Quảng Ninh: Nhiều mô hình đẩy lùi rác thải nhựa ở huyện đảo Cô Tô
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 15:30, 06/06/2023
Áp lực môi trường từ rác thải đại dương và du lịch
Là một trong những điểm du lịch hàng đầu được nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn song huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) lại đứng trước một thách thức lớn đó là nguy cơ ô nhiễm môi trường biển đảo do lượng rác thải từ sinh hoạt và hoạt động du lịch mỗi ngày thải ra không phải là ít.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, những ngày cao điểm mùa du lịch, mỗi ngày huyện đảo Cô Tô thu gom 15 - 20 tấn rác, trong đó có hơn 1 tấn rác thải nhựa, nhưng công tác thu gom, xử lý chỉ đạt khoảng 20 đến 30%, còn lại phải đốt và chôn lấp.
Trước thách thức về môi trường biển đảo cần được bảo vệ, huyện Cô Tô đã triển khai nhiều giải pháp làm sạch các bãi biển và môi trường sinh thái trong đó có đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa”. Theo đó, từ ngày 1/9/2022, với mục tiêu hạn chế rác thải nhựa, huyện Cô Tô đã áp dụng quy định “Du khách không mang chai nhựa, túi nylon, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi tới đảo” kết hợp với nhiều giải pháp làm sạch các bãi biển và môi trường sinh thái. Qua đó, từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn, góp phần phát triển du lịch bền vững.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) cho biết: “Ngoài lượng rác thải sinh hoạt và phát sinh từ du lịch, gánh nặng của huyện còn là số lượng lớn rác thải đại dương trôi dạt vào bờ, do đó chúng tôi đã huy động mọi nguồn lực tham gia vào hoạt động thu gom rác, là sạch môi trường tại các bãi biển và ngay chính trong mỗi gia đình, đơn vị kinh doanh dịch vụ”.
Cũng theo bà Thủy, để đẩy mạnh thực hiện đề án “Huyện Cô Tô nói không với rác thải nhựa”, bên cạnh công tác tuyên truyền vận động, huyện đã tổ chức ký cam kết với các doanh nghiệp, tiểu thương, các hộ kinh doanh dịch vụ. Cung cấp các sản phẩm thân thiện với môi trường và tổ chức các hoạt động nhằm khuyến khích người dân tiếp cận và sử dụng với các sản phẩm thân thiện với môi trường. Qua đó, đã có hơn 1.000 lượt người đến tham quan, mua sắm các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Huyện Cô Tô đã cấp phát miễn phí 1.200 chai thủy tinh, 1.200 túi vải, 1.600 túi giấy, 17.000 ống hút bằng tre để thay thế đồ dùng bằng nhựa.
“Qua công tác tuyên truyền vận động và ký cam kết, ý thức của người dân đã được nâng lên rõ rệt; công tác phân loại rác đầu nguồn được thực hiện tại từng hộ gia đình, hộ kinh doanh và đặc biệt là công tác cấp đổi miễn phí dụng cụ thân thiện với môi trường từ đầu các bến cảng đã góp phần không nhỏ vào thực hiện đề án, giảm thiểu sự xuất hiện của rác thải nhựa tại đảo”, bà Thủy nhấn mạnh.
Nhiều mô hình đẩy lùi rác thải nhựa
Bên cạnh việc nâng cao nhận thức của người dân, du khách nhằm giảm thiểu rác thải nhựa xâm hại môi trường thông qua đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa”, chính quyền, đoàn thể huyện đảo Cô Tô còn có nhiều hoạt động hiệu quả như: mô hình “Biến rác thành tiền”, mô hình “Hố ủ rác hữu cơ” của Hội Phụ nữ đã và đang phát huy rất tốt vào công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn và cũng đóng góp một phần nhỏ vào công tác an sinh xã hội từ chính nguồn tiền thu được từ rác.
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, các cấp Hội Phụ nữ huyện Cô Tô đã thu gom số lượng lớn rác thải nhựa, rác thải tái chế, với số tiền thu được là gần 27 triệu đồng. Từ nguồn thu này, các cấp hội đã triển khai nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, các em học sinh học giỏi và động viên kịp thời thanh niên lên đường nhập ngũ.
Theo chị Bùi Thị Hoài, hội viên Hội Phụ nữ xã Đồng Tiến (huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh), ngoài mô hình “Biến rác thành tiền”, mô hình “Hố ủ rác hữu cơ” cũng đang góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế hộ gia đình.
“Nếu như trước đây, mỗi sào rau xanh của gia đình tôi phải mất số tiền không nhỏ để mua phân bón, nhưng từ khi được hướng dẫn kỹ thuật ủ rác hữu cơ làm nước tưới, phân bón thì gia đình tôi đã giảm được ít nhất là 50% chi phí sản xuất”, chị Hoài cho biết thêm.
Hiện tại, một số nhà nghỉ, khách sạn trên đảo đã sáng tạo một tour du lịch mới có tên “Tour nhặt rác”, được nhiều du khách và người dân hưởng ứng.
Anh Nguyễn Văn Đức, du khách đến từ Hà Nội cho biết, đến du lịch tại Cô Tô, ngoài sự tận hưởng về vẻ đẹp biển đảo quê hương, anh còn thấy rất bất ngờ với chương trình không rác thải nhựa tại đây.
Nhận xét về “Tour nhặt rác”, anh Đức chia sẻ: “Vừa thu gom rác ở các đảo và bờ biển, vừa được trải nghiệm, khám phá các địa điểm du lịch tuyệt đẹp trên đảo, tôi thấy “tour nhặt rác” thật thú vị và rất vui vì mình được góp phần nhỏ bé của mình vào công tác làm sạch môi trường nơi đây, giữ vững màu xanh cho biển...”.
Anh Vũ Đình Khuê (du khách đến từ Hải Dương), cho biết: Tôi rất ủng hộ quy định này khi đến du lịch Cô Tô. Gia đình tôi đã được tuyên truyền, hướng dẫn của nhân viên tại quầy bán vé tàu là không mang theo túi nilong, chai nhựa khi ra đảo.
Theo tìm hiểu, những ngày cao điểm mùa du lịch, huyện Cô Tô phải thu gom 15 đến 20 tấn rác thải. Trong đó, riêng lượng rác thải nhựa chiếm khoảng trên 1 tấn/ngày, nhưng công tác thu gom, xử lý chỉ đạt khoảng 20 đến 30%, còn lại phải đốt và chôn lấp.
Cô Tô sở hữu nguồn tài nguyên quý giá từ hệ sinh thái biển, đảo, núi rừng nguyên sinh. Việc ngăn chặn những tác động tiêu cực của rác thải nhựa đến môi trường biển đảo chính là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, thiết thực để phát triển du lịch một cách bền vững, gắn phát triển với bảo tồn, phục hồi nguồn tài nguyên, qua đó tạo sự bứt phá cho kinh tế du lịch, bảo đảm sinh kế người dân, đồng thời giữ được cảnh quan, môi trường tự nhiên.