Nạn phá rừng Amazon ở Brazil giảm 30% trong 6 tháng đầu năm
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 10:30, 13/07/2023
Rừng Amazon hiện chứa một lượng carbon khổng lồ được thải ra khi cây cối bị chặt phá, qua đó có nguy cơ làm ấm bầu khí quyển và làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Khu rừng nhiệt đới này được cảnh báo diện tích bao phủ đã giảm xuống 2.650 km2 (1.023 dặm vuông), từ 4.000 km2 trong cùng kỳ năm 2022 dưới thời cựu Tổng thống Jair Bolsonaro. Dữ liệu của năm nay bao gồm mức giảm 41% trong các cảnh báo cho tháng 6, đánh dấu sự bắt đầu của mùa khô khi nạn phá rừng có xu hướng tăng vọt.
Dữ liệu vệ tinh được Viện Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Brazil (Inpe) đưa ra ngày 6/7, Bộ trưởng Môi trường Marina Silva thông tin: “Chúng ta đã đạt được xu hướng giảm ổn định của nạn phá rừng Amazon”. Inpe chỉ ra rằng, tháng 6 là tháng chứng kiến tình trạng phá rừng giảm kỷ lục, thấp hơn 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
João Paulo Capobianco, Thư ký điều hành của Bộ Môi trường, lưu ý rằng kết quả cả năm sẽ phụ thuộc vào một vài tháng đầy thử thách phía trước. Tuy nhiên, dữ liệu là một dấu hiệu đáng khích lệ đối với Tổng thống Lula, người đã vận động tranh cử vào năm 2022 với cam kết kiềm chế hoạt động khai thác gỗ trái phép và khắc phục tình trạng tàn phá môi trường diễn ra trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Bolsonaro.
Tổng thống Lula da Silva nhấn mạnh rằng chính phủ nước này cam kết "xóa sổ" nạn phá rừng trái phép vào năm 2030, đồng thời cho rằng đây là một cam kết mà các quốc gia trong lưu vực Amazon có thể cùng nhau đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở thành phố Belem của Brazil.
Rừng nhiệt đới Amazon được ví là "lá phổi xanh của Trái Đất" do hấp thụ khí carbon dioxide (CO2) đang khiến Trái Đất ấm lên và nhả khí oxy cần cho sự sống. Chính vì vậy, vai trò bảo vệ rừng Amazon của các quốc gia thuộc lưu vực Amazon có ý nghĩa sống còn đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.