Nguồn lợi thủy sản trên sông Sêrêpốk suy giảm mạnh

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 09:38, 03/11/2017

(Moitruong.net.vn) – Sông Sêrêpốk có nguồn lợi thủy sản phong phú. Tuy nhiên, nguồn lợi này đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng khi các đập thủy điện liên tục hình thành trên dòng chính của sông làm thay đổi dòng chảy, môi trường sinh thái, sông Sêrêpốk có nguồn lợi thủy sản phong phú. Tuy nhiên, nguồn lợi này đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng khi các đập thủy điện liên tục hình thành trên dòng chính của sông làm thay đổi dòng chảy, môi trường sinh thái.

Nguồn lợi thủy sản trên sông Sêrêpốk suy giảm mạnh

Sông Sêrêpốk có lưu vực trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 12.030 km2, chiều dài dòng sông chính trên 290 km. Đa dạng sinh thái của dòng sông khá cao, với 195 loài cá và các loài thủy sản khác. Trong đó, nhiều loài cá có giá trị về kinh tế và ý nghĩa về khoa học. Nguồn lợi thủy sản nơi đây đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm hàng ngày, tạo công ăn việc làm và sinh kế cho hàng ngàn hộ dân.

Cạn kiệt nguồn lợi thủy sản

Theo bà Phan Thị Lệ Anh, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III thuộc Bộ Nông nghiệp – PTNT thì những năm trước đây, nguồn lợi thủy sản trên sông Sêrêpốk rất phong phú và có trữ lượng lớn. Năm 2010, từ Dự án Quản lý nghề cá lưu vực sông Mê Kông đã xác định được 195 loài cá thuộc 98 giống, trong 32 họ, 12 bộ ở khu hệ cá trên sông Sêrêpốk. Trong đó, có 34 loài cá được xác định là loài kinh tế, chiếm 17,4% tổng số loài. Đây là loài vừa có sản lượng cao, vừa có chất lượng tốt, được nhiều người ưa chuộng. Những loài cá có tiềm năng khai thác phục vụ cho nhiều mục đích của đời sống như: cá thát lát, cá còm, cá lăng, cá chiên, cá trà sóc…

Ngoài các loài cá có giá trị kinh tế, một số loài cá có ý nghĩa về mặt khoa học, mang tính đặc hữu cho vùng Tây Nguyên đang trong tình trạng đe dọa tuyệt chủng như: cá trà sóc, cá mõm trâu, cá rô cờ… Các loài cá này cần được bảo vệ, nghiên cứu sâu về các đặc điểm sinh học, sinh thái, thuần hóa và khai thác phát triển nguồn gen làm cơ sở để khôi phục đàn cá tự nhiên quý hiếm. Đây cũng là cơ sở để Đắk Nông thực hiện chương trình đa dạng hóa các giống loài trong phát triển nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Đến nay, ngành chuyên môn đã xác định được 5 loài cá quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và 6 loài bị đe dọa với mức từ EN (Endangered): Nguy cấp tới VU (Vulnerable): sẽ nguy cấp, theo danh mục Sách đỏ IUCN 2016, (International Union for Conservation of Nature and Natural Resources, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế). Bên cạnh các loài cá, nhiều loài thủy sản khác phân bố ở sông Sêrêpốk có chất lượng thịt ngon, giàu chất dinh dưỡng, cho sản lượng khá cao và được người dân trong vùng khai thác thường xuyên quanh năm như: tôm càng ao, ốc nhồi, cua đồng…

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc xây dựng các công trình thủy điện trên sông Sêrêpốk không chỉ làm ảnh hưởng đến chế độ thủy văn mà còn tạo ra những thay đổi lớn về môi trường sinh thái, làm giảm sự phong phú, sản lượng và sự đa dạng của nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt, các loài cá trên sông Sêrêpốk là loài cá có tập tính di cư trong nội dòng sông. Việc xây dựng các đập chắn ngang dòng sông đã chặn đường di cư của cá, khiến chúng không thể lên trung, thượng nguồn để sinh sản hoặc quay về hạ nguồn. Từ đó làm gián đoạn chu trình sinh lý thiết yếu của cá như đẻ trứng, nhân giống, tăng trưởng… Vì thế, đàn cá trên sông luôn vơi đi nhưng nguồn tái tạo lại bị hạn chế. Nếu điều này kéo dài, dòng sông Sêrêpốk sẽ không còn “sức sống” như vốn có của nó.

Việc xây dựng các đập chắn ngang dòng sông đã chặn đường di cư của cá, khiến chúng không thể lên trung, thượng nguồn để sinh sản hoặc quay về hạ nguồn. Từ đó làm gián đoạn chu trình sinh lý thiết yếu của cá như đẻ trứng, nhân giống, tăng trưởng…

Người dân treo lưới

Những năm trước đây, về các xã Tâm Thắng, Ea Pô (Chư Jút), Nâm N’đir, Đức Xuyên, Quảng Phú (Krông Nô), đến đâu cũng có những xóm nhà hành nghề chài lưới. Người dân nơi đây xem nghề chài lưới, đánh bắt cá như nghề thu nhập sánh ngang với trồng ngô, trồng lúa.

Trong thời gian này, ở những xóm chài nhộn nhịp trước đây, giờ đã thưa thớt những người chuyên đi câu, chài lưới. Tại đoạn sông qua xã Đức Xuyên, anh Nguyễn Văn Thuận đang bì bõm vạch cỏ giăng câu. Trong ánh mắt đượm buồn, anh Thuận cho biết: “Mấy năm trước, cá tôm ở đây nhiều lắm, mỗi ngày tôi đi thả lưới cũng được 5 – 7 kg cá cho vợ đem ra chợ bán. Có hôm may mắn bắt được giống cá “đặc sản” như: cá lăng, cá mõm trâu cũng có được vài triệu đồng. Nhưng giờ tôi đi đánh bắt cả ngày có khi được vài con không bõ bèn gì, chỉ nhớ nghề đi cho vui thôi”. Ở mạn dưới của đoạn sông, ông Phan Văn Bằng, một lão ngư cũng ở xã Đức Xuyên kéo chiếc xuồng ra sông để giăng lưới. Ông Bằng cho hay: “Nước sông giờ thay đổi lên xuống thất thường, mùa khô thì có nhiều đoạn cạn rốc, mùa mưa nước dồn về như lũ quét nên không tạo được môi trường sống cho tôm, cá phát triển. Do đó, cá tôm cũng trôi dạt đi đâu hết, nhiều người đã treo lưới bỏ nghề”.

Dòng sông Sêrêpốk trước đây cung cấp nguồn lợi thủy sản cho 3 huyện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông như: Đắk Glong, Krông Nô và Chư Jút. Theo kết quả khảo sát của bà Phan Thị Lệ Anh thì năm 2005, số người của tỉnh Đắk Nông hành nghề câu cá là gần 1.000 người. Sản lượng khai thác cá trung bình 12,9 kg/ngày/người vào mùa mưa và 7,7 kg/ngày/người vào mùa khô. Thế nhưng, từ khi các thủy điện Đ’ray H’ling 2, Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah đi vào hoạt động thì từ năm 2007 đến năm 2009, sản lượng cá trên sông có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, năm 2009, số người đánh cá ở tỉnh Đắk Nông chỉ còn khoảng 400 người, sản lượng giảm còn khoảng 300/1.000 tấn/năm so với năm 2005. Còn trong những tháng mùa mưa năm 2017, qua tìm hiểu của chúng tôi thì các hoạt động đánh bắt cá trên sông Sêrêpốk trở nên thưa thớt hẳn, nhiều người sống chuyên vào nghề sông nước ở đây, giờ đã treo lưới vì sông không còn cá.

Rõ ràng, nguồn lợi thủy sản trên dòng Sêrêpốk đang suy giảm nghiêm trọng cùng với sự hình thành các đập thủy điện lớn trên dòng sông này. Một tình trạng đáng báo động nữa là một số loài cá quý hiếm không còn bắt gặp hoặc bắt gặp rất ít và đang có nguy cơ tuyệt chủng. Cùng với đó, sản lượng khai thác của hầu hết các loài cá đều giảm và trọng lượng ngày càng nhỏ hơn.

Theo báo Đắk Nông