu vực đô thị ở Việt Nam.
Chương trình cũng sẽ xây dựng các kế hoạch đầu tư thân thiện với khí hậu; tăng cường đầu tư xanh và cơ chế tài chính phù hợp cho dự án làm mát bền vững ở khu vực đô thị. Qua dó, nâng cao năng lực, trách nhiệm và các hoạt động về làm mát bền vững ở khu vực đô thị; Tạo điều kiện chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia khác.