Lào Cai: Bệnh lùn sọc đen gây hại mạnh trên lúa trà muộn
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 01:15, 09/10/2017
(Moitruong.net.vn) – Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai, diện tích lúa mùa nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen (chiếm chủ yếu) là 118 ha, trong đó khoảng 50 ha bị ảnh hưởng đến năng suất. Diện tích nhiễm bệnh tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2016 và ảnh hưởng chủ yếu trên lúa mùa trà muộn.
Lào Cai bệnh lùn sọc đen gây hại mạnh trên lúa trà muộn
Vụ mùa năm nay, người dân trong tỉnh Lào Cai gieo cấy hơn 21.000 ha lúa, trong đó hơn 11.000 ha lúa mùa một vụ vùng cao đã thu hoạch. Hiện, hơn 10.000 ha lúa mùa vùng thấp phát triển tốt, trà sớm và chính vụ đang trong giai đoạn đỏ đuôi – chín, trà muộn đang trỗ bông – phơi màu. Thời tiết vụ mùa năm nay được đánh giá khá thuận lợi cho sự phát triển của cây lúa, các loại sâu, bệnh hại có mức ảnh hưởng nhẹ. Trong khi lúa trà sớm và trà chính vụ đang có dấu hiệu khả quan cho một vụ mùa bội thu, thì lúa trà muộn lại chịu ảnh hưởng bởi bệnh lùn sọc đen. Hiện nay, bệnh lùn sọc đen đang gây hại mạnh với diện tích nhiễm tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước. Một số diện tích bị ảnh hưởng nặng, có nguy cơ mất trắng do không có biện pháp phòng, trừ kịp thời.
Trên cánh đồng thôn Na Hạ 1 và Na Hạ 2, xã Lùng Vai (Mường Khương), nhiều mảnh ruộng đang trong giai đoạn trỗ, nhưng không trỗ được bông hoặc trỗ bông không thoát, trên thân cây lúa xuất hiện những nốt sần, lá xoắn, úa. Đây là do địa phương kết thúc vụ xuân muộn và hầu hết cấy lúa vụ mùa trà muộn, nên nhiều diện tích bị nhiễm bệnh lùn sọc đen. Anh Lèng Tỉn Thái, thôn Na Hạ 2 cho biết: Sau trận mưa lớn vừa qua, ruộng của gia đình bị ngập úng, sau đó lúa bắt đầu nhiễm bệnh, ra ít bông. Các mảnh ruộng lân cận cũng nhiễm bệnh tương tự, trong khi ruộng của những gia đình cấy sớm lại rất tốt, bông to, chắc hạt. Có thể vụ mùa này, toàn bộ diện tích lúa của gia đình không được thu hoạch.
Tương tự, diện tích ruộng hơn 5.000 m2 của gia đình ông Lý Văn Bính, thôn Tà San, xã Lùng Vai cũng bị ảnh hưởng nặng bởi bệnh lùn sọc đen. Trên 6 mảnh ruộng, lúa bị nhiễm bệnh đều không thể trỗ bông, nên vụ mùa năm nay, gia đình ông Bính mất trắng toàn bộ diện tích. Theo ông Bính, phần ruộng này nằm xa nhà, nên ông không thường xuyên thăm đồng, đến khi phát hiện lúa nhiễm bệnh thì đã nặng, qua thời kỳ lúa trỗ, nên không thể cứu vãn.
Trên địa bàn huyện Mường Khương, tại xã Bản Xen và xã Bản Lầu, một số diện tích lúa trà muộn tại các cánh đồng trũng, thấp, ruộng lầy, chưa hoặc bị ảnh hưởng bởi ngập úng cũng bị bệnh lùn sọc đen gây hại mạnh. Ngoài Mường Khương, một số diện tích lúa trà muộn tại các huyện: Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng, Bát Xát và thành phố Lào Cai cũng bị ảnh hưởng do bệnh này.
Theo các cơ quan chuyên môn, diện tích lúa trà muộn năm nay bị ảnh hưởng nặng bởi bệnh lùn sọc đen. Đây là loại bệnh hại lúa do vi rút lùn sọc đen truyền từ các vết hại của rầy gây ra. Bệnh lùn sọc đen gây hại mạnh trên những giống lúa thuần kỹ thuật (TBR225, BC15, Bắc thơm…) tại các chân ruộng chua, trũng, lầy thụt và những diện tích bị nghẹt rễ và vàng lá sinh lý từ giai đoạn trước. Bệnh nghẹt rễ và vàng lá sinh lý gây hại do các gốc rạ từ vụ xuân chưa phân hủy hết, khiến bộ rễ của lúa mùa bị ảnh hưởng. Vậy nên, những diện tích lúa có thời gian cách vụ ngắn (giữa vụ xuân và vụ mùa) thường bị bệnh vàng lá sinh lý. Khi nhiễm bệnh vàng lá sinh lý, cây lúa giảm sức chống chịu và thường nhiễm bệnh lùn sọc đen khi tiếp tục chịu ảnh hưởng của rầy. Lúa bị bệnh có triệu chứng chung là thấp lùn, lá xanh đậm hơn bình thường; xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá; gân lá ở mặt sau bị sưng lên. Khi cây còn non, gân chính trên bẹ lá cũng bị sưng phồng. Từ giai đoạn làm đòng và khi lúa có lóng, cây bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định. Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen. Nếu bị bệnh nặng, cây lúa không trỗ bông được hoặc trỗ bông không thoát và hạt thường bị đen, ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa.
Theo ông Phạm Quốc Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai: Hiện nay, hằng tuần, cơ quan chuyên môn đều thông báo tình hình sâu bệnh hại và hướng dẫn bà con cách phòng, trừ. Với bệnh lùn sọc đen, để tránh bệnh gây hại khuyến cáo người dân cần chủ động các biện pháp trừ rầy và chăm sóc tốt cho lúa để cây lúa khỏe, tăng sức chống chịu với sâu, bệnh hại. Ngoài ra, người dân cũng cần thăm đồng thường xuyên, nếu phát hiện rầy gây hại cần phun phòng, trừ để tránh bệnh gây hại nặng, ảnh hưởng đến năng suất vụ mùa.
Theo báo Lào Cai