Cần đẩy mạnh xã hội hoá bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường

Đa dạng sinh học - Ngày đăng : 14:48, 20/06/2023

Sáng ngày 20/6, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên vùng cao, Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển tổ chức Hội thảo “Xã hội hóa nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”.

Với mục tiêu chia sẻ, thảo luận và kiến nghị các giải pháp sáng kiến chính sách nhằm thực hiện chủ trương xã hội hoá, huy động nguồn lực hiệu quả để chung tay góp phần vào mục tiêu quốc gia và toàn cầu hoá về bảo tồn thiên nhiên, thích ứng biến đổi khí hậu.

W_hoi-thao-1-.jpg
PGS, TS Phạm Quang Thao, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS Phạm Quang Thao, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Đất nước ta đang chứng kiến những thảm họa thiên nhiên thường xuyên và nghiêm trọng hơn như bão, lũ lụt và hạn hán. Những thiên tai này đã và đang gây ra thiệt hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và nền kinh tế của đất nước, thậm chí tính mạng con người.

W_hoi-thao-4-(1).jpg
Toàn cảnh hội thảo

Đa dạng sinh học ngày một giảm sút cũng là một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam. Gia tăng dân số, nhu cầu đời sống ngày càng tăng cao, các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội đã chia cắt, phân mảnh và làm suy thoái các hệ sinh thái tự nhiên, đẩy nhiều loài động thực vật hoang dã đến bờ tuyệt chủng.

Ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí và rác thải nhựa ở các khu vực đô thị, đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Ô nhiễm và suy giảm chất lượng môi trường sống cũng đang diễn ra ở khu vực nông thôn khi nguồn nước và đất đai bị tác động mạnh mẽ do các phương thức canh tác lạm dụng hóa chất nông nghiệp, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên thiếu bền vững.

PGS, TS Phạm Quang Thao nhấn mạnh, để giải quyết các thách thức thời đại này đòi hỏi rất nhiều nguồn lực khác nhau bên cạnh nguồn ngân sách từ Chính phủ. Xã hội hóa và huy động các nguồn lực bên ngoài có thể đóng góp vào các giải pháp môi trường. Bên cạnh đó, sự tham gia đóng góp của xã hội cũng giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng của các vấn đề môi trường và thúc đẩy họ hành động. Chính vì vậy, chủ trương xã hội hóa đã được thể hiện trong nhiều chủ trương, chính sách khác nhau về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên của Đảng và Nhà nước.

W_hoi-thao-2-.jpg
TS. Lê Công Lương, Phó Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Khi nói về vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam TS. Lê Công Lương, Phó Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khẳng định: Sau 10 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (Nghị quyết 24-NQ/TW) đã từng bước đi vào cuộc sống, nhiều kết quả trong các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đạt được. Nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được nâng lên. Những kết quả đạt được của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) trong việc tham gia xã hội hóa ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong thời gian qua là những con số “biết nói” đáng tự hào.

W_hoi-thao-3-.jpg
Ông Nguyễn Văn Phấn, Giám đốc Trung tâm GD&TT môi trường

Đánh giá về sự cần thiết của xã hội hóa nguồn lực trong bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), bảo tồn đa dạng sinh học, ông Nguyễn Văn Phấn, Giám đốc Trung tâm GD&TT môi trường cho rằng: “Xã hội hóa không hiểu đơn thuần chỉ là huy động nguồn lực tài chính, mà quan trọng hơn cả là ý Đảng lòng dân hòa hợp, tạo ra sức mạnh tổng hợp để thực hiện thành công các chủ trương, chính sách luật pháp của Đảng và nhà nước đã đề ra. Ngoài huy động Xã hội hóa bằng nguồn lực tài chính còn có Xã hội hóa nguồn lực phi tài chính như Cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới hiến đất làm đường giao thông, trường học, trạm y tế, tự quản tuyến đường trồng cây xanh, cây hoa, lắp đèn điện, Camera an ninh, thường xuyên quét dọn vệ sinh sạch sẽ; xã hội hóa trong giải tỏa tụ điểm rác tồn đọng, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng, khơi thông dòng chảy vớt rác trên sông, ao hồ, tham gia tư vấn, giám sát, kiểm tra, phát hiện các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Lý do cần xã hội hóa là Việt Nam đang trong thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước cùng với gia tăng dân số, đô thị hóa mạnh mẽ đã tạo sức ép khai thác tải nguyên thiên nhiên, sử dụng nhiều nguyên nhiên liệu, năng lượng, phát sinh nhiều chất thải rắn, lỏng, khí làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, phát sinh khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, đe dọa tới sức khỏe người dân và làm thay đổi môi trường sinh thái, đe dọa bảo tồn đa dạng sinh học. Để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học rất cần có sự chung tay của toàn xã hội. Hiện nay ngân sách Nhà nước dành cho bảo vệ môi trường hàng năm rất hạn hẹp (1% tổng chi ngân sách), lại chỉ tập trung cho các dự án lớn, yêu cầu vốn đầu tư cao như xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị, bảo vệ môi trường lưu vực sông, giải quyết triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, kè đê biển, đê sông ứng phó với biến đổi khí hậu …, do vậy rất cần phải huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học.

Nói về những bất cập của nguồn lực, tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học, TS Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển cho rằng, đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học và đặc biệt là phục hồi các hệ sinh thái, phục hồi các loài nguy cấp cần nguồn lực lớn và thời gian. Mặc dù cần đầu tư lớn và lâu dài, xong các kết quả thường khó có thể đo tính được một cách cụ thể, rõ ràng trong ngắn hạn, chính vì thế, đối với các nước nghèo, nước đang phát triển thì các chi phí đó khó có thể được ưu tiên do nguồn lực đang được dành cho các hoạt động khác như hạ tầng, y tế, giáo dục, phát triển nông thôn...

Hoàng Bằng