Các địa phương chủ động ứng phó với hạn hán
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 18:30, 04/06/2023
Sản xuất nông nghiệp trước nguy cơ hạn hán
Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, dự báo sang tháng 6, nắng nóng sẽ xuất hiện gay gắt và kéo dài nhiều ngày hơn so với năm 2022. Cao điểm của nắng nóng sẽ là trong tháng 6,7 ở Bắc Bộ và từ nửa cuối tháng 6 - đến tháng 8 ở Trung Bộ.
Từ đầu năm đến nay, tổng lượng mưa trên toàn quốc phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Hiện, mực nước tại nhiều hồ chứa lớn ở mức rất thấp. Riêng ở khu vực miền Bắc, dung tích bình quân các hồ thủy lợi chỉ đạt 48%, tương ứng 548/1.142 triệu m3; suy giảm tới 25% so với cùng kỳ năm 2022. Nắng nóng, hạn hán sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với đời sống sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, thủy điện…
Trước diễn biến bất thường của thời tiết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Cục Trồng trọt đã có công văn gửi các địa phương để ứng phó với hạn hán. Cụ thể đối với cây ăn quả, đây là nhóm phục vụ cho xuất khẩu và nội địa quan trọng, chịu ảnh hưởng rất lớn của hạn hán, nắng nóng, do vậy, đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cần tạo và trữ nguồn nước ngay từ bây giờ. Đặc biệt, trong giai đoạn hạn hán cũng như những vùng không có tưới, đề nghị các địa phương xem xét không để bà còn trồng mới hoặc ghép cải tạo, như vậy sẽ rất rủi ro.
Đối với cây công nghiệp, đặc biệt là cà phê, chè, phải tăng cường trồng cây che bóng, phải tạo ra 3 tầng: Tầng dưới thảm cỏ phủ, tầng giữa cà phê và tầng trên che bóng. Đối với chè, lưu ý với các địa phương đã cơ giới hóa, hái bằng máy thì hết sức chú ý đến mùa nắng nóng, phải giãn thời gian thu hoạch.
Trước tình trạng hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn có nguy cơ xảy ra cục bộ trong thời gian mùa khô năm 2023 tại một số tỉnh ở khu vực Trung Bộ và nguy cơ xảy ra ở cấp độ cao (cấp độ 3-4), trên phạm vi rộng, kéo dài ở một số vùng trên cả nước, đặc biệt tại các khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Trung Bộ và Đông Nam Bộ từ mùa khô năm 2024 đến năm 2025, Bộ NN&PTNT cho rằng, đây là thời điểm các địa phương cần chủ động, sẵn sàng triển khai các biện pháp để ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước, đảm bảo nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt và tránh thiệt hại thấp nhất tới sản xuất, cây trồng, vật nuôi
Ông Đỗ Văn Thành - Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi cho hay, hiện tượng El Nino thường xảy ra trong 2 năm, có thể kéo dài 3 năm. Do đó phải dự tính chu kỳ, kế hoạch chỉ đạo, ứng phó dài hơi. Năm nay đã bước vào mùa mưa nên nếu có hạn thì ở mức độ nhỏ, còn năm 2024 sẽ là năm hạn khốc liệt. Trong giai đoạn ngắn hạn, vụ mùa tới cần cân đối tính toán lại về khả năng nước đến từng tiểu vùng, xem những vùng nào nguy cơ bị hạn hán để có kế hoạch cụ thể. “Về lâu dài, chúng ta cần có các bản tin dự báo tuần để chỉ đạo hàng tuần, đặc biệt khu vực miền Trung, Tây Nguyên” – ông Thành nhận định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cũng cho rằng, cần phải đánh giá khu vực nào chịu ảnh hưởng nặng nhất, để lên kế hoạch cấp nước sản xuất. Phải xác định các vùng trọng điểm bị hạn, từ đó có dự báo nguồn nước từ nay đến 2025, thậm chí 2026 để chủ động các giải pháp ngay từ bây giờ.
Còn theo GS.TS Trần Đình Hòa - Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, nhà quản lý cần xây dựng khung, kịch bản theo nhiều mức độ để hàng năm bám sát chỉ đạo, điều hành ứng phó. Với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần lắp thêm các điểm quan trắc, đánh giá để có cảnh báo sớm về tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn.
Các địa phương chủ động các phương án ứng phó
Tại tỉnh Quảng Bình, thời điểm này, nhiều xã của huyện Tuyên Hóa đang đối diện nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, nước tưới tiêu khi thời tiết nắng nóng kéo dài dẫn đến hạn hán, vụ hè – thu cũng đang đối diện với hạn nặng.
Tại huyện Tuyên Hóa hiện có 4 xã chưa có công trình nước sạch tập trung gồm Sơn Hóa, Lê Hóa, Ngư Hóa và Thanh Thạch. Một số xã dù có nước để dùng nhưng phục vụ tưới tiêu lại rất khan hiếm, không thể chuyển đổi cây trồng, đối diện nguy cơ bỏ hoang ruộng đồng.
Tại xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa, hiện xác định khoảng 40ha diện tích đất nông nghiệp sẽ phải bỏ hoang trong vụ hè - thu khi không tìm được loại cây thích hợp để chuyển đổi. Tại các xã Mai Hóa, Phong Hóa…, người dân gieo vụ hè - thu vẫn phụ thuộc nhiều vào lượng mưa. Nhiều hộ dân ở đây cho biết, nước ở sông Gianh khu vực này đang bị nhiễm mặn, không thể bơm lên để tưới tiêu, nên rất “khát” nguồn nước ngọt tưới cho lúa và các loại cây trồng khác. Một số nơi trồng cam, quýt, ổi phải chấp nhận việc không có nước để tưới tiêu.
Theo lãnh đạo UBND huyện Tuyên Hóa, địa phương cũng đang nỗ lực tìm nhiều giải pháp để hỗ trợ bà con chống chọi với hạn hán và xâm nhập mặn.
Còn tại Quảng Nam, đang vào thời điểm vụ hè thu xuống giống với khoảng 41.000ha lúa. Thế nhưng hiện nay trên địa bàn tỉnh xảy ra nắng nóng khiến mực nước các hồ thủy lợi và thủy điện thượng nguồn xuống thấp.
Sáng 2/6, thời tiết trên địa bàn Quảng Nam nắng nóng, trên sông Đầm, chảy qua xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, chính quyền thành phố đã đầu tư xây dựng đập có chiều dài hơn 40m, rộng 3m để ngăn mặn xâm nhập vào bên trong đảm bảo nước tưới cho diện tích lúa vụ hè thu.
Còn trên sông Vĩnh Điện, một nhánh sông Thu Bồn thuộc thị xã Điện Bàn, ngành chức năng cũng chi gần 3 tỷ đồng đắp đập dài hơn 100m giữ nước ngọt để cung nước tưới cho hơn 2.000ha lúa cho thị xã Điện Bàn và Nhà máy nước Hội An.
Đang dùng máy bơm hút nước vào ruộng lúa, ông Nguyễn Tấn Đức (xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ) cho biết: “Nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước ngọt trên sông Đầm bị xâm nhập mặn gây khó trong việc lấy nước tưới cho 5 sào lúa tôi mới gieo sạ. Nhưng rất may, chính quyền thành phố đã xây dựng một con đập để giữ nước ngọt nên tôi tranh thủ bơm nước vào ruộng”.
Theo chia sẻ của lãnh đạo TP Tam Kỳ, năm nay tình trạng nắng nóng kéo dài, khiến mặn xâm nhập sớm hơn so với mọi năm trước. Vì vậy, chính quyền thành phố đã cho đắp đập trên sông Đầm với kinh phí hơn 400 triệu đồng, với chiều dài hơn 40m, rộng 3m ngăn trên sông Đầm để đảm bảo nước tưới cho hơn 300ha lúa hè thu ở xã Tam Phú, Tam Thăng và phường An Phú. Việc xây đập ngăn mặn này còn bảo vệ hệ sinh thái của sông Đầm”.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết, để phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã đưa vào vận hành, khai thác sử dụng 73 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích xấp xỉ 525 triệu m3 nước, trong đó 17 hồ hồ chứa lớn do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam (Công ty Thủy lợi Quảng Nam) quản lý. Số còn lại thuộc quản lý của các địa phương.
Theo ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: “Vụ hè thu năm nay cả tỉnh xuống giống khoảng 41.000 ha lúa. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các hồ chứa thủy lợi, thủy điện tuân thủ các quy trình vận hành để chống hạn, các địa phương chú trọng việc nạo vét kênh, mương và thực hiện bơm lách triều để bảo đảm nguồn nước tưới. Đồng thời để nguồn nước ngọt từ thủy điện được sử dụng hiệu quả UBND tỉnh còn chỉ đạo xây dựng các đập tạm trên các sông để giữ nước ngọt”.