Kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại Kon Tum

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 16:10, 12/07/2023

Trong 6 tháng đầu năm 2023, một số công trình ở Kon Tum như đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng, trụ sở làm việc, trường học bị sập tường rào, tốc mái... ước giá trị thiệt hại khoảng gần 8,4 tỷ đồng.

Ngày 12/7, Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long làm Trưởng đoàn, đã làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn năm 2023.

Tại buổi làm việc, Trưởng Đoàn công tác Phạm Đức Long ghi nhận và đánh giá cao tỉnh Kon Tum trong công tác phòng, chống thiên tai, thực hiện tốt công tác "bốn tại chỗ" khi thiên tai xảy ra.

thien-tai.png
Ảnh minh họa

Địa phương đã chủ động ứng phó, khắc phục các thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn.

Đoàn công tác đề nghị tỉnh thường xuyên diễn tập ứng cứu thiên tai, trang bị trang thiết bị trong phạm vi cho phép; chú trọng công tác tuyên truyền, truyền thông phổ biến kiến thức về thiên tai cho cán bộ và người dân.

Địa phương rà soát, cập nhật lại các kế hoạch, phương án phù hợp để ứng phó với các diễn biến thiên tai mới.

Mặc dù động đất chưa gây thiệt hại, tỉnh cần xây dựng phương án phòng ngừa từ xa, tổ chức tập huấn các kỹ năng cho các cán bộ và người dân.

Kon Tum phấn đấu mỗi hộ dân có ít nhất 1 điện thoại thông minh để nắm bắt được những thông tin cần tuyên truyền.

Các nhà mạng phải đồng hành và hỗ trợ địa phương, người dân trong việc đảm bảo thông tin liên lạc, kịp thời xử lý khi có tình huống cấp bách xảy ra.

Năm 2022, thiên tai đã làm hư hỏng, tốc mái 119 nhà; diện tích cây trồng (lúa, cao su, chanh dây, hoa màu, ngô) bị hư hại, ngã đỗ khoảng 179,56ha; một số công trình cơ sở hạ tầng như giao thông nông thôn bị sạt lở, hư hỏng, trụ sở làm việc, trường học bị sập tường rào, tốc mái, đổ gãy một số cây xanh... Ước giá trị thiệt hại khoảng là 8,389 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tình hình động đất trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum thường xuyên xảy ra; Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương, đặc biệt là huyện Kon Plông thường xuyên, theo dõi chặt chẽ tình hình dư chấn động đất; kịp thời phát hiện, thông tin và hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho nhân dân trên địa bàn.

Trong thời gian qua, các đoàn công tác của Trung ương đã khảo sát thực địa, đánh giá tại các khu vực xảy ra động đất để có những nhận định, đề ra những giải pháp và khuyến cáo cho người dân biết, ổn định tâm lý, tránh hoang mang, nhất là đối với các hộ người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai tổ chức Hội nghị tập huấn, việc thực hành nâng cao năng lực cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai cấp huyện; tập huấn, diễn tập cho lực lượng xung kích Phòng chống thiên tai cấp xã tại huyện Kon Plông.

Công ty Thủy điện Thượng Kon Tum đã hỗ trợ chi phí để lắp đặt 6 trạm quan trắc động đất để phục vụ công tác quan trắc, cảnh báo và nghiên cứu chuyên sâu của Viện Vật lý Địa cầu.

Để có cơ sở theo dõi, đánh giá chính xác tình hình động đất và dư chấn động đất trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các Bộ ngành Trung ương quan tâm tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia: “Nghiên cứu đánh giá hoạt động động đất khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận phục vụ công tác phòng tránh giảm nhẹ thiên tai do động đất gây ra”, phục vụ xác định nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp.

Đưa ra số liệu, thông tin chính thống về động đất tại huyện Kon Plông, tổ chức tuyên truyền để nhân dân biết, ổn định tâm lý, tránh hoang mang; Các cơ quan Trung ương tổ chức các Hội thảo tuyên truyền và hướng dẫn các kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra tại cấp tỉnh (cho các Sở, ngành, đơn vị liên quan) và tại cấp huyện (cho nhân dân, địa phương cấp xã).

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cũng kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, bổ sung các khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa được phổ cập dịch vụ viễn thông đến năm 2025 để tạo điều kiện giảm khoảng cách số, đem lại lợi ích về an sinh xã hội tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai báo cáo Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho địa phương để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Kon Tum và kinh phí thực hiện Chương trình đầu tư công về bố trí, sắp xếp dân cư nhằm phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai giai đoạn 2021-2025.

Hoàng Anh