Sạt lở đe doạ cuộc sống người dân các tỉnh miền Tây

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 12:30, 25/05/2023

Tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ liên tiếp xảy ra sạt lở khá nghiêm trọng trong những năm qua.

Cần Thơ: Sạt lở nhấn chìm hai căn nhà xuống sông

Khuyan 24/5, phía bờ trái sông Ô Môn đoạn thuộc ấp Thới Khánh, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, sạt lở đã xảy ra làm hai căn nhà của người dân bị sụp xuống sông.

can-tho.jpg
Hiện trường vụ sạt lở bờ sông Ô Môn ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, Cần Thơ làm 2 căn nhà bị sụp xuống sông ngày 24/5

Vị trí sạt lở có chiều dài 40m, ăn sâu vào bờ 6m. Tuyến đường bê tông ven sông bị sạt gây chia cắt giao thông qua khu vực, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Từ đầu tháng 4 đến nay, bờ sông Ô Môn qua địa bàn huyện Thới Lai đã xảy ra 4 vụ sạt lở ở các xã Thới Thạnh, Tân Thạnh và thị trấn Thới Lai.

An Giang liên tục xảy ra sạt lở bờ sông, rạch

Tối 24/5, ông Lương Huy Khanh, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu-Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang, cho biết từ ngày 21-24/5, tỉnh ghi nhận 3 vụ sạt lở đất bờ sông, rạch xảy ra trên địa bàn hai huyện Chợ Mới, Châu Phú, với tổng chiều dài 125m.

an-giang.jpg
Bờ rạch Ông Chưởng, xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang bị sạt lở với chiều dài 20m

Tại huyện Châu Phú, khoảng 7 giờ ngày 24/5, bờ sông Xép Ka Tam Pong tại tổ 20, ấp Khánh Hòa, xã Khánh Hòa đã xảy ra sạt lở đất với tổng chiều dài khoảng 35m, ngang 2m. Vụ sạt lở gây thiệt hại 4 nhà kho của người dân, buộc phải tháo dỡ và di dời tài sản.

Trước đó, tại huyện Chợ Mới, ngày 21/5, tuyến bờ sông Hậu đoạn qua địa bàn khu vực tổ 1, ấp An Thái, xã Hòa Bình đã xảy ra sạt lở đất cục bộ với tổng chiều dài khoảng 70 m ăn sâu vào đất liền 10 m. Vụ sạt lở ảnh hưởng đến Xí nghiệp Chế biến lương thực xuất khẩu Hòa Bình - Hòa Lộc.

Đến ngày 23/5, tuyến bờ rạch Ông Chưởng qua địa bàn ấp Long Hưng, xã Long Giang xảy ra sạt lở đất cục bộ với tổng chiều dài khoảng 20 m. Vụ sạt lở gây thiệt hại 3 căn nhà. Chính quyền địa phương hỗ trợ 3 hộ dân trong vùng sạt lở di dời tài sản đến nơi an toàn. Các vụ sạt lở tuy không gây thiệt hại về người nhưng gây thiệt hại về tài sản hàng trăm triệu đồng.

Theo ông Lương Huy Khanh, nguyên nhân ba vụ sạt lở bước đầu được xác định là do ảnh hưởng của biên độ triều cao và có những đợt mưa đầu mùa đã phá hoại kết cấu đất, kết hợp tác động của dòng chảy, các phương tiện giao thông thủy gây sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch.

Sau khi các vụ sạt lở xảy ra, Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự huyện Chợ Mới và huyện Châu Phú đã chỉ đạo lực lượng xung kích, công an, quân sự, ban ngành đoàn thể xã cùng ban ấp đến hỗ trợ tháo dỡ nhà, di dời tài sản và các hộ dân đến nơi an toàn.

Đồng thời, địa phương thực hiện giăng dây và cắm biển cảnh báo tại khu vực sạt lở để cảnh báo, hạn chế các phương tiện tham gia giao thông và người dân qua lại khu vực.

Long An: Sạt lở nghiêm trọng, đường tỉnh 826 xuất hiện nhiều vết nứt

Tình trạng sạt lở hai bên bờ sông Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc, Long An) xảy ra khá nghiêm trọng trong nhiều năm qua.

Đặc biệt, đoạn qua địa phận xã Phước Lại đang đứng trước nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở, gây nguy hiểm cho tính mạng, tài sản của người dân và cắt đứt lưu thông trên tuyến đường tỉnh 826C.

Tại đoạn bờ sông qua địa phận xã Phước Lại, điểm có nguy cơ sạt lở dài khoảng 1,2km, trong đó, có đoạn khoảng 44m đang diễn ra sụt lún.

Nhà dân trong khu vực này xảy ra nhiều vết nứt, sụn lún nền. Đặc biệt, nền đường tỉnh lộ 826C cặp bờ sông xuất hiện nhiều vết nứt.

6 căn nhà và một đoạn đường tỉnh 826C đang đứng trước nguy cơ rất cao bị sạt lở nhấn chìm xuống sông, cần phải có biện pháp xử lý khẩn cấp trong thời gian chờ cấp trên bố trí vốn xây dựng dự án kè.

Minh Anh