Đề xuất điều chỉnh quy mô nguồn điện sinh khối và điện rác của TP.HCM

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 08:30, 20/07/2023

Với hiện trạng khối lượng rác đang có dấu hiệu gia tăng trở lại, TP.HCM đã xin Trung ương tăng quy mô đốt rác phát điện.

Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM, trước đó, ngày 12/7, Bộ Công Thương có Tờ trình về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030. Theo đó, tờ trình này chỉ thể hiện quy mô nguồn điện sinh khối và điện rác của TP.HCM được ước tính chỉ là 19MW.

Trong khi đó, hiện nay, trên địa bàn TP.HCM đang có 5 đơn vị xử lý đã ký hợp đồng cung ứng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt với thành phố, bao gồm Công ty cổ phần Vietstar, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), Công ty cổ phần Tasco và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã có quá trình làm việc và đề nghị các đơn vị xử lý tiến hành chuyển đổi công nghệ theo hướng áp dụng công nghệ hiện đại, có thu hồi năng lượng. Ngoài ra, hiện nay, TP.HCM đang kêu gọi đầu tư dự án xử lý chất thải rác sinh hoạt mới theo phương thức đối tác công - tư (Dự án PPP). Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã báo cáo cụ thể về tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác bằng công nghệ hiện đại, có thu hồi năng lượng.

Ngoài ra TP cũng đang kêu gọi đầu tư dự án xử lý rác dùng công nghệ đốt rác phát điện theo phương thức đối tác công tư (dự án PPP).

dien-rac.jpg
Ảnh minh họa.

Với hiện trạng khối lượng rác đang có dấu hiệu gia tăng trở lại sau khi TP trải qua giai đoạn phục hồi sau dịch COVID-19, Sở Tài nguyên và Môi trường ước tính quy mô nguồn điện từ đốt rác phát điện phát sinh thêm ngoài quy hoạch đã duyệt đến năm 2030 vào khoảng 100MW.

Do đó, tổng quy mô công suất phát điện từ đốt rác phát điện sẽ khoảng 340MW. Tương ứng với việc TP phải xử lý khoảng 15.000 tấn rác/ngày. Nhưng quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (hay còn gọi là Quy hoạch điện VIII) chỉ tính TP phát sinh thêm 19MW đến năm 2030.

Nguyên nhân do số liệu mà Sở Công Thương cung cấp cho Bộ Công Thương chưa được cập nhật vào Quy hoạch điện VIII.

Do đó sở này kiến nghị UBND TP.HCM có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị điều chỉnh quy mô nguồn điện sinh khối và điện rác của TP.HCM để đảm bảo cơ sở pháp lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác phát điện đúng tiến độ.

Nguyên Lâm