Đẩy mạnh xã hội hóa nước sạch nông thôn gắn với bảo vệ môi trường
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 15:32, 28/09/2016
– Cung cấp nước đầy đủ và sạch là một trong những công tác chủ yếu để tăng cường bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Với mục tiêu đến 2020 tất cả cư dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia với số lượng 60lit/người/ngày, nên việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa nước sạch nông thôn luôn được nhà nước quan tâm. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quốc Hưng – Phó Vụ trưởng vụ quản lí nguồn nước và nước sạch nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông Phạm Quốc Hưng – Phó Vụ trưởng vụ quản lí nguồn nước và nước sạch nông thôn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
MT&CS: Ông đánh giá như thế nào về tình hình cung cấp nước sạch trên cả nước và đặc biệt là các vùng nông thôn nói riêng, hiệu quả như thế nào?
Ông Phạm Quốc Hưng: Với mục tiêu đến năm 2020: Tất cả cư dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia với số lượng ít nhất 60lít/người/ngày, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và thực hiện vệ sinh cá nhân, giữ sạch vệ sinh môi trường làng, xã. Công cụ để thực hiện Chiến lược Quốc gia là Chương trình MTQG Nước sạch và VSMTNT, Chương trình đã thực hiện qua các giai đoạn (2001 – 2005); (2006 – 2010), 2011 và (2012 – 2015).
Đến hết năm 2015, cơ bản đạt được như sau: Có hơn 16.200 công trình cấp nước tập trung đã được xây dựng và vận hành tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 86.2%, trong đó 45% người dân sử dụng nước đạt QCVN 02/BYT-2009; hầu hết các trường học và trạm y tế có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh.
Hiệu quả : Nhận thức của người dân nông thôn về sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh và bảo vệ môi trường được nâng cao.
Tất cả các tỉnh đều triển khai thực hiện công tác theo dõi, đánh giá theo Bộ chỉ số Theo dõi – đánh giá nước sạch và VSMTNT (với 8 Chỉ số trong đó có chỉ số về cấp nước và vệ sinh cho đối tượng nghèo).
Ở các khu vực nông thôn công cộng như trường học, trạm y tế việc kiểm soát chất lượng nước đã có chuyển biến tốt trên cả hai phương diện cung cấp dịch vụ và quản lý dịch vụ. Trên 50% Trung tâm Nước sạch và vệ sinh nông thôn các tỉnh có phòng phân tích chất lượng nước phục vụ công tác quản lý chất lượng nước sinh hoạt; góp phần tăng cường công tác kiểm nghiệm chất lượng nước sinh hoạt nông thôn.
Huy động được sự tham gia của các tổ chức xã hội góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân nông thôn, khơi dậy phong trào toàn dân sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh.
Từng bước hình thành thị trường nước sạch và vệ sinh nông thôn: Bước đầu đã tạo lập môi trường thuận lợi và hành lang pháp lý rõ ràng để khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực Nước sạch và VSMTNT bằng các cơ chế chính sách khuyến khích ưu đãi; nhiều mô hình tốt về tư nhân tham gia cung cấp nước sạch nông thôn đã xuất hiện ở một số địa phương như Đồng Tháp, Tiền Giang, Hà Nam, Bắc Ninh, Hưng Yên …
MT&CS:Ông có thể cho biết công tác xã hội hóa nước sạch nông thôn ở nước ta hiện nay có những thuận lợi và khó khăn như thế nào?
Ông Phạm Quốc Hưng: Công tác xã hội hóa nước sạch nông thôn bước đầu tạo lập được môi trường thuận lợi và hành lang pháp lý rõ ràng tạo điều kiện để khu vực tư nhân đầu tư với các cơ chế, chính sách ưu đãi hợp lý. Cả nước có khoảng 500 hệ thống cấp nước sạch nông thôn do khu vực tư nhân đầu tư cấp nước cho hơn 500.000 người dân nông thôn. Tuy nhiên, việc khuyến khích sự tham gia khu vực tư nhân đầu tư cấp nước sạch nông thôn cũng có những khó khăn và thuận lợi nhất định, cụ thể:
Thuận lợi
Đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về sự tham gia của khu vực tư nhân tạo điều kiện thuận lợi để họ tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng nói chung và đầu tư công trình cấp nước và vệ sinh nông thôn nói riêng.
Nhiều tỉnh đã chủ động ban hành các chính sách thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân bằng hình thức ưu đãi về sử dụng đất, thuê đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tạo nguồn nước, hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình, ưu đãi thuế, vốn vay ưu đãi, bù giá. Điển hình như tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Ninh Bình,…
Khó khăn thách thức
Quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, thủ tục còn mất nhiều thời gian, khả năng tiếp cận nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước còn thấp….
Đặc thù ở khu vực nông thôn nhất là khu vực miền núi, mật độ dân số thấp và nhận thức của người dân hạn chế, mức độ rủi ro về tài chính cao, nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư.
Thiếu các giải pháp huy động vốn cho các dự án đầu tư theo hình thức tư nhân; chính sách hỗ trợ không đủ cho nguồn lực tư nhân. Thời gian đầu tư kéo dài, công trình đưa vào hoạt động chậm so với tiến độ.
Chưa có sự gắn kết giữa cơ quan quản lí nhà nước với khối tư nhân để có thể thúc đẩy sự tham gia mạnh của họ trong cấp nước và vệ sinh nông thôn; Các hoạt động hỗ trợ về kỹ thuật còn hạn chế.
MT&CS: Theo tìm hiểu, hiện nay các công trình cung cấp nước sạch ở các vùng nông thôn chưa phát huy hết công suất, chất lượng nước sạch chưa đảm bảo yêu cầu? Theo ông nguyên nhân tại sao?
Ông Phạm Quốc Hưng: Tỷ lệ công trình bền vững còn khiêm tốn, có sự chênh lệch giữa các vùng miền, nguyên nhân là do:
Quá trình xây dựng, vận hành của một số khu vực chưa được khảo sát và tham vấn đầy đủ, chưa đánh giá chất lượng nước nguồn, công nghệ áp dụng cho việc xử lý nước nhiều khi không phù hợp, dẫn tới chất lượng nước chưa đảm bảo.
Nhận thức của người dân nông thôn đặc biệt là vùng sâu, vùng xa về nước sạch còn hạn chế, người dân vẫn có thói quen sử dụng các nguồn nước truyền thống (suối, sông, ao hồ, giếng khoan hộ gia đình) do đó mức sử dụng nước thấp, công trình nhanh chóng bị xuống cấp do thiếu kinh phí để duy trì, sửa chữa, kéo theo chất lượng nước cũng bị ảnh hưởng, công trình chưa được vận hành và bảo dưỡng theo đúng quy trình.
Mặt khác biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng khắc nghiệt, có ảnh hưởng xấu đến nguồn nước, chất lượng nước.
MT&CS: Ở các vùng nông thôn, do điều kiện về kinh tế còn hạn chế, người dân vẫn giữ thói quen dùng nước tự nhiên (nước mưa) để sinh hoạt. Vậy cần có giải pháp gì để tăng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch?
Ông Phạm Quốc Hưng: Cần tăng cường công tác Thông tin – Giáo dục – Truyền thông: Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen suy nghĩ của người dân về nước sạch đối với sức khỏe và đời sống của mỗi người dân và của cả cộng đồng.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các giải pháp công nghệ cấp nước quy mô hộ gia đình phù hợp cho từng vùng, miền và đối tượng.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ cho đối tượng nghèo, vùng khó khăn trong việc tiếp cận với nguồn ngân sách ưu đãi cho lĩnh vực cấp nước, để người dân tự triển khai các giải pháp cấp nước phù hợp đối với khu vực không có điều kiện xây dựng công trình cấp nước tập trung hoặc sử dụng kinh phí để lắp đặt và đấu nối nước vào gia đình.
Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong đầu tư, cung cấp và phân phối các giải pháp cấp, trữ nước hộ gia đình giá thành rẻ, vật liệu địa phương để mọi người dân có thể tiếp cận với nước sạch.
MT&CS: Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT quan tâm, chỉ đạo như thế nào nhằm nâng cao chất lượng nước sạch nông thôn?
Ông Phạm Quốc Hưng: Việc nâng cao chất lượng nước sạch nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Nông nghiệp và PTNT trong giai đoạn tới. Để tăng cường cải thiện chất lượng nước sạch nông thôn, Bộ sẽ tập trung phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo các địa phương hoàn thành chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn theo Thông tư 54/2013/TT-BTC. Ưu tiên giao cho doanh nghiệp quản lý, khai thác công trình cấp nước.
Chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện cấp nước an toàn theo Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016-2025.
Tăng cường phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ ngành để giám sát và cải thiện chất lượng nước sinh hoạt nông thôn: Tăng cường công tác kiểm tra liên ngành về chất lượng nước, xử lý kịp thời đối với trường hợp vi phạm.
Phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo các địa phương thực hiện bù giá cấp nước sạch nông thôn theo quy định tại Thông tư 75/TTLT-BTC-BXD-BNN ngày 15/5/2012 để đảm bảo bền vững tài chính cho các doanh nghiệp tham gia quản lý vận hành và chất lượng nước cấp cho người dân, tập trung ưu tiên thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nước:
Nâng cao năng lực hệ thống quản lý và kiểm soát chất lượng nước sinh hoạt nông thôn.
Thiết lập và nâng cấp cơ sở vật chất, hệ thống phòng kiểm nghiệm, xét nghiệm chất lượng nước sinh hoạt nông thôn.
Lồng ghép cơ sở dữ liệu chất lượng nước sinh hoạt nông thôn vào hệ thống thông tin theo dõi đánh giá về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Đẩy mạnh công tác thông tin – giáo dục – truyền thông về quản lý và kiểm soát chất lượng nước sinh hoạt nông thôn.
Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ về tăng cường cải thiện chất lượng nước sinh hoạt nông thôn.
MT&CS: Xin cảm ơn ông!
(Theo Thu Hà – Nguyễn Phương/ Tạp chí Môi trường và Cuộc sống)