Sáng nay, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 12:00, 30/05/2023
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), có 77 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu ý kiến ở Tổ và 15 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến tại Hội trường.
Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của các vị ĐBQH.
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH về dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), UBTVQH đã chỉ đạo rà soát cẩn trọng, toàn diện để hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, phù hợp với các điều ước quốc tế, các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập, không làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính, gây khó khăn, cản trở khi thực hiện giao dịch điện tử.
Không gây khó khăn, cản trở khi thực hiện giao dịch điện tử
Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết, tiếp thu ý kiến của ĐBQH về đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, UBTVQH đã rà soát kỹ lưỡng các văn bản quy phạm pháp luật (26 luật và các văn bản quy định chi tiết) và điều ước quốc tế (09 văn bản) liên quan đến dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Đồng thời, đã chỉ đạo rà soát cẩn trọng, toàn diện để hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, phù hợp với các điều ước quốc tế, các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập, không làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính, gây khó khăn, cản trở khi thực hiện GDĐT.
Về phạm vi điều chỉnh, một số ý kiến đề nghị cân nhắc lộ trình thực hiện để đảm bảo tính khả thi; có ý kiến đề nghị nên hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các lĩnh vực đất đai, thừa kế, ly hôn, kết hôn, khai sinh… Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Điều 1 đã được chỉnh lý như trong dự thảo Luật theo hướng: chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dung, hình thức, điều kiện của giao dịch thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Giao dịch trong lĩnh vực nào sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động GDĐT; có ý kiến đề nghị làm rõ vai trò quản lý nhà nước về GDĐT của cơ quan thuộc Chính phủ, bổ sung trách nhiệm quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng Chính phủ của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng… Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, xin Quốc hội cho phép bỏ khoản 4 Điều 7, đồng thời đề nghị bổ sung nội dung “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng” vào khoản 2, khoản 3 Điều 7 và bổ sung khoản 4 Điều 7 quy định như sau: “4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xây dựng và phát triển hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định của pháp luật”.
Làm rõ nội hàm của chữ ký số, chữ ký điện tử
Liên quan đến chữ ký điện tử, có ý kiến đề nghị cần làm rõ nội hàm của chữ ký số, chữ ký điện tử; đề nghị làm rõ các hình thức OTP, SMS hay sinh trắc học có phải là chữ ký điện tử không; có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các biện pháp xác thực với vai trò như là chữ ký điện tử. Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh lý nội dung giải thích từ ngữ về “Chữ ký số”, “Chữ ký điện tử” tại Điều 3, đồng thời UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung khoản 4 Điều 25 quy định về các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử mà không phải là chữ ký điện tử thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành, để phù hợp với thực tiễn triển khai.
Về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các điều từ Điều 43 đến Điều 47 dự thảo Luật quy định cụ thể về các loại hình GDĐT, các hoạt động, trách nhiệm của cơ quan nhà nước và các quy định hỗ trợ nhằm thúc đẩy GDĐT. Về đề nghị bổ sung quy định về việc sử dụng tài liệu điện tử trong cơ quan nhà nước; bổ sung quy định về nguyên tắc bắt buộc các cơ quan nhà nước phải tiếp nhận xử lý GDĐT của người dân và doanh nghiệp, UBTVQH xin tiếp thu ý kiến xác đáng nêu trên và chỉnh lý khoản 1 và khoản 2 Điều 47 dự thảo Luật theo hướng các hoạt động của cơ quan nhà nước ưu tiên thực hiện khép kín toàn bộ quá trình dịch vụ từ đầu đến cuối (toàn trình) trên môi trường điện tử; bảo đảm toàn bộ kết quả giải quyết thủ tục hành chính hoặc văn bản giấy không thuộc phạm vi bí mật nhà nước đều có bản điện tử có giá trị pháp lý như bản giấy; sẵn sàng có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sử dụng, thúc đẩy GDĐT.
Về hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm giám sát, quản lý hệ thống thông tin phục vụ GDĐT của các cơ quan nhà nước có liên quan. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, để đảm bảo tính khả thi, Điều 51 được đổi tên và chỉnh lý nội dung tương ứng.
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy nhấn mạnh, ngoài các vấn đề trên đây, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, hoàn thiện văn phong pháp lý, sắp xếp, bố cục lại dự thảo Luật cho hợp lý và lô gíc hơn. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 07 Chương, 54 Điều.