Hà Nội: Chưa biết điểm thi lớp 10, nhiều phụ huynh chủ động tìm "đường lùi" cho con

Giáo dục - Ngày đăng : 17:58, 23/06/2023

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập không chuyên năm học 2022 – 2023 tại Hà Nội vừa kết thúc, nhưng với tỷ lệ hơn 50% học sinh có suất vào THPT công lập khiến nhiều phụ huynh và học sinh vẫn đang không khỏi lo lắng, vội vã tìm “đường lùi” cho con.

Phụ huynh chủ động tìm trường, giữ chỗ cho con

Kết thúc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, chị Tú Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) đã cùng con trai xem đáp áp và tự chấm điểm, biết lực học của con mình sẽ rất khó để có "suất" vào trường THPT công lập, trong khi chỉ tiêu vào trường công năm nay của Hà Nội chỉ có hơn 50%. Để yên tâm, chị Tú Anh đã lựa chọn nộp hồ sơ cho con vào cả trường công lập và trường tư thục trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Nếu chẳng may con không đỗ trong kỳ thi vào lớp 10 công lập thì con đã chắc chắn một suất tại trường tư thục.

“Được biết, chỉ tiêu tuyển sinh do Sở GD&ĐT Hà Nội giao cho các trường tư thục là có hạn, trong đó trường tuyển ít nhất là 30 học sinh. Vì vậy tôi đã quyết định nộp hồ sơ cho con bằng phương thức xét học bạ, nếu chẳng may các trường đã tuyển sinh đủ thì con tôi sẽ không biết học ở đâu nếu lỡ trượt vào trường công lập”.

W_a1q.jpg
Chưa biết điểm thi lớp 10, nhiều phụ huynh chủ động tìm "đường lùi" cho con. Ảnh: Hoàng Bằng

Giống với chị Tú Anh (Cầu Giấy) anh Phạm Đức (Hà Đông, Hà Nội) cũng chủ động tìm “đường lùi” cho con khi xác định con mình khó có thể đỗ vào lớp 10 công lập.

“Gia đình tôi đã tìm hiểu một số trường, bao gồm cả các trường ngoài công lập, trường cao đẳng và trung tâm giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, hướng đi giáo dục thường xuyên có lẽ sẽ được ưu tiên hơn vì khối trường ngoài công lập mức học phí tương đối đắt đỏ, khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng” - anh Đức nói.

Việc chủ động tìm kiếm hướng đi cho con sẽ giúp gia đình anh có thêm nhiều sự lựa chọn và không bị động trong mọi tình huống.

Nhiều phụ huynh có con thi vào lớp 10 nhận định, tỉ lệ chọi vào các trường THPT công lập năm nay vô cùng khốc liệt khi có trên 106.000 sĩ tử cạnh tranh, chỉ có khoảng hơn 50% số học sinh được tuyển vào trường THPT công lập, còn lại sẽ học trường ngoài công lập, trường nghề. Bởi vậy, dù chưa biết điểm, phụ huynh nào cũng phải vội vàng tìm “đường lùi” cho con bởi tâm lí lo sợ nếu chậm chân, con mình sẽ chẳng còn “cơ hội” vào lớp 10.

Hướng đi riêng cho con


Khác với nhiều gia đình, chị Hoài Thương (quận Ba Đình) quyết định cho con theo học tại 1 trường cao đẳng nghề tại Hà Nội trước khi kỳ thi lớp 10 diễn ra bởi chị nhận thấy, sức học của con mình không thể đỗ vào lớp 10 trường công lập.

Nhờ chủ động sớm, chị có thời gian hơn để cân nhắc nhiều lựa chọn và bản thân con cũng không căng thẳng, áp lực.

Chị Thương chia sẻ: “Một số người bạn của tôi có con thi vào lớp 10 đã phải mất ăn mất ngủ, lo lắng, dù chưa biết điểm thi vào lớp 10 nhưng đã lo xa bằng cách đặt cọc học phí ở một trường tư hoặc trường nghề”.

W_a2q.jpg
Thầy Nguyễn Thành Lăng – giáo viên Trường THCS Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: NVCC

Thầy Nguyễn Thành Lăng – giáo viên Trường THCS Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh cấp trung học rất quan trọng. Đây là chủ trương đúng đắn nhằm phát triển hợp lí nguồn nhân lực, đáp ứng thị trường lao động và giảm tải đào tạo bậc THPT. Và để quá trình định hướng đạt hiệu quả, rất cần sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình. Ngoài những định hướng của nhà trường thì phụ huynh cũng cần sát sao, quan tâm lắng nghe và có những định hướng nhất định cho con mình.

“Bản thân học sinh, nếu có định hướng nghề nghiệp đúng đắn sẽ đỡ mất thời gian, công sức, chi phí và đặc biệt tránh tạo căng thẳng, áp lực tâm lí. Ngoài ra, định hướng sớm sẽ giúp học sinh theo đuổi ước mơ, phát triển theo đúng năng lực, sở trường của bản thân” – thầy Lăng nói.

Hoàng Bằng