Bà Rịa - Vũng Tàu: Rác thải tràn ngập các bãi biển ở TP. Vũng Tàu

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 19:00, 03/07/2023

Những năm trước, sau 4-5 ngày rác sẽ hết. Nhưng năm nay, hơn 1 tháng qua, dù TP.Vũng Tàu đã tích cực thu gom nhưng biển vẫn chưa ngày nào hết rác.

Theo ông Nguyễn Xuân Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ môi trường và Công trình đô thị Vũng Tàu (VESCO)- đơn vị được TP. Vũng Tàu giao nhiệm vụ tổ chức thu gom, xử lý rác thải đại dương trong việc giải quyết tình trạng này: Chưa có năm nào lượng rác lại nhiều như năm nay. Cụ thể, rác đại dương bắt đầu tràn về Bãi Trước vào ngày 22/5. Trong 3 ngày đầu, lượng rác còn ít chỉ khoảng 10 tấn/ngày. Tuy nhiên, sau đó rác càng lúc càng ồ ạt, lượng rác nhiều gấp 3-4 lần so với những ngày đầu. Hiện nay không chỉ gần 1km bãi biển Bãi Trước đầy rác mà các bãi lân cận như Bãi Dâu, Bãi Dứa cũng bị sóng biển đánh khiến rác trôi nổi khắp nơi.

Theo chu kỳ của những năm trước, sau 4-5 ngày rác sẽ hết. Nhưng năm nay, rác đại dương tấn công biển Vũng Tàu không theo một chu kỳ nào cả. Hơn 1 tháng qua, dù công ty và nhiều đơn vị khác đã hỗ trợ thu gom cật lực nhưng biển vẫn chưa ngày nào hết rác. Thành phần của rác đại dương chủ yếu là lục bình, hộp xốp, túi ni-lông…

rac-thai(1).jpg
Công nhân VESCO nỗ lực thu gom rác đại dương trên biển Bãi Trước

Cũng theo ông Hậu, nguyên nhân xuất hiện lượng rác đại dương không lồ như thế này trước hết là do sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sự ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Nhìn nhận một cách khoa học hơn thì do sóng biển và dòng ven bờ thay đổi theo gió mùa, mang theo rác từ sông (sông Sài Gòn-Đồng Nai-Soài Rạp, sông Tiền, cửa Lấp, sông Ray… ) ra biển sau đó trôi dạt vào bờ. Bờ Biển TP. Vũng Tàu chịu tác động chính của sóng theo hai mùa gió chính: gió Đông Bắc (từ đầu tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau) và gió Tây Nam (từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm). Hiện tượng rác trôi dạt thường xảy ra vào thời điểm chuyển mùa gió, tháng 4-5, và tháng 9-10 sau đó kéo dài.

Ngoài ra, rác đại dương còn xuất hiện từ các hoạt động neo đậu, vân tải thủy và đánh bắt gần bờ. Do thói quen sinh hoạt của ngư dân trên biển nên phần lớn rác bị người dân thải trực tiếp ra biển, sau đó theo sóng, gió trôi dạt vào bờ.

Lượng rác còn lại là từ các hoạt động trong bờ thải ra biển rồi bị sóng biển đánh dội ngược vào bờ.

Bình thường, khoảng gần 1km khu vực Bãi Trước, VESCO chỉ cử 3 công nhân làm vệ sinh bãi biển. Nhưng từ khi xuất hiện rác đại dương, mỗi ngày công ty phải huy động 30-40 công nhân làm việc liên tục từ 4 giờ sáng đến 17 giờ chiều để cào rác từ dưới biển lên và đồng thời đưa rác lên bờ, ép rác bằng xe chuyên dụng…

Ngoài lượng nhân sự lớn phục vụ công tác thu gom rác bãi biển, công ty cũng huy động 1 xe cuốc, 2 xe cuốn ép loại 13m3/xe, 2 xe tải loại 3,5-6m3/xe đồng thời thuê thêm 2 xe tải loại 6m3/xe để hỗ trợ công nhân trong việc thu gom, ép rác trước khi vận chuyển về xử lý tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (TX. Phú Mỹ).

Mặc dù đã làm việc cật lực nhưng lực lượng công nhân VESCO chỉ thu gom được 15-20 tấn/ngày, vẫn còn một lượng rác khá nhiều trên biển không thể thu gom kịp. Ngày 16/6, ngoài lực lượng công nhân vệ sinh làm hàng ngày, công ty đã huy động toàn bộ CB-CNV-NLĐ khối văn phòng của công ty khoảng 120 người tham gia thu gom với lượng rác đại dương ngày hôm đó gom được là 150 tấn. Ngoài ra, một số ngày cuối tuần, các phường và một số CLB cũng tổ chức ra quân hỗ trợ VESCO thu gom rác ở 3 bãi: Bãi Trước, Bãi Dâu và Bãi Dứa, Phó Tổng Giám đốc VESCO nói thêm .

Được biết, mỗi ngày TP. Vũng Tàu phát sinh khoảng hơn 400 tấn rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, những ngày rác đại dương tràn vào, lượng rác cần phải xứ lý tăng lên từ 15-20 tấn, thậm chí có ngày tăng thêm hàng trăm tấn. Rác tăng khiến chi phí vận chuyển và chi phí xử lý đều tăng.

Trong rác đại dương chủ yếu là lục bình nhưng lục bình vốn sống ở nước ngọt, khi dạt vào biển đã ngấm muối nên những DN muốn lấy lục bình để ủ thành phân vi sinh thì không thể sử dụng được. Ngoài ra, trong rác đại dương còn có lẫn cả rác thải nhựa. Do đó, để bảo đảm cơ bản môi trường tại các bãi biển, VESCO phải thực hiện thu gom lượng rác này, sau đó ép kiệt nước và đưa về Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên để chôn lấp hợp vệ sinh như rác thải sinh hoạt thông thường.

Rác đại dương xâm chiếm các bãi biển Vũng Tàu ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và môi trường biển. Đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động du lịch, tắm biển của người dân địa phương và du khách.

Lãnh đạo thành phố đã đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh nhằm xây dựng đề án thu gom rác trên biển, không để dạt vào các bãi tắm làm ảnh hưởng đến người dân, du khách. Đặt hàng này đã được Sở KH-CN trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt và đã được chấp thuận về mặt chủ trương. Các cơ quan chức năng đang sớm hoàn thiện để tiến hành triển khai.

Minh Trang