Rác thải nhựa: Thực trạng đáng báo động

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 15:30, 03/06/2023

Giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa từ lâu đã luôn là vấn đề cấp bách trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhiều chính sách đã được các nước đưa ra nhằm hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần và cấm túi nhựa.
rac-thai-nhua.jpg
Hàng năm, trên thế giới, có tới 300 triệu tấn rác thải nhựa bị thải ra môi trường

Rác thải nhựa - Mối nguy với môi trường

Đã từ lâu, rác thải nhựa vẫn luôn là mối lo ngại tới sức khỏe con người lẫn môi trường. Hằng năm, trên thế giới, có tới 300 triệu tấn rác thải nhựa bị thải ra môi trường. Riêng ở Việt Nam, trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, phần lớn trong số đó là có túi nylon. Trung bình, mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng một kg túi nilon mỗi tháng. Hơn 80% trong số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.

Rác thải nhựa dùng một lần tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loài sinh vật khác. Điều nguy hiểm nhất của rác thải nhựa là tính chất khó phân hủy. Ngay cả khi được chôn lấp vào bùn đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm nghìn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước và dinh dưỡng, ngăn cản oxy qua đất, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng, cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động, thực vật,…

Các sản phẩm nhựa có mối liên hệ chặt chẽ với ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, bởi vậy việc khai thác và vận chuyển nhiên liệu hóa thạch giải phóng carbon vào khí quyển, làm trầm trọng thêm sự ấm lên trên toàn cầu.

Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden đã thực hiện những bước đầu tiên nhằm hạn chế nhựa sử dụng một lần trong hoạt động mua sắm liên bang sau áp lực từ các tổ chức bảo vệ môi trường. Trong thông báo mới nhất của Cơ quan Dịch vụ công Hoa Kỳ (GSA), họ cho biết :”Với việc nhựa sử dụng một lần đang là nguyên nhân góp phần quan trọng vào mối lo ô nhiễm nhựa trên toàn cầu, chúng tôi đang xem xét các ý kiến của công chúng để cân nhắc vấn đề hạn chế loại rác thải này.”

Nhiều công dân các quốc gia đã nhận thức vấn đề bảo vệ môi trường đồng nghĩa với việc bảo vệ cuộc sống của họ. Hành động giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, ngoài các lệnh cấm sử dụng nhựa dùng một lần bằng các công cụ chính sách của Chính phủ rất cần ý thức chung tay của cả cộng đồng và trách nhiệm của mỗi cá nhân.
Các tổ chức môi trường quốc tế cũng như nhiều quốc gia đang kêu gọi người dân hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa và túi nylon. Muốn làm được điều này, trước hết, chúng ta phải bắt đầu từ việc giảm lượng tiêu thụ các sản phẩm nhựa dùng một lần và thay vào đó, tập thói quen dùng các loại túi khác thân thiện với môi trường như: túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi nilon tự phân hủy hay túi dệt từ sợi nilon sử dụng nhiều lần…

Bên cạnh đó, việc tái sử dụng là biện pháp đang được rất nhiều cơ quan môi trường khuyến khích và khuyên người dân nên làm. Việc này sẽ hạn chế phần nào rác thải nhựa bị thải ra môi trường. Thay vì dùng một lần và vứt đi, người dân có thể sử dụng sản phẩm đó cho những mục đích khác. Việc tái chế này đơn giản và có thể thực hiện ngay tại nhà. Ví dụ, chai nhựa sau khi sử dụng xong có thể tái sử dụng để đựng nước, đựng các đồ dùng khác hoặc làm đồ trang trí như ống cầm bút, chậu hoa,…

Thực trạng rác thải nhựa ở Việt Nam hiện nay

Việt Nam là một trong 5 quốc gia hàng đầu phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn rác nhựa được thải ra đại dương mỗi năm – đây là nhận định của ông Albert T. Lieberg, trưởng đại diện Tổ chức Liên Hiệp Quốc (FAO) ở Việt Nam. Ước tính riêng Việt Nam lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm (chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa, với con số "khổng lồ" 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở Việt Nam/năm và lượng nhựa tiêu thụ này còn tăng.

rac-thai-nhua-2.jpg
Việt Nam lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm

Trung bình mỗi phút trên thế giới có khoảng 1 triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm có khoảng 5000 tỷ túi nilon được tiêu thụ. Còn tại Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là TP. Hà Nội và TP. HCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon.
Một điều đáng lưu ý là việc phân loại, thu hồi và xử lý rác thải tại Việt Nam còn rất hạn chế. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam, chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn ra ngoài môi trường. Lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm. Đây là một "gánh nặng" cho môi trường, thậm chí có thể dẫn đến thảm họa "ô nhiễm trắng" mà các chuyên gia đã gọi.

Ngày nay, thế giới đang phải đối mặt với những vấn đề rất lớn do rác thải nhựa gây ra và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Do thói quen tiêu dùng nhanh, sử dụng các vật liệu, đồ dùng bằng nhựa lớn, mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường hàng ngàn tấn rác thải nhựa. Điều này dẫn đến việc chúng ta đang phải đối mặt với những tác hại của rác thải nhựa lớn hơn bao giờ hết.

Ngay trong chính môi trường, rác thải nhựa cũng gây ra vô số những rắc rối như: Khó phân hủy, gây cản trở quá trình phát triển của cây cối, thực vật; rác thải nhựa lẫn trong thức ăn của các loài động vật dẫn đến tình trạng động vật bị chết hoặc bị thương do ăn nhầm; rác thải trôi nổi trên các bề mặt nước gây ra hiện tượng ô nhiễm nguồn nước, khiến các động vật dưới nước bị mắc phải (túi nilon, vòng nhựa, chai lọ...) và bị chết do ngạt khí...; rác thải nhựa khi chôn trong đất cũng khiến cho các vi sinh vật tốt trong đất bị chết và không thể sinh trưởng.

Mức độ ô nhiễm nhựa ở một số khu vực của Việt Nam

Báo cáo của WB cho thấy, mức độ ô nhiễm bờ sông (dựa trên khảo sát thực địa) tại 24 vị trí bờ sông được khảo sát, tổng số thu gom được 2.707 mảnh chất thải rắn, trung bình 22,5 mảnh/đơn vị. Chất thải nhựa chiếm 79,7% về số lượng và 57,2% về trọng lượng. Các đồ nhựa dùng một lần chiếm 72% tổng lượng rác thải nhựa. Tại các tiểu vùng thuộc miền Bắc, miền Trung và miền Nam, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê nào về tổng số rác thải nhựa. Tuy nhiên, số lượng rác thải nhựa trung bình ở các vị trí bờ sông thuộc khu vực đô thị (21,4 mảnh/đơn vị), cao hơn gần gấp 2 lần so với số lượng trung bình ở các vị trí bờ sông thuộc khu vực nông thôn (12,1 mảnh/đơn vị). Cụ thể, số lượng các mảnh nhựa ven sông tại Cần Thơ (34,5 mảnh/đơn vị), TP Hồ Chí Minh (33,4 mảnh/đơn vị) và Lào Cai (30,1 mảnh/đơn vị) cao hơn so với các địa điểm khác; trong khi số lượng các mảnh nhựa trên các bãi sông ở tỉnh Sóc Trăng là thấp nhất (4,3 mảnh/đơn vị).

Mức độ ô nhiễm bờ biển (dựa trên khảo sát thực địa) cho thấy rác thải nhựa chiếm 95,4% tổng lượng chất thải rắn, trung bình 81 mảnh trên mỗi mét bờ biển. Các phân tích cho thấy, mật độ ô nhiễm chung ở Thừa Thiên - Huế (141,1 mảnh trên mỗi mét bờ biển), TP Hồ Chí Minh (135,6 mảnh trên mỗi mét bờ biển) và Quảng Nam (133,7 mảnh trên mỗi mét bờ biển), cao hơn đáng kể so với ở các địa điểm khác. Mật độ đồ nhựa thấp hơn đáng kể ở Hải Phòng (36,23 mảnh trên mỗi mét bờ biển) và Đà Nẵng (27,9 mảnh trên mỗi mét bờ biển). Các đồ nhựa dùng một lần chiếm 52% tổng lượng chất thải nhựa tìm thấy tại các vị trí khảo sát ven biển. Kết quả đo lường Chỉ số bờ biển sạch (CCI) cho thấy, 10 vị trí (chiếm 71,4% tổng số) là cực kỳ bẩn (chỉ số CCI trên 20), 2 vị trí ở mức bẩn (chỉ số CCI 10-20), và 2 vị trí khác ở mức trung bình (chỉ số CCI 5-10). Chỉ số CCI cao nhất được ghi nhận tại bãi biển Bình Lập (379) và Mỹ Ca (192) ở Khánh Hoà, bãi biển Lai Hòa ở Sóc Trăng (176), Bãi Trường trên Đảo Phú Quốc (163) và bãi biển Bến phà Gót ở Hải Phòng (73).

Mức độ ô nhiễm trên sông và dọc sông (dựa trên khảo sát viễn thám và lưới kéo) được khảo sát bằng máy bay không người lái ở tầm cao cho phép xác định các điểm nóng ô nhiễm tại các vị trí khảo sát. Tiếp đó, hình ảnh với độ phân giải cao chụp ở tầm thấp giúp phân tích các điểm nóng rất hiệu quả. Cách tiếp cận này đã thành công trong việc phân tích trên diện rộng về số lượng rác thải trên sông, cùng với các đánh giá về diện tích và khối lượng chất thải. Tình trạng rác thải là đáng báo động ở tất cả các vị trí được điều tra; ở những vị trí không có nhiều rác tích tụ, nhựa thường bị mắc kẹt trong thảm thực vật trên bờ hoặc trôi nổi trên sông.

Các cuộc khảo sát quan trắc sông với camera gắn trên cầu để chụp ảnh trong những khoảng thời gian xác định cho kết quả về rác nhựa trôi nổi. Ví dụ, khảo sát tại cầu Suối Cát (Cầu Lao Chải) ở Sa Pa đã xác định được số lượng lớn (360) các vật thể trôi nổi vào ngày khảo sát và có sự vận chuyển đáng kể với ước tính có hơn 10 loại rác thải nhựa di chuyển trong vòng nửa giờ trong một khoảng thời gian dài của ngày khảo sát.

Nỗi lo ngại rác thải nhựa cho tương lai

Theo ghi nhận tại các chợ, khu mua sắm ở Hà Tĩnh, các mặt hàng vẫn được đựng trong các sản phẩm nhựa sử dụng một lần như túi ni lông, ly nhựa, hộp nhựa... Đây là những sản phẩm được sử dụng nhiều vì giá thành rẻ và dễ mua.

Nếu mua với số lượng lớn, các loại đồ này chỉ có giá từ 200 - 500 đồng/cái. Cùng với đó, việc sử dụng các sản phẩm này đã trở thành thói quen tiêu dùng của nhiều người dân trong nhiều năm trở lại đây.

Không chỉ người mua mà người bán cũng dùng túi nilon, ly nhựa đựng đồ ăn uống cho khách. "Hiện giá nguyên liệu đầu vào ngày một tăng, muốn sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường nhưng rẻ là rất khó. Tôi cũng chỉ bán đồ ăn bình dân nên vật liệu đóng gói phải chọn loại rẻ để còn có lời", một tiểu thương tại chợ Hà Tĩnh cho hay.

Hằng ngày đi chợ, chị Hà Thị Thanh ở TP Hà Tĩnh cũng như nhiều phụ nữ khác dùng rất nhiều túi nilon đựng thực phẩm, rau quả... Bất cứ thứ gì cũng cho vào túi bóng treo lủng liểng ở móc xe mang về nhà vì nó tiện. Đã từng được nghe đến tác hại của túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút, cốc nhựa, hộp xốp, nước đóng chai nhựa… khi thải ra môi trường là khó phân hủy, chứ chị Thanh chưa biết những đồ dùng này chủ yếu được tái chế từ sản phẩm nhựa đã qua sử dụng.

rac-thai-nhua-1.jpg
Chất thải nhựa chiếm 79,7% về số lượng rác thải ra môi trường

Khi đựng thực phẩm, hóa chất có trong đó sẽ thôi nhiễm vào thức ăn, tích tụ vào cơ thể lâu ngày có thể gây ung thư và nhiều hệ luỵ khác cho sức khỏe. Chỉ đến khi được nghe đài báo tuyên truyền chị mới vỡ lẽ. Chị cho biết: "Đúng là tiện nhưng không hề lợi. Dùng đồ nhựa, túi nilon vô tội vạ như vậy quả là tác hại".

Hiện nay, với những các sản phẩm như cốc, dĩa, thìa, hộp xốp, túi ni lông... không khó để bắt gặp ở quán nước, quán cơm bình dân hoặc có thể tự mua trong các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, chợ với giá rất rẻ. Hàng chục nghìn hộp nhựa sử dụng một lần đựng đồ ăn, thức uống được tiêu thụ mỗi ngày đồng nghĩa với lượng nhựa khó phân hủy bị vứt ra ngoài môi trường.

Chúng ta nên biết, chỉ một chiếc túi nilon nhỏ nhưng phải mất ít nhất 100 năm mới có thể phân hủy, một chiếc chai nhựa dù nhỏ cũng cần ít nhất gần 200 năm mới phân hủy được.

Các chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy được tái chế với tỷ lệ rất thấp, phần lớn là chôn, lấp, đốt hoặc hiên ngang nằm chờ trên những bãi rác. Một phần được thả trôi ra biển, ra đại dương, giết chết hàng nghìn loài cá và sinh vật biển. Những cái chết thương tâm của những loài sinh vật biển khi nuốt phải chai, lọ, vật dụng bằng nhựa. Hay những chiếc túi nilon giống như chiếc lưới tử thần không lối thoát, đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều loài sinh vật hiện nay.
Những chất thải nhựa, túi nilon còn lại "nằm chờ" ở những bãi rác, gây ô nhiễm môi trường. Các hoạt động chôn lấp, đốt không thể giúp phân hủy chúng mà còn gây ra các khí thải độc ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Việc chôn lấp, gây ô nhiễm nguồn nước, làm chết các loài vi sinh vật có lợi dưới lòng đất, các hoạt động nuôi trồng trên vùng đất đầy rác thải cũng cho hiệu quả kinh tế kém, và chính điều này đã phần nào hủy diệt môi trường sống và môi trường tự nhiên của chúng ta.
Đánh giá về mối nguy hại của rác thải nhựa hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng cho biết, hiện các sản phẩm túi nilon và các bao bì bằng nhựa đã trở thành vật dụng rất phổ biến trong cuộc sống thường ngày, gắn với thói quen sử dụng trong cuộc sống của đa số người dân. Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, túi nilon và chai nhựa được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi, từ cửa hàng nhỏ lẻ đến các siêu thị và những trung tâm thương mại lớn. Do vậy, một lượng rất lớn túi nilon và bao bì bằng nhựa được sử dụng và sau đó thải ra môi trường hàng ngày, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái nếu không được quản lý phù hợp.

Để quản lý tốt hơn vấn đề chất thải nhựa và túi nilon, từ năm 2018, Bộ TN&MT đã phát động phong trào Chống rác thải nhựa và được cộng đồng hưởng ứng, quan tâm, đồng thuận cao. Đặc biệt, các, Bộ, ngành và địa phương, toàn xã hội đã cùng chung tay tham gia phong trào, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, của xã hội về tiêu dùng và quản lý chất thải nhựa phát sinh cũng như thúc đẩy các biện pháp thiết thực nhằm giảm thiểu phát sinh về thu gom, xử lý chất thải nhựa một cách hiệu quả.

Mai Linh