Nhiều kiến nghị cử tri tập trung vào những vấn đề “nóng” dư luận quan tâm

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 14:07, 10/07/2023

Ghi nhận những kiến nghị cử tri đối với những vấn đề “nóng”, thiết thực mà dư luận quan tâm, kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII sẽ xem xét, giải quyết cho phù hợp với tiến trình phát triển.

Công tác giám sát phản biện ngày càng đi sâu vào cuộc sống

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra sáng 10/7, bà Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đã trình bày Thông báo công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp.

thuy.jpg
Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh trình bày những kiến nghị của cử tri và nhân dân tại kỳ họp. (Ảnh: Anh Thắng)

Theo đó, MTTQ các cấp đã tích cực, chủ động tham gia xây dựng và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ  tỉnh Thanh Hóa đã tham gia góp ý 17 dự thảo luật, văn bản; MTTQ các cấp đã chủ trì tổ chức phản biện xã hội 109 cơ chế, chính sách, chương trình, đề án của tỉnh, kế hoạch phát triển KT - XH của các địa phương. Tổ chức cấp phát 30.300 tờ báo Đại đoàn kết, đăng tải 437 tin, bài, 11 phóng sự tuyên truyền, góp phần làm chuyển biến nhận thức của cử tri và nhân dân trong tỉnh.

MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp với chính quyền cùng cấp, chủ trì tổ chức 4.213 hội nghị để đại biểu dân cử tiếp xúc với cử tri theo quy định của pháp luật tại các đơn vị bầu cử; tiếp 243 lượt công dân; tiếp nhận 466 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Phần lớn các đơn, thư tập trung vào lĩnh vực đất đai, chế độ, chính sách; đã chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 289 đơn thư; hướng dẫn và trả lời 11 đơn thư; lưu 166 đơn thư do không đủ điều kiện xử lý.

Hoạt động giám sát được thực hiện bảo đảm theo kế hoạch, đi vào nền nếp, có chất lượng, tập trung giám sát những vấn đề nhân dân quan tâm, chủ trì tổ chức 425 cuộc giám sát. Các Ban Thanh tra nhân dân giám sát 376 vụ việc, kiến nghị giải quyết 175 vụ việc. Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát 892 công trình, dự án; qua giám sát đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét 123 công trình, dự án có ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.

Từ những hoạt động giám sát, phản biện được triển khai sâu rộng, nhiều kết quả khả quan đạt được như tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 7%, đứng cao nhất khu vực Bắc Trung Bộ; sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển khá toàn diện. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,49%, dịch vụ, thương mại tăng trưởng mạnh, hoạt động du lịch diễn ra sôi động.

9(2).jpg
Các đại biểu tham dự kỳ họp. (Ảnh: Anh Thắng)

Bà Phạm Thị Thanh Thủy cũng chỉ ra những hạn chế còn tồn tại. Đó là tốc độ tăng trưởng GRDP chưa đạt mục tiêu đề ra, công tác xúc tiến đầu tư, kết quả thu hút đầu tư nước ngoài vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, hoạt động của một bộ phận doanh nghiệp còn gặp khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng so với cùng kỳ (tăng 9,1%).

Tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án, nhiệm vụ thuộc các Chương trình Mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội rất chậm. Số lượng giáo viên thiếu cục bộ ở các cấp học, bậc học, nhất là đối với giáo viên tiểu học và giáo viên các môn đặc thù trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hoạt động tội phạm ma túy trên tuyến biên giới, hoạt động xuất nhập cảnh trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp; tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ... làm ảnh hưởng đến tư tưởng, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Ghi nhận những kiến nghị cử tri góp phần xóa bỏ bất cập, hạn chế

Mang đến kỳ họp nhiều ý kiến, kiến nghị thiết thực của cử tri và nhân dân, thuộc các lĩnh vực "nóng", được dư luận quan tâm, bà Phạm Thị Thanh Thủy cho biết, đó là những kiến nghị ghi nhận thông qua công tác giám sát, phản biện của MTTQ tỉnh, góp phần xóa bỏ sự trì trệ, bất cập trong quản lý hành chính và phát triển kinh tế.

Nhiều ý kiến thiết thực được ghi nhận như đề nghị cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, triển khai kịp thời các quy định về chính sách tín dụng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình, đơn giản hóa thủ tục cho vay, giải ngân vốn vay. Thường xuyên đối thoại, lắng nghe ý kiến phản ánh và trả lời, giải đáp những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp.

Đề nghị UBND tỉnh xem xét phân bổ, bổ sung chỉ tiêu chuyển mục đích đất chuyên trồng lúa, bổ sung các công trình, dự án trong điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh; đấu mối, phối hợp giải quyết dứt điểm các dự án kéo dài gây bức xúc trong nhân dân. Khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả “Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực miền núi có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất”. Sớm di dời các hộ dân tại chân núi Thiều, núi Cầu, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc có nguy cơ sạt lở.

Đầu tư nâng cấp các tuyến tỉnh lộ; xây dựng các cầu dân sinh; các tuyến giao thông trục trung tâm để đảm bảo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, đi lại, thu hút dự án đầu tư, phát triển kinh tế. Quan tâm rà soát, sửa chữa, gia cố cầu treo trên địa bàn các huyện miền núi đã bị hư hỏng, xuống cấp gây mất an toàn. Đề nghị chỉ đạo Thuỷ điện Cẩm Thuỷ 1, hỗ trợ làm đường dân sinh tránh ngập đoạn thôn Sơn Thuỷ, xã Lương Trung, huyện Bá Thước. Đề nghị nhà thầu đơn vị thi công đường cao tốc Bắc Nam, đường Vạn Thiện - Bến En đảm bảo an toàn giao thông và hoàn trả lại các tuyến tỉnh lộ 525, 512, 505b, 517 tại huyện Nông Cống, Triệu Sơn. Nghiên cứu bố trí nguồn kinh phí Trung ương phân bổ cho tỉnh và nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ cải tạo, sửa chữa nâng cấp các công trình đê sông, đê biển trên địa bàn các địa phương, các điếm canh đê, xử lý các sự cố, có nguy cơ mất an toàn bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai trong mùa mưa lũ. Đề nghị tỉnh nghiên cứu sớm có kế hoạch đầu tư nâng cấp cầu phao hoặc chuyển đổi làm phà trên Sông Chu tại địa bàn xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa.

Đề nghị tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp các hồ đập, nạo vét, sửa chữa các tuyến kênh, mương tưới tiêu, các trạm bơm, cống tiêu thoát lũ; đẩy nhanh thực hiện phương án nạo, vét luồng lạch vào cảng Lạch Bạng; tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án Tiêu úng Đông Sơn trên địa bàn thành phố Thanh Hóa.

3.jpg
Ghi nhận những ý kiến cử tri do UB MTTQ tỉnh Thanh Hóa gửi tới, kỳ họp sẽ nghiêm túc xem xét, đánh giá và tổ chức thực hiện cho phù hợp. (Ảnh: Anh Thắng)

Đối với lĩnh vực quản lý tài nguyên, đất đai và bảo vệ môi trường, cử tri kiến nghị UBND tỉnh sớm ban hành quy định hạn mức tách thửa đất nông nghiệp, lâm nghiệp thuộc thẩm quyền do UBND cấp tỉnh quy định tại Luật Đất đai hiện hành. Ban hành quy định hoặc văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục đấu giá đất công ích, do UBND cấp xã quản lý. Xem xét thu hồi diện tích đất nông nghiệp trong vùng lõi di sản Thành Nhà Hồ tại huyện Vĩnh Lộc; giải quyết tình trạng chồng lấn đất sản xuất của người dân với đất thuộc quản lý của Khu bảo tồn, Ban quản lý rừng phòng hộ tại các địa phương.

Đẩy nhanh việc cấp mới, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân và các hợp tác xã; chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương, rà soát và kiên quyết xử lý thu hồi các dự án đã triển khai nhiều năm nhưng doanh nghiệp chậm tiến độ kéo dài hoặc không triển khai thực hiện dự án, vi phạm quy định của Nhà nước. Chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết dứt điểm việc cấp đất ở cho 25 hộ dân, nguyên là giáo viên Trường THCS Xi măng Bỉm Sơn tại khu đồi Lu, phường Đông Sơn, được giao và thu tiền đất từ năm 1991 nhưng chưa nhận được đất.

Đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành có liên quan quy định chặt chẽ hơn việc quản lý và công bố giá của tất cả các loại vật liệu dùng cho công trình xây dựng, hiện nay có tình trạng các chủ mỏ bán cao hơn bảng giá của tỉnh quy định; đồng thời đẩy nhanh tiến độ cấp phép, nâng cao công suất khai thác, các mỏ vật liệu, để đáp ứng nhu cầu cho các dự án trên địa bàn; cấp phép khai thác các mỏ cát trên tuyến sông Luồng, huyện Quan Hóa, khai thác cát tận thu tại các sông, suối trên địa bàn xã Tam Chung, huyện Mường Lát; điều chỉnh không bổ sung mỏ đá núi Nga, xã Thanh Sơn, thị xã Nghi Sơn vào quy hoạch làm vật liệu thông thường. Xử lý nghiêm tình trạng các xe ô tô chở đất, đá quá tải trọng tái diễn trên 2 tuyến đường tỉnh 522B, 530 qua địa bàn các xã Hà Tiến, Hà Tân, huyện Hà Trung.

Đề nghị UBND tỉnh xem xét lắp đặt trạm khoan trắc, đặt tại xã Vân Am huyện Ngọc Lặc để xác định mức độ ô nhiễm của nguồn nước Sông Âm, chảy qua huyện Ngọc Lặc; chỉ đạo kiểm tra, lấy mẫu, kiểm định nguồn nước sông Yên, sông Hoàng, đánh giá nguyên nhân, có biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước, tạo điều kiện phát triển sản xuất thuỷ sản ở các xã Quảng Trung, Quảng Chính, huyện Quảng Xương. Tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác thải tại bãi rác Núi Voi, thị xã Bỉm Sơn; dự án khu liên hợp xử lý rác thải tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn.

Đối với lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác quản lý đối với việc dạy thêm, học thêm. Tiếp tục đẩy nhanh việc cấp thiết bị, đồ dùng dạy học, cho các địa phương theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; nghiên cứu tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT cho các địa phương do tăng dân số cơ học. Bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương, theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ; hỗ trợ trang thiết bị cho các trung tâm học tập cộng đồng.

Cử tri và nhân dân cũng đề nghị, sớm xem xét xếp hạng di tích đối với đền thờ Đô Đốc Đài Lương Quận Công Lê Phúc Hoạch, tại Thôn Chiềng Khạt, xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh; sớm có kế hoạch xây dựng Khu tưởng niệm Cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn; quan tâm đầu tư, nâng cấp, mở rộng Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Đồng Tâm, huyện Bá Thước; đầu tư xây dựng khu lưu niệm di tích lịch sử cách mạng Phà Ghép.

Đề nghị UBND tỉnh ban hành quy định cụ thể về định mức giao đất ở và đất sản xuất nông nghiệp cho hộ nghèo để làm cơ sở xác định hộ thiếu đất sản xuất, đất ở quy định tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Chính phủ về Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030. Xem xét ban hành cơ chế, chính sách cho người dân tộc thiểu số miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nghèo kéo dài chế độ bảo hiểm y tế miễn phí từ 3 đến 5 năm vì thực tế mức sống còn nhiều khó khăn.

Hoàng Anh Thắng