Quảng Ninh công khai 19 dự án vi phạm Luật Đất đai
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 14:30, 23/05/2023
Thu hồi 456 dự án diện tích trên 13.085ha
Báo cáo cho biết, giai đoạn từ 2010 đến hết năm 2022, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thu hồi 456 DA với tổng diện tích trên 13.085ha. Trong đó, đất do hết hạn thời gian thuê đất, do tự nguyện trả lại đất 331 DA với diện tích 2.993,57ha; thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai và thu hồi do vi phạm khác là 125 DA với diện tích 10.155,46ha.
"Các DA chậm tiến độ, vi phạm pháp luật đủ điều kiện thu hồi, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã kiên quyết chỉ đạo và ban hành quyết định thu hồi đất. Sau khi thu hồi đã tiến hành bàn giao cho các địa phương quản lý chặt chẽ. UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các địa phương căn cứ quy hoạch, căn cứ quy định của pháp luật, xây dựng phương án lựa chọn nhà đầu tư có năng lực để thực hiện DA mới, phát huy hiệu quả sử dụng đất đai", ông Cao Tường Huy - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay.
Ông Huy cho biết, nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai cũng như việc phát hiện từ sớm, trên cơ sở đó có biện pháp xử lý kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật của các chủ đầu tư DA, UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh Quảng Ninh chủ trì rà soát, lập kế hoạch thanh tra toàn diện các DA chưa được thanh tra, kiểm toán, ưu tiên thanh tra trước với các DA chậm tiến độ và có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Thời gian thực hiện thanh tra xong trong năm 2023. Trong đó ưu tiên các DA chậm tiến độ, các DA có dấu hiệu vi phạm pháp luật tiến hành thanh tra trước.
Đến nay, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh đã tham mưu kế hoạch thanh tra chuyên đề diện rộng trong năm 2023 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3540/QĐ-UBND ngày 5/12/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm 2023.
19 Dự án vi phạm, chậm đưa đất vào sử dụng
Quảng Ninh đã giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các địa phương rà soát, lập danh sách các DA, công trình đã được giao đất, cho thuê đất để thực hiện DA mà không sử dụng đất 12 tháng liên tục hoặc tiến độ đưa đất vào sử dụng chậm 24 tháng theo quy định.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 19 DA chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng. Đề nghị Sở TN&MT đăng trên cổng thông tin điện tử đối với 19 DA chậm tiến độ theo quy định của Luật Đất đai tại TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, TP Móng Cái, TP Uông Bí, thị xã Đông Triều, huyện Vân Đồn, huyện Tiên Yên, huyện Hải Hà. Đơn cử tại TP Hạ Long có 6 DA: Khu du lịch Hòn Gạc tại phường Cao Xanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn INDEVCO; DA Nuôi trồng thủy sản tại vùng Bắc Cửa Lục của Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Hạ Long; Kiểm định phương tiện vận tải đường bộ, rửa xe, sửa chữa, bảo dưỡng xe và kinh doanh vật liệu xây dựng của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Vận tải Quang Minh 16; Trung tâm Dịch vụ và Thương mại Cầu Bang của Công ty TP Cao Thắng; Khu đô thị mới Cao Xanh - Hà Khánh C của Công ty Cổ phần Phát triển dự án Biển Đông; DA khai thác đá sản xuất vật liệu xây dựng tại xã Vũ Oai và xã Hòa Bình của Công ty Cổ phần Đầu tư Mekongindo.
TP Cẩm Phả có DA Khu dân cư lấn biển 10/10 (phần I) tại phường Cẩm Phú do Công ty Cổ phần than Cọc Sáu - Vinacomin làm chủ đầu tư; thị xã Đông Triều có DA Khu nhà ở cho người có thu nhập thấp và nhà ở công nhân của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Hà làm chủ đầu tư; huyện Vân Đồn có 2 DA: Khu du lịch Hòn Gội xã Quan Lạn của Công ty TNHH Du lịch Sen Á Đông và Khu du lịch sinh thái Đài Sơn ở xã Vạn Yên của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Đài Sơn; huyện Tiên Yên có DA Vùng nuôi tôm công nghiệp bằng công nghệ sinh học tại xã Đồng Rui do Công ty TNHH MTV Sao Đại Dương là chủ đầu tư; huyện Hải Hà có 2 DA: Nhà làm việc và kinh doanh khách sạn tại thị trấn Quảng Hà của Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cái Lân; trụ sở làm việc, nhà điều hành sản xuất, giao dịch vụ và giới thiệu sản phẩm tại thị trấn Quảng Hà của Công ty Cổ phần Công nghiệp mỏ xây dựng Đông Bắc...
Quảng Ninh khẳng định việc rà soát thu hồi các dự án là việc làm rất khó khăn, phức tạp, đan xen lợi ích. Điều cơ bản sau khi thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật vẫn giữ được tính ổn định và môi trường đầu tư của tỉnh tiếp tục được nâng cao, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp khi đến Quảng Ninh đầu tư sản xuất kinh doanh thực sự.
UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án lựa chọn nhà đầu tư có năng lực để thực hiện dự án mới, phát huy hiệu quả sử dụng đất đai.
Qua rà soát, địa phương này nhận thấy một số dự án đã chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng nhiều năm, trong khi chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để triển khai tiếp. Khi vận động các chủ đầu tư không chịu trả lại đất cho nhà nước, nhưng nếu thu hồi ngay sẽ không đảm bảo quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật và phát sinh đơn thư khiếu kiện.
Nếu gia hạn tiến độ sử dụng đất thì dự án sẽ tiếp tục kéo dài, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, gây lãng phí tài nguyên đất đai.
Điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai quy định, các dự án chậm tiến độ sẽ được gia hạn 24 tháng, nếu sau thời gian được gia hạn vẫn không hoàn thành sẽ thu hồi và không được bồi thường. Tuy nhiên thực tế, theo UBND tỉnh Quảng Ninh, rất khó thực hiện vì ở một số dự án kinh doanh hạ tầng, chủ đầu tư đã ký hợp đồng góp vốn với nhiều hộ dân. Tại một số dự án sản xuất kinh doanh, chủ đầu tư đã đầu tư xây dựng các công trình kiên cố hoặc thực hiện một phần của dự án trên diện tích được giao, nếu thu hồi không bồi thường sẽ phát sinh đơn thư khiếu kiện đông người kéo dài, mất ổn định chính trị.
Một số dự án đã đầu tư hạng mục công trình chính và đưa đất vào sử dụng, nếu thu hồi toàn bộ dự án sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội đầu tư, có thể dẫn tới phá sản hoặc mất công ăn việc làm của người lao động..
"Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét báo cáo Quốc hội, Chính phủ xem xét sửa đổi quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai để đảm bảo hành lang pháp lý chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi của nhà nước, chủ đầu tư và người dân đã góp vốn vào dự án", lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh kiến nghị.