TP. HCM chi 8,5 tỷ đồng thuê máy vớt rác trên sông Sài Gòn

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 12:00, 16/07/2023

Hệ thống vớt rác gồm các tàu được thiết kế băng tải, gàu xúc, có người điều khiển để gom rong cỏ, lục bình. Rác sẽ được xe vận chuyển đến khu xử lý tập trung của Thành phố tại Đa Phước, huyện Bình Chánh (TP.HCM).

UBND TP HCM vừa có văn bản chấp thuận đề xuất của Sở Giao thông vận tải về phương án thuê máy vớt rác làm sạch mặt sông Sài Gòn, đoạn chảy qua khu trung tâm trong 6 tháng với kinh phí hơn 8,5 tỉ đồng. Thời gian thuê từ nay tới cuối năm với tần suất hai ngày vớt một lần, kinh phí từ vốn duy tu giao thông đường thủy.

Hệ thống vớt rác gồm các tàu được thiết kế băng tải, gàu xúc, có người điều khiển để gom rong cỏ, lục bình đưa lên sà lan, sau đó kéo về tập kết tạm ở khu vực đường Phạm Thế Hiển, Quận 8. Rác sẽ được xe vận chuyển đến khu xử lý tập trung của Thành phố tại Đa Phước, huyện Bình Chánh.

vot-rac.jpg
Hệ thống máy vớt, thu gom rác từng được thử nghiệm trên sông Vàm Thuật nhận nhiều phản hồi tích cực của người dân

Sở GTVT TP.HCM dự kiến mỗi ca làm việc trong 7 giờ, hệ thống trên sẽ vớt được 20 - 30 tấn rác. Trong 6 tháng, tổng khối lượng rác được thu gom ước tính khoảng 1.800 tấn. Ngoài thu gom, xung quanh các cầu tàu ở bến Bạch Đằng, Quận 1 sẽ được quây lại bằng các dây phao nổi nhằm ngăn rác, lục bình dạt vào khu vực này.

Sông Sài Gòn đoạn từ ngã ba kênh Tẻ đến cầu Sài Gòn được xem là "mặt tiền" ở trung tâm TP.HCM. Quanh khúc sông có nhiều địa danh nổi tiếng như: Bảo tàng Lịch sử Hồ Chí Minh, bến Nhà Rồng, cột cờ Thủ Ngữ, công viên bến Bạch Đằng, cầu Ba Son... Ven sông hiện có nhiều lục bình, rác dồn về từ các nhánh sông, rạch khác.

Trước đó, hồi tháng 10/2020, hệ thống vớt rác theo mô hình mới thử nghiệm trên kênh Vàm Thuật - Bến Cát (quận Gò Vấp) được đánh giá hiệu quả hơn các hình thức thủ công, giúp giảm sức người và khối lượng rác gom nhiều hơn. Hệ thống này sau đó được nhân rộng trên kênh Vàm Thuật - Trường Đai - Tham Lương.

Nguyên Lâm