Gia Lai: Báo động tình trạng khai thác cây đại thụ

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 01:00, 08/11/2017

(Moitruong.net.vn) – Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang xảy ra tình trạng báo động khai thác cây cổ thụ. Theo đó, lùng sục khắp các buôn làng, một số đối tượng tìm mua các loại cây đại thụ, sau đó tổ chức khai thác, vận chuyển ra Bắc bán. Tình trạng di thực cây tự nhiên còn sót lại trên đất nương rẫy, thậm chí là cây rừng về làm cảnh đang âm thầm diễn ra ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh.

Gia Lai: Báo động tình trạng khai thác cây đại thụ

Tập kết chờ… Bắc tiến

Mới đây, ngày 17/10, Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro đã xử phạt vi phạm hành chính 1,5 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển gốc cây da đại thụ không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc bị lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện Kông Chro phát hiện, bắt giữ trước đó.

Gốc cây xanh này sau đó được xác định là của ông Đinh Blyưch, làng Brưl (xã Chơ Long) đào trong vườn nhà để bán. Thế nhưng, tài xế xe không cung cấp được giấy tờ hợp pháp (xác nhận của chính quyền địa phương) nên đã bị lực lượng cảnh sát giao thông bắt giữ khi đang trên đường vận chuyển tiêu thụ.

Trước đó, theo nguồn tin của Báo Gia Lai, có một nhóm người đến địa bàn các xã thuộc huyện Kông Chro để tìm mua các cây đại thụ như: Da, sộp, bồ đề… Sau khi săn được cây, họ dùng xe ủi, xe múc và cả xe chuyên dụng đào bứng gốc chở ra các điểm tập kết rồi dùng xe container vận chuyển ra Bắc, cụ thể là tỉnh Thanh Hóa.

Việc mua bán, vận chuyển các loại cây đại thụ này đã được thực hiện trót lọt trước đó vài chuyến, thậm chí có cả cây rừng. Nghiêm trọng hơn, người cung cấp thông tin trên cũng cho biết: Đợt vận chuyển lần này, có 1 cây bồ đề cổ thụ đã khai thác ở làng Nghe lớn (thị trấn Kông Chro); 1 cây khác ở xã Kông Yang; 2 cây chuẩn bị khai thác ở Dốc ba cô (xã Chơ Long)…

Từ thông tin này, P.V Báo Gia Lai tìm đến làng Nghe lớn (thị trấn Kong Chro) để kiểm chứng. Tại một bãi đất trống cách Hạt kiểm lâm huyện chưa đầy 100 m, một gốc cây bồ đề đại thụ to khoảng 3 người ôm, thân cây đã bị cắt ngọn chỉ còn lại khoảng 5m đang nằm “hiên ngang” và công khai.

Làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro, đơn vị này cho biết đã kiểm tra và khẳng định cây bồ đề này nằm trên đất nương rẫy của người dân. “Chiếu theo quy định thì việc kiểm tra nguồn gốc của cây thuộc thẩm quyền xác nhận của UBND thị trấn Kông Chro”-ông Trần Hùng Anh-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro khẳng định.

Tương tự, một nguồn tin khác phản ánh tại địa bàn huyện Chư Pah cũng có tình trạng đào bới, khai thác cây rừng (chủ yếu là cây bằng lăng) đem về nhà chăm sóc nhằm “hợp thức hóa” rồi bán đi.

Cụ thể, gần ngay UBND xã Ia Ka, một cây bằng lăng to khoảng 2 người ôm, thân cây cao khoảng 7 đến 8 m vừa được di thực về trồng sát bên đường. Khi P.V hỏi thì chính quyền địa phương không hề có chút thông tin gì về nguồn gốc của cây này. Sau thời gian kiểm tra, xác minh, ông Ksor Sung-Chủ tịch UBND xã Ia Ka mới thông tin sơ sài: Cây bằng lăng trên được 1 hộ dân gần xã mua của người dân địa phương trên địa bàn. Còn người này tên gì, ở đâu thì ông Sung không biết. Tuy nhiên, ông Sung khẳng định: “Trước giờ không có người nào đến xin xác nhận nguồn gốc của cây này và xã cũng chưa xác nhận nguồn gốc của bất kỳ cây nào”.

Theo ông Ksor Sung, những cây đại thụ như vậy chủ yếu nằm ở trong đất rẫy, khi người dân tái canh cây cà phê nên bán đi vì chiếm nhiều diện tích đất. Không biết điều ông Sung nói có đúng không, vì cách đó không xa, ở nhà 1 hộ dân ở xã Nghĩa Hòa (huyện Chư Pah) cũng có đến 4 cây bằng lăng đại thụ nằm chiễm chệ ngay mặt đường, cành lá đã mọc sum sê. Nguồn gốc của các cây này có thật sự là cây trong rẫy hay được bứng ra từ rừng? Câu trả lời này đang chờ các cơ quan chức năng trả lời. Trong khi đó, ông Nay Vân-Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện khẳng định: Trước đây cũng có một số đối tượng tìm đến địa bàn để tìm mua cây đại thụ, nhưng đơn vị đã nắm bắt và ngăn chặn kịp thời.

Ngăn chặn chảy máu cây đại thụ

Ông Trần Hùng Anh-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro cho biết: Cây bồ đề tại làng Nghe lớn (thị trấn Kông Chro) nằm trên đất nương rẫy của người dân. Theo quy định về quản lý cây cảnh, cổ thụ, cây bóng mát trong vườn nhà của người dân thì họ có quyền tự chủ, tự quyết định nhưng phải có đơn trình báo để UBND thị trấn xác định nguồn gốc.

“Trong qua trình xác nhận, nếu UBND các xã, thị trấn xác định cây nằm trên đất lâm nghiệp thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. UBND các xã, thị trấn cần kiểm tra xác minh cụ thể nguồn gốc hợp pháp của từng cây nhằm tránh trường hợp các đối tượng lợi dụng việc đào, bứng cây rừng đem về nhà trồng rồi làm đơn xin xã xác nhận là cây trong vườn nhà”.

Để chấn chỉnh tình trạng di thực cây tự nhiên còn sót lại trên đất nương rẫy, đặc biệt là cây rừng về để làm cây cảnh, UBND huyện Kông Chro đã kịp thời ra văn bản yêu cầu Hạt Kiểm lâm, công an huyện, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý địa bàn, quản lý bảo vệ rừng kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng di thực cây rừng về làm cảnh trái phép trên địa bàn huyện. Các Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa, Kông Chro, Kông H’dé tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát lâm phần được giao quản lý để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đồng thời, UBND huyện Kông Chro cũng yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện rút kinh nghiệm đối với kiểm lâm địa bàn thị trấn Kông Chro vì đã tham mưu cho UBND thị trấn xác nhận cây không đúng quy định; UBND thị trấn Kông Chro nghiêm túc kiểm điểm trong việc xác nhận cây không đúng quy định và khẩn trương tiếp nhận cây bồ đề từ Hạt kiểm lâm về trồng trong khuôn viên và chăm sóc, bảo vệ nhằm đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Theo GLO