Biển Đông sắp xuất hiện bão, kết thúc đợt nắng nóng kéo dài ở Bắc Bộ
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:30, 12/07/2023
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hôm nay, 12/7 và ngày mai, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ C, có nơi trên 39 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-50%.
Bắc bộ và khu vực từ Đà Nẵng đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-55%.
Khu vực Hà Nội hôm nay (12/7) có mây, có lúc có mưa rào và giông; ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt. Gió đông nam đến nam cấp 2-3. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ cao nhất 37 độ C.
Tuy nhiên, trong giai đoạn từ 12/7-10/8, dải hội tụ nhiệt đới trên Biển Đông có xu thế hoạt động mạnh hơn, có thể gây thời tiết xấu như mưa giông, lốc xoáy, sóng lớn trên biển.
Trong khoảng ngày 15-20/7 có khả năng xuất hiện các nhiễu động trên dải hội tụ nhiệt đới và phát triển thành áp thấp nhiệt đới/bão trên Biển Đông.
Cơ quan khí tượng cũng nhận định, trong nửa cuối tháng 7 và đầu tháng 8, có khoảng 2-3 cơn áp thấp nhiệt đới/bão hoạt động trên Biển Đông.
Theo một số mô hình dự báo trên thế giới, xoáy thuận nhiệt đới có thể xuất hiện ngoài khơi Philippines trong những ngày tới, sau đó đi vào và hoạt động trên Biển Đông.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, những năm có El Nino chi phối như năm nay, bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông thường ít hơn trung bình nhiều năm.
Theo thống kê trung bình mỗi năm có 5-7 cơn bão/áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến nước ta, trung bình mỗi tháng có 0,58 cơn. Trong những năm El Nino trung bình mỗi tháng có 0,42 cơn, ít hơn trung bình nhiều năm khoảng 28%.
Tuy nhiên, trong điều kiện El Nino, bão/áp thấp nhiệt đới thường tập trung vào giữa mùa bão (tháng 7, 8, 9). Nguy cơ xuất hiện các cơn bão mạnh, dị thường, có cường độ và quỹ đạo diễn biến phức tạp.
Điển hình như năm 2009, xuất hiện cơn bão số 9 (Ketsana) đi vào địa phận các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi gây ra đợt lũ lớn, lũ lịch sử vào cuối tháng 9/2009. Đỉnh lũ năm 2009, tại các sông chính từ Quảng Bình đến Phú Yên đều vượt báo động 3. Ngập lụt nghiêm trọng từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Kon Tum.