Bắc Giang: Triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 04:37, 26/09/2017
(Moitruong.net.vn) – Ngày 25/9, đồng chí Bùi Văn Hải – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái.
Còn nhiều bất cập
Hiện toàn tỉnh Bắc Giang có trên 173 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó rừng đặc dụng chiếm 13.306 ha, rừng phòng hộ 21.321 ha, rừng sản xuất 119.204 ha. Các diện tích này được giao cho các Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các doanh nghiệp, lâm nghiệp và hộ gia đình, cộng đồng dân cư, UBND xã quản lý, sử dụng. Mặc dù đã được quan tâm chỉ đạo song công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn nhiều khó khăn.
Theo ông Dương Xuân Bánh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, tình trạng khai thác trái phép lâm sản trong rừng tự nhiên, nhất là các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ còn diễn ra. Công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên đã giao cho các hộ gia đình có nhiều khó khăn do việc tự ý phát rừng nghèo kiệt lấy đất để trồng rừng kinh tế diễn ra phức tạp, có chiều hướng gia tăng.
Nguyên nhân là do hiệu quả từ trồng rừng kinh tế cho thu nhập cao, khoảng 20 – 30 triệu đồng/ha/năm trong khi nhiều hộ gia đình miền núi chủ yếu được giao rừng tự nhiên nghèo và nghèo kiệt, trước mắt không cho thu nhập nên tìm cách phá bỏ lấy đất trồng rừng kinh tế. Kinh phí đầu tư cho khoán bảo vệ rừng hàng năm được bố trí thấp hơn so với diện tích cần khoán.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái đánh giá: “Việc quản lý đất rừng, mua bán trái phép đất rừng đang có nhiều diễn biến phức tạp. Các đối tượng sẵn sàng chịu xử phát, cố tình phá, đốt các diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt để trồng rừng sản xuất. Trong khi đó công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng để xử lý vi phạm còn chưa đạt hiệu quả, chưa có tính răn đe. Hiện đang xuất hiện mâu thuẫn giữa quyền lợi và trách nhiệm của người trồng rừng.”
Ông Hà Minh Quý – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho rằng: “Địa bàn quản lý rộng, trong khi đó lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đề nghị tỉnh bổ sung 17 chỉ tiêu công chức cho Chi cục Kiểm lâm theo biên chế được giao năm 2017”.
Bên cạnh đó, tình trạng khiếu kiện, tranh chấp lấn chiếm đất rừng còn xảy ra ở nhiều địa phương, nhất là việc tranh chấp đất rừng giữa người dân với các công ty lâm nghiệp. Trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp của chính quyền địa phương cơ sở còn hạn chế, chủ rừng chưa thực hiện đầy đủ các quy định Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng.
Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng
Tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, phát triển rừng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về công tác này. Đồng thời tăng cường vai trò của chính quyền địa phương các cấp, sự phối hợp giữa các ngành và chính quyền cấp huyện, cấp xã để thực hiện hiệu quả việc kiểm tra, xử lý vi phạm.
Sở Nông nghiệp và PTNT kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận để chỉ đạo toàn diện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, ngân sách tỉnh bố trí đủ kinh phí để thực hiện các chính sách về lâm nghiệp đã ban hành, khoảng 20 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ làm giàu rừng tự nhiên nghèo bằng trồng bổ sung cây bản địa dưới tán rừng 8 tỷ đồng, khoán bảo vệ rừng tự nhiên 11,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó cho chủ trương về việc cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt là rừng sản xuất để trồng rừng kinh tế đối với những diện tích rừng có trữ lượng, chất lượng rất thấp và rừng tái sinh không có khả năng phục hồi tại các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải khẳng định vai trò quan trọng của rừng trong bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái và phát triển kinh tế. Do đó, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, ngành, địa phương có rừng cần triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tiếp tục rà soát quy hoạch 3 loại rừng. Đối với diện tích rừng đặc dụng thực hiện bảo vệ nghiêm ngặt toàn bộ diện tích rừng hiện có. Đối với rừng phòng hộ, bảo vệ tốt diện tích hiện có, đồng thời nghiên cứu chuyển đổi một số khu rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, đảm bảo các yếu tố về quản lý, lợi ích của người dân, môi trường. Đối với diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt, nếu những diện tích nào nhận thấy không còn khả năng phòng hộ, nghiên cứu xem xét chuyển đổi sang rừng sản xuất nhưng phải có tiêu chí xác định cụ thể, chặt chẽ.
Đồng thời, thực hiện triệt để việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không để tồn tại tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng. Đề cao trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, các Ban Quản lý rừng và địa phương. Khi để xảy ra tình trạng phá rừng phải quy được trách nhiệm thuộc về ai.
Tăng cường quản lý khai thác rừng, các cơ sở chế biến gỗ, khoáng sản. Lồng ghép các dự án, chương trình tạo nguồn kinh phí hỗ trợ nhân dân vay vốn trồng rừng, phát triển rừng. Những chủ rừng được giao quản lý bảo vệ rừng, nếu sau 3 năm kiểm tra mà không trồng rừng, rừng chất lượng kém thì kiên quyết thu hồi.
Về kiến nghị bổ sung kinh phí bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, Bí thư Tỉnh ủy nhất trí và khẳng định phải đảm bảo đủ kinh phí ngay từ đầu năm, đưa vào kế hoạch hàng năm, có cơ chế quản lý chặt chẽ.
Về kiến nghị bổ sung biên chế lực lượng kiểm lâm, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tiến hành rà soát, nếu đủ điều kiện thì bổ sung.
Theo BGP