Châu Âu đối mặt với khủng hoảng khí hậu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:30, 23/05/2023
“Biến đổi khí hậu hiện diện ngay tại đây và chúng ta đang gánh chịu hậu quả. Đó không còn là viễn cảnh xa vời mà là điều bình thường mới.” Đó là nhận định của một chuyên gia nghiên cứu khí hậu tại Italy, và cũng là nhận định khái quát nhất cho vấn đề biến đổi khí hậu mà các quốc gia châu Âu đang phải đối mặt.
Theo Guardian đưa tin, một phần vùng Emilia-Romagna phía bắc Italy đã hứng chịu 50% lượng mưa trung bình hàng năm chỉ trong 36 giờ. Trong thời gian này, khu vực nhận lượng mưa trung bình 200 mm, có nơi tới ít nhất 500 mm.
Các con sông tại quốc gia này đã phải hứng chịu cảnh vỡ bờ và hàng nghìn mẫu đất nông nghiệp bị nhấn chìm. Tính tới tối 20/5, ước tính có khoảng 20.000 người mất nhà cửa và 13 người thiệt mạng.
Bên cạnh đó, nông dân đang là đối tượng phải hứng chịu nhiều hậu quả nhất khi biến đổi khí hậu đang tác động lên toàn bộ nhiều nơi trên thế giới khiến năng suất cây trồng giảm đến 45% vào năm ngoái do có nhiều đợt hán hán kéo dài.
Trên khắp châu Âu, khi nồng độ CO2 trong khí quyển tăng lên, thời tiết cũng khắc nghiệt hơn. Những năm hạn hán liên tiếp ảnh hưởng đến nông dân ở Tây Ban Nha và miền Nam nước Pháp, trong khi năm ngoái lục địa chứng kiến những đợt nắng nóng chưa từng có.
Ở Anh, lần đầu tiên nhiệt độ vượt quá 40 độ C. Tháng 8/2022, một trạm thời tiết gần Syracuse trên đảo phía nam Sicily ghi nhận 48,8 độ C. Đây được cho là nhiệt độ cao nhất từng đo được ở châu Âu.
Người dân ở Nam Âu trải qua 70-100 ngày nắng nóng, trong đó nhiệt độ ít nhất là 32 độ C, do gió và các yếu tố khác. Nam Âu trải qua số ngày kỷ lục “căng thẳng nhiệt rất cao” (từ 38-46 độ C), trong khi số ngày hè với nhiệt độ “cao” (32-38 độ) hoặc “rất cao” gia tăng khắp lục địa
Có thể thấy biến đổi khí hậu đang khiến châu Âu trải qua năm nóng thứ hai từng được ghi nhận, với nhiệt độ tăng gấp đôi tốc độ trung bình toàn cầu và nhanh hơn mọi lục địa khác. Trong khi thế giới đang vật lộn giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 1,5 độ C, trong 5 năm qua, nhiệt độ trung bình ở châu Âu đã cao hơn 2,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.