EVN “đi từng ngõ gõ từng nhà” để vận động tiết kiệm điện
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 20:00, 06/06/2023
Dữ liệu cập nhật liên tục mực nước tại các hồ chứa thủy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 6/6 cho biết, 6/7 hồ thủy điện ở miền Bắc gần như tạm ngưng phát điện (đóng các tổ máy) trong ngày 6/6, chỉ còn duy nhất Nhà máy Thủy điện Hòa Bình còn hoạt động (xả nước phát điện).
Do nhiều nhà máy thủy điện phải tạm ngưng chạy các tổ máy nên trong tổng sản lượng điện sử dụng lên tới gần 800 triệu kWh mỗi ngày, thủy điện chỉ đáp ứng được hơn 14%, còn lại là nhiệt điện than và khí chiếm gần 73%... .
Ngày 6/6, nhiều khu vực ở Hà Nội và miền Bắc tiếp tục bị mất điện trên diện rộng. Nhiều nơi đã thông báo trước lịch cúp điện từ 8 giờ đến 16 giờ hoặc 21 giờ để người dân và doanh nghiệp chủ động sắp xếp công việc. Một số nơi, người dân đã quen với tình trạng cúp điện tái diễn 2-3 lần trong hơn tuần qua.
Mặc dù đợt nắng nóng đã tạm lắng dịu, nhiều nơi ở 3 miền Bắc - Trung - Nam đã có mưa, mưa vừa, nhưng nhiều hồ chứa thủy điện ở Tây Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ vẫn đang thiếu nguồn nước về, dẫn đến thiếu điện, phải cắt điện luân phiên ở khu vực ngoại thành Hà Nội và nhiều địa phương ở miền Bắc.
Dữ liệu cập nhật liên tục mực nước tại các hồ chứa thủy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 6/6 cho biết, 6/7 hồ thủy điện ở miền Bắc gần như tạm ngưng phát điện (đóng các tổ máy) trong ngày 6/6.
Trong đó có cả những thủy điện lớn như Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Thác Bà và chỉ còn Nhà máy Thủy điện Hòa Bình còn hoạt động (xả nước phát điện). Trước đó, vào ngày 5/6, các thủy điện Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang cũng không phát điện.
Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, các năm gần đây, có những thời điểm, cơ quan điều độ đã đề nghị tạm ngưng các tổ máy thủy điện để ưu tiên huy động nguồn của năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời).
Tuy nhiên năm nay, tình trạng thiếu điện xảy ra là do các hồ chứa thủy điện đã bị suy giảm dung tích nghiêm trọng, dòng chảy thượng nguồn thiếu hụt tới 50% so với trung bình, thậm chí nhiều nơi lượng nước về hồ rất ít. Do đó, một số hồ chứa phải tạm ngưng phát điện để tranh thủ tích, dự phòng cho những thời điểm căng thẳng hơn.
Tại thời điểm 11 giờ ngày 6/6, lượng nước về hồ thủy điện Huội Quảng chỉ có 28,1m3/giây, còn hồ thủy điện Bản Chát là 11,7m3/giây, hồ thủy điện Thác Bà là 60m3/giây, hồ thủy điện Tuyên Quang là 110m3/giây…
Do các hồ Sơn La và Lai Châu không xả (để tranh thủ tích) nên lượng nước về hồ thủy điện Hòa Bình chỉ đạt 380m3/giây, trong khi nhà máy này phải xả xuống hạ lưu 886m3/giây (thông qua các tổ máy để làm nhiệm vụ phát điện). Tức là lượng nước xả gấp 2,3 lần lượng nước về.
Còn hồ thủy điện Thác Bà, ngày 6/6, vẫn nằm dưới mực nước chết, lượng nước về chỉ đạt 60m3/giây. Trong ngày 5/6, Nhà máy Thủy điện Thác Bà vẫn phát điện qua các tổ máy với lưu lượng 112m3/giây nhưng sang ngày 6/6 đã tạm đóng lại.
Một số thủy điện ở miền Trung cũng trong tình trạng tạm ngưng tương tự. Chỉ có hầu hết các thủy điện ở khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ còn hoạt động.
Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia báo cáo, công suất lớn nhất trong ngày 5/6 (lúc 13 giờ 30) là 37.950,3MW và sản lượng tiêu thụ trong ngày: 789,8 triệu kWh. Trong đó, cơ cấu sản lượng huy động nguồn điện trong ngày thì thủy điện đạt 113,3 triệu kWh; nhiệt điện than 482 triệu kWh; điện mặt trời 71,1 triệu KWh; điện gió 17,2 triệu kWh còn lại là từ các nguồn khác như nhiệt điện dầu, gas, dầu DO,… và nhập khẩu.
Trong bối cảnh nguồn cung điện rất khó khăn, EVN vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị thành viên có trụ sở tại miền Bắc triển khai ngay các biện pháp tiết kiệm điện cấp bách từ nay đến tháng 8-2023. Đồng thời, cán bộ, công nhân viên thuộc EVN phải “đi từng ngõ gõ từng nhà” để vận động người dân tiết kiệm điện.