Cà Mau “khơi luồng” phát triển năng lượng tái tạo

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 08:11, 24/10/2017

(Moitruong.net.vn) – Sáng 24/10, tại Hội nghị phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) tổ chức ở Cà Mau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi cam kết, tỉnh Cà Mau sẽ có cơ chế, chính sách hợp lý nhằm khuyến khích, huy động các nguồn lực từ xã hội và doanh nghiệp tham gia đầu tư khai thác NLTT.

Điện gió được đánh giá là nguồn năng lượng sạch, thân thiện môi trường nhưng thiếu nhà đầu tư

Là tỉnh có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển các dạng NLTT như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối; chính quyền tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất về môi trường đầu tư, thủ tục hành chính… để nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận các dự án NLTT nhưng đến nay, mới có khoảng 20 nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận, khảo sát tìm cơ hội đầu tư điện gió, điện mặt trời tại Cà Mau và chỉ có ba nhà đầu tư được UBND tỉnh cho chủ trương triển khai thực hiện dự án.

Theo ông Phạm Trọng Thực, Tổng Cục Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), mặc dù các tỉnh, thành ven biển nước ta (trong đó có tỉnh Cà Mau) có nhiều tiềm năng phát triển NLTT nhưng thực tế cho thấy, doanh nghiệp còn “e dè” khi đầu tư vào lĩnh vực này do nhiều nguyên nhân. Chính vì vậy mà đến nay, công suất NLTT đang được khai thác chỉ khoảng 1.215 MW, chiếm khoảng 3,4% tiềm năng về NLTT của Việt Nam. “Với khả năng sản xuất hiện nay và tình hình phát triển kinh tế, xã hội thì dự báo từ năm 2017 trở đi, cả nước sẽ thiếu hụt lớn nguồn năng lượng sơ cấp nếu không khai thác tốt các nguồn NLTT”, ông Phạm Trọng Thực nhấn mạnh.

Là đơn vị đi đầu thực hiện các dự án điện gió tại vùng ĐBSCL (Dự án điện gió Bạc Liêu đã vận hành; Dự án điện gió Khai Long – Cà Mau đang triển khai), ông Tô Hoài Dân, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Công Lý khẳng định: so với các nguồn năng lượng khác, điện gió có nhiều ưu thế vì thân thiện nhất với môi trường, ít gây ảnh hưởng xấu về mặt xã hội. Ngoài ra, khi sử dụng năng lượng gió, người dân không phải chịu thiệt hại do thất thu hoa màu hoặc tái định cư, cũng như không phải chịu thêm chi phí về y tế và chăm sóc sức khỏe do ô nhiễm gây ra. Không chỉ vậy, khai thác năng lượng gió giúp tiết kiệm chi phí truyền tải, cần nhiều lao động để giám sát, vận hành nên tạo thêm được nhiều việc làm cho người dân… Tuy nhiên, để doanh nghiệp “mặn mà” đầu tư NLTT, nhà đầu tư cần cơ chế phù hợp, dài hơi, đặc biệt là ưu đãi về thuế, giá mua điện, cơ chế bán điện…

Theo ông Phạm Minh Ngọc, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Nhà máy điện Hậu Giang, với diện tích rừng sản xuất hơn 48 nghìn héc-ta, lượng gỗ khai thác hằng năm hơn 160 nghìn mét khối và lượng củi khoảng hơn 230 nghìn mét khối, nguồn nguyên liệu phục vụ cho phát triển năng lượng điện sinh khối ở Cà Mau là dồi dào. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất khiến nhiều doanh nghiệp “e dè” khi đầu tư vào NLTT của cả nước, trong đó có tỉnh Cà Mau là những hạn chế về cơ chế chính sách.

Muốn thu hút, khai thác và sử dụng NLTT một cách hiệu quả, theo ông Ngọc, Nhà nước cần có chính sách định hướng và hỗ trợ hợp lý, cụ thể, rõ ràng, toàn diện; cần cấp kinh phí cho hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm, đỡ đầu và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào quá trình chuyển giao công nghệ nhằm nâng số lượng cũng như chất lượng sản phẩm…

Với ba mặt giáp biển, tổng chiều dài bờ biển hơn 250 km và sức gió trung bình từ 6,3-7 m/s, Cà Mau có tiềm năng lớn để phát triển nguồn NLTT. Theo quy hoạch được phê duyệt, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, Cà Mau phát triển năng lượng gió lên 3.600 MW; điện mặt trời nối lưới điện quốc gia khoảng 1.500 MW; điện sinh khối (điện gỗ, điện đốt rác) khoảng hơn 60 MW.

Để thực hiện được kế hoạch, mục tiêu đề ra, ông Lâm Văn Bi cam kết, trong khả năng của tỉnh, Cà Mau sẽ có cơ chế, chính sách hợp lý (về quy hoạch, đất đai, môi trường đầu tư…) nhằm khuyến khích, huy động các nguồn lực từ xã hội và doanh nghiệp tham gia đầu tư khai thác NLTT.

Theo Bộ Công thương, NLTT là yếu tố không thể thiếu để xây dựng một tương lai bền vững cho đất nước. Nếu có cơ chế và chính sách phù hợp thì đến năm 2050, năng lượng mặt trời có thể cung cấp ít nhất 35%, năng lượng gió có thể cung cấp ít nhất 13% nhu cầu điện của cả nước.

Theo Nhân Dân

Theo Nhân Dân