Những lưu ý quan trọng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023
Giáo dục - Ngày đăng : 18:00, 26/06/2023
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay cả nước có 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT.
Trong đó, thí sinh chỉ xét tốt nghiệp: 47.769 chiếm 4,66%; thí sinh chỉ xét tuyển sinh đại học: 34.155 chiếm 3,33% tổng số thí sinh; thí sinh vừa xét tốt nghiệp, vừa tuyển sinh: 943.340 chiếm 92,91% tổng số thí sinh.
Lưu ý về những công việc triển khai trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn làm việc với các địa phương về công tác chuẩn bị tổ chức thi, công tác coi thi và chấm thi. Đồng thời, kết nối thường xuyên với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh các địa phương để phối hợp tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Bộ đã có văn bản phân công các cơ sở giáo dục đại học cử người tham gia các đoàn kiểm tra công tác coi thi tại các địa phương. Theo đó, huy động gần 8000 cán bộ, viên chức các cơ sở giáo dục đại học để tổ chức 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi của Bộ và 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi của Bộ tại 63 sở GDĐT.
Để giúp thí sinh chuẩn bị tâm lý trước kỳ thi, dưới đây là các lưu ý quan trọng với các sĩ tử.
Cụ thể, ngày 28 và 29/6, thí sinh bước vào làm bài thi môn Ngữ văn, Toán, tổ hợp môn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội và môn Ngoại ngữ. Theo Bộ GD-ĐT, nội dung đề thi tốt nghiệp THPT 2023 chủ yếu trong chương trình lớp 12.
Ngày 18/7, Công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Chậm nhất ngày 20/7, xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Chậm nhất ngày 22/7, công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Chậm nhất ngày 24/7, cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời; trả học bạ và các loại Giấy chứng nhận liên quan (bản chính) cho thí sinh.
Chậm nhất ngày 5/8, phúc khảo bài thi (nếu có).
Chậm nhất ngày 12/8, xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo.
Chậm nhất ngày 15/8, gửi danh sách thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT về Bộ GD-ĐT.
Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ GD-ĐT cho thí sinh mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn Địa lý (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác).
Trước khi làm bài thi, thí sinh phải ghi đầy đủ số báo danh và thông tin của thí sinh vào đề thi, giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp.
So với năm ngoái, quy định này có hai điểm mới. Một là thí sinh không còn được mang các loại máy ghi âm, ghi hình, dù chỉ có chức năng ghi thông tin, không thể xem hay truyền tín hiệu. Thứ hai, Bộ GD&ĐT không quy định danh mục máy tính bỏ túi như những năm trước mà chỉ yêu cầu máy tính "không có chức năng soạn thảo văn bản".
Các vật dụng khác bị cấm mang vào phòng thi gồm: giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn, các loại vũ khí, chất gây cháy nổ và các tài liệu, thiết bị truyền và chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận thi cử.
Nếu cố tình mang vào, thí sinh bị đình chỉ thi, đồng nghĩa bị hủy kết quả toàn bộ bài làm, không được công nhận tốt nghiệp THPT. Năm ngoái, có 50 em vi phạm quy chế và bị đình chỉ thi. Trong đó, 6 em mang và sử dụng tài liệu, 44 em khác mang và dùng điện thoại trong phòng thi.
Quy chế thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT ban hành quy định thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm, không được nộp bài thi trước khi hết giờ làm bài.
Khi hết giờ làm bài, thí sinh phải nộp Phiếu Trả lời trắc nghiệm cho cán bộ coi thi và ký tên vào hai Phiếu thu bài thi. Đối với buổi thi môn tự luận, thí sinh có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi, phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp trước khi ra khỏi phòng thi.