Đầm Hà (Quảng Ninh): Quyết liệt ngăn chặn khai thác thủy sản tận diệt
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 23:56, 05/12/2017
(Moitruong.net.vn) – Theo thông tin trên báo Quảng Ninh, là địa phương có điều kiện để phát triển kinh tế biển, tuy nhiên cũng thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác thủy sản trái phép, nhất là khai thác thủy sản tận diệt. Theo đó,để đảm bảo nguồn lợi thủy sản và an ninh trên biển, huyện Đầm Hà quyết liệt ngăn chặn khai thác thủy sản tận diệt.
Đầm Hà (Quảng Ninh): Quyết liệt ngăn chặn khai thác thủy sản tận diệt
Với chiều dài bờ biển 21km, diện tích mặt biển 12.000ha, 2.902,7ha rừng ngập mặn/5.500ha bãi triều, 22 hòn đảo lớn nhỏ tạo thành những vùng, vịnh khép kín, huyện Đầm Hà có điều kiện thuận lợi để phát triển khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và du lịch sinh thái.
Kinh tế thủy sản nói chung, khai thác thủy sản nói riêng đang là ngành kinh tế mũi nhọn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện. Hiện trên địa bàn huyện có 374 tàu thuyền đánh bắt, khai thác thủy sản, tổng công suất 7.326CV; tổng sản lượng khai thác 10 tháng năm 2017 đạt 2.911 tấn, vượt 16,44% kế hoạch năm, tăng 7,15% so cùng kỳ năm 2016. Nghề khai thác thủy sản đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo cho ngư dân, phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Tuy nhiên, thời gian qua đây cũng là vùng biển có không ít ngư dân sử dụng ngư cụ và hình thức cấm để khai thác, làm cạn kiệt, hủy diệt nguồn lợi thủy sản, phá vỡ môi trường sinh thái biển. Để ngăn chặn tình trạng này, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, huyện đã chỉ đạo quyết liệt lực lượng chức năng, các địa phương, tích cực ra quân, phối hợp tuần tra kiểm soát, ngăn chặn, kiên quyết xử lý vi phạm trong khai thác thuỷ sản. Kết quả, 11 tháng năm 2017, các ngành chức năng trên địa bàn huyện đã bắt giữ, xử lý 63 trường hợp vi phạm khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; xử phạt hành chính gần 150 triệu đồng; thu giữ, tiêu hủy hàng trăm mét dây điện, dây lặn, ống hơi, 6 xung kích điện, 3 bộ ắc quy, 2 kính lặn theo quy định của pháp luật…
Mới đây nhất (tháng 11/2017), đoàn liên ngành của huyện đã tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm trong khai thác, nuôi trồng thủy sản trên biển đợt 2-2017. Qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý 2 phương tiện sử dụng kích điện để khai thác thủy sản, không có giấy tờ liên quan đến hành nghề khai thác trên biển; nhắc nhở 10 trường hợp tàu, thuyền phải trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn hàng hải, định kỳ gia hạn đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản theo quy định hiện hành; nhắc nhở các chủ lồng bè phải kịp thời sửa chữa, gia cố để đảm bảo an toàn khi nuôi thả và hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra khi mưa bão. Đặc biệt, tại khu Chương Cả (xã Đại Bình) và khu Cồn Giữa (xã Tân Bình) còn 4 điểm sử dụng hình thức đăng đáy, xăm bãi để khai thác, gây ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi thủy sản.
Trước đó, khoảng 16h ngày 18/10, tại khu vực biển Cửa Mô (xã Tân Lập), Trạm Kiểm soát biên phòng Đầm Hà đã phát hiện, bắt giữ 1 tàu cá vỏ gỗ, công suất 40CV của Lê Công Thành (SN 1987, trú phường Hùng Thắng, TP Hạ Long); thu giữ 1 bộ càng te, 1 kích điện, dây điện, lưới dùng để khai thác thủy sản tận diệt. Khoảng 21h ngày 16/10, tại khu vực Hòn Mài (xã Đầm Hà) Tổ Cảnh sát đường thủy Công an huyện đã bắt giữ tàu cá của Dương Văn Phương (trú khu 2, phường Tân An, TX Quảng Yên), không có đăng ký, đăng kiểm; thu giữ 1 bộ càng te, 1 xung kích điện, dây điện, lưới dùng để khai thác thủy sản tận diệt…
Triển khai Kế hoạch thực hiện công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, phát triển kinh tế thuỷ sản huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, huyện tăng cường công tác quản lý tàu cá và ngư dân hoạt động trên các vùng biển nhằm bảo vệ, phát triển nguồn lực thuỷ sản một cách bền vững; đẩy mạnh tuyên truyền tới các tổ chức, cá nhân khai thác, nuôi trồng và dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, đặc biệt là 5 xã ven biển, về Chỉ thị số 18-CT/TU của BTV Tỉnh ủy (ngày 1/9/2017) và các quy định pháp luật khác liên quan đến công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn. Huyện thành lập mạng lưới cộng tác viên bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách kinh tế làm Tổ trưởng; các chi hội bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các xã ven biển với 6 hội viên/xã; các tổ nhân dân tự quản ANTT trên biển…
Gia Hân (t/h)