Tiến đến "xanh hóa" cảng biển tại Việt Nam - Cần "đòn bẩy" cơ chế
Kinh tế - Ngày đăng : 10:30, 08/07/2023
Trong bối cảnh khách hàng ngày càng quan tâm đến hàng hoá, dịch vụ thân thiện với môi trường, việc phát triển logistics xanh đang trở thành xu hướng tất yếu. Hiện nhiều doanh nghiệp logistics toàn cầu khi thuê ngoài dịch vụ cũng yêu cầu tiêu chuẩn khí thải đối với các doanh nghiệp logistics thứ ba. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao nhận thức về vai trò phát triển logistics xanh trong việc tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc thực hiện tốt hoạt động logistics xanh không chỉ là trách nhiệm mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm sự phát triển bền vững.
Tiêu chí "cảng xanh"
Trên cơ sở phê duyệt của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam đã ra Quyết định số 710/QĐ-CHHVN Ban hành Kế hoạch thực hiện đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam. Theo quyết định này, trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp để thực hiện tiến trình phát triển cảng xanh. Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sạch, thân thiện với môi trường trong hoạt động khai thác cảng biển. Sau đó, giai đoạn 2025 - 2030, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiêu chí cảng xanh. Công tác triển khai áp dụng tự nguyện tiêu chí cảng xanh ở Việt Nam, tiến tới đề xuất xây dựng, ban hành quy định áp dụng bắt buộc tiêu chí cảng xanh cho hệ thống cảng biển Việt Nam. Dự kiến đến sau năm 2030, tiêu chí cảng xanh trong quy hoạch, đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác cảng biển tại Việt Nam được áp dụng bắt buộc.
Mô hình cảng xanh, đại diện cho mô hình phát triển cảng bền vững, không chỉ đáp ứng nhu cầu của môi trường mà còn làm tăng lợi ích kinh tế của cảng, sẽ được thí điểm từ năm 2023 trước khi nhân rộng, áp dụng tiêu chí bắt buộc từ sau năm 2030. Theo đó, phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam theo hướng bền vững, trong đó, bảo vệ môi trường được xem xét như một bộ phận cấu thành không tách rời của quá trình đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác cảng biển. Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam trên cơ sở ưu tiên phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, rủi ro môi trường. Tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Kiểm soát tác nhân gây ô nhiễm, giảm thiểu phát sinh chất thải, khí thải. Từ đó, hướng tới nền kinh tế xanh và nâng cao hình ảnh cảng biển Việt Nam trên trường quốc tế.
Cảng xanh tại Việt Nam sẽ được xây dựng trên 6 nhóm tiêu chí chính (tập trung chủ yếu vào các cảng tổng hợp và cảng container) với thang điểm cụ thể, gồm: Nhận thức về cảng xanh (điểm tối đa là 5 điểm); sử dụng tài nguyên (điểm tối đa là 15 điểm); quản lý chất lượng môi trường (điểm tối đa là 50 điểm); sử dụng năng lượng (điểm tối đa là 15 điểm); ứng dụng công nghệ thông tin (điểm tối đa là 5 điểm); giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng (điểm tối đa là 10 điểm). Để được xem xét công nhận cảng xanh, cảng biển phải đạt được tối thiểu 60% số điểm của các tiêu chí (đạt tổng điểm tối thiểu 60/100 điểm). Doanh nghiệp phải có tài liệu chứng minh cho việc thực hiện từng tiêu chí.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trong việc "xanh hóa" cảng biển còn gặp khó khăn do việc đầu tư cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường, phòng ngừa và ứng phó sự cố trong hoạt động hàng hải tại các cảng biển còn hạn chế, do đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Đồng thời, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm. Doanh nghiệp thiếu vốn hoặc không tiếp cận được những khoản vay tín dụng cho các dự án tiết kiệm năng lượng. Cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư thay thế dây chuyền lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, tốt cho môi trường còn rất hạn chế.
Hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ cho hoạt động logistics xanh
Theo các chuyên gia kiến nghị, đối với các doanh nghiệp chưa có mục tiêu phát triển logistics xanh trong chiến lược kinh doanh cần nhanh chóng xây dựng, bổ sung chiến lược để phù hợp định hướng phát triển xanh và bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay. Đối với các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư hay thậm chí xác định mục tiêu phát triển logistics xanh, cần thường xuyên rà soát các nội dung chiến lược và tình hình thực hiện để có điều chỉnh phù hợp, đúng thực tiễn.
Dưới áp lực của hệ thống cơ sở hạ tầng logistics hiện tại, các doanh nghiệp cần thay đổi phương tiện vận tải cho phù hợp cơ sở hạ tầng sẵn có; ưu tiên chuyển sang sử dụng các phương tiện vận tải mới, thân thiện với môi trường. Doanh nghiệp cũng cần chủ động ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động để thúc đẩy sự phát triển sạch và hiệu quả, thí dụ như sử dụng công nghệ GPS quản lý thông tin, định vị trong vận tải; tăng cường phát triển công nghệ lạnh trong quản lý kho bãi nhằm giải quyết các vấn đề kỹ thuật và thiết bị liên quan đến bảo quản nhiệt, lạnh và tiết kiệm năng lượng cho hệ thống kho bãi;…
Khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay để thực hiện “xanh hóa” logistics là vấn đề tài chính. Vậy nên các doanh nghiệp cần tranh thủ sự ủng hộ, khuyến khích, ưu đãi của Nhà nước và các tổ chức để tận dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng logistics, tạo lợi thế cạnh tranh trong sản xuất, vận hành và vận tải. Ở chiều ngược lại, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần xem xét có nhiều chính sách hơn nữa nhằm khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến phát triển logistics xanh; sử dụng cơ chế về thuế và luật để tạo động lực, giảm chi phí cho doanh nghiệp như khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thay thế trong vận tải đường bộ (không phải xăng dầu), thúc đẩy thay đổi phương thức vận tải theo mô hình vận tải đa phương thức, xây dựng tín dụng carbon để bảo vệ và kiểm soát lượng khí thải nhà kính,… Bên cạnh đó, cần quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm xanh hóa các hoạt động logistics, tiếp tục cải tiến cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng, tạo thuận lợi cho vận tải đa phương thức.
Quan trọng nhất là tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ cho hoạt động logistics xanh, tránh chồng chéo giữa các cơ quan bộ, ngành; nhất là các quy định về kiểm soát ô nhiễm không khí, điều chỉnh phát thải khí thải, hạn chế lượng khí CO2 từ các phương tiện vận tải để thúc đẩy doanh nghiệp lựa chọn các phương tiện đạt tiêu chuẩn về phát thải và tiếng ồn.
Cùng với đó là một loạt các quy định, chính sách khác như quy định về bằng cấp, chứng chỉ đào tạo bắt buộc cho người điều khiển phương tiện về tiết kiệm năng lượng, an toàn và xanh hóa môi trường; chính sách quy định về bao bì xanh, rác thải xanh đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh kho hàng. Nếu không có các quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường, việc doanh nghiệp tự giác triển khai logistics xanh sẽ khó thực hiện vì họ thường ưu tiên các biện pháp tối ưu nguồn doanh thu hơn là phương án thân thiện với môi trường.
Yêu cầu hiện nay đối với các doanh nghiệp logistics của Việt Nam, đó là phải có nhận thức và đổi mới trong vấn đề về xu hướng xanh hóa đang diễn ra trong hoạt động thương mại và hoạt động kinh tế, tức là lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong các hoạt động kinh tế, thương mại trong hoạt động logistics.
Ngoài ra, ngành vận tải hàng hải cũng đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, giao thông thông minh trong quản lý, điều hành các lĩnh vực trong ngành hàng hải. Để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, vấn đề nguồn nhân lực cần được chú trọng phát triển, đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực ngành hàng hải, để có thể sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao, quản lý, khai thác, vận hành phương tiện, hạ tầng hàng hải công nghệ mới không phát thải khí nhà kính.