Liên Hợp Quốc kêu gọi chung tay hành động vì một tương lai không ô nhiễm nhựa
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 12:30, 06/06/2023
Trong sự kiện kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ), Tổng Thư ký Guterres nêu bật thực trạng mỗi năm có tới hơn 400 triệu tấn nhựa được sản xuất trên toàn thế giới và hơn 30% lượng nhựa trong số này chỉ được sử dụng một lần. Mỗi ngày có hơn 2.000 xe rác chở đầy nhựa đổ ra biển, sông và hồ.
Theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, những hậu quả của ô nhiễm rác thải nhựa đối với đời sống con người "thực sự thảm khốc". Ông nêu rõ: "Vi nhựa có trong thực phẩm chúng ta ăn, nước chúng ta uống và không khí chúng ta hít thở... Nhựa được làm từ nhiên liệu hóa thạch. Chúng ta càng sản xuất nhiều nhựa, chúng ta càng đốt nhiều nhiên liệu hóa thạch và chúng ta càng làm khủng hoảng khí hậu tồi tệ hơn". Tuy nhiên, người đứng đầu Liên Hợp Quốc cũng nhấn mạnh mọi vấn đề đều có giải pháp.
Trong thông điệp nhân Ngày Môi trường Thế giới năm nay, với chủ đề "Đánh bại ô nhiễm nhựa," Tổng Thư ký Guterres khẳng định việc thế giới bắt đầu đàm phán một thỏa thuận đa phương có tính ràng buộc về mặt pháp lý để chấm dứt ô nhiễm nhựa là một bước đầu tiên đầy triển vọng, song cũng cần tất cả các nước chung tay hành động.
Theo Tổng Thư ký Guterres: “Tất cả chúng ta, gồm các chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng, phải hành động để chấm dứt cơn nghiện sử dụng nhựa, ủng hộ lối sống không rác thải và xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn thực sự. Cùng nhau, chúng ta hãy định hình một tương lai sạch hơn, lành mạnh hơn và bền vững hơn cho tất cả mọi người.”
Một báo cáo mới của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cũng cho thấy thế giới có thể giảm 80% tình trạng ô nhiễm nhựa vào năm 2040 nếu hành động ngay bây giờ, khi tái sử dụng, tái chế, định hướng lại và đa dạng hóa để loại bỏ nhựa.