76 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ: Thành kính tri ân những thế hệ anh hùng
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 09:40, 27/07/2023
Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2023), ngày mà cả dân tộc thành kính tri ân những anh hùng, chiến sĩ đã hy sinh quên mình vì độc lập tự do, vì vẹn toàn núi sông và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Cách đây 76 năm đã diễn ra cuộc mít tinh trọng thể tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, nay là thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Khoảng 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp nhân dân đã nghe công bố Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh - bức thư đầu tiên Bác Hồ gửi cho các thương binh, bệnh binh...
Kể từ đó, ngày 27 tháng 7 hằng năm - được lấy làm Ngày Thương binh Liệt sĩ. Ngày mà toàn Đảng, toàn dân toàn quân ta tri ân, tưởng nhớ các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, các thế hệ những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh.
Ngày 27 tháng 7 cũng là dịp để nhìn lại và trân trọng hơn bao giờ hết giá trị của hòa bình, của thống nhất non sông.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt đối với thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và gia đình có công với Tổ quốc. Vào dịp 27/7, Người đều gửi thư, quà thăm hỏi thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và căn dặn “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Thực hiện lời dạy của Người, với truyền thống và đạo lý của dân tộc, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi người có công và phát động sâu rộng trong cả nước phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Những việc làm thiết thực, những hoạt động hiệu quả, những tình cảm tri ân đã thể hiện rõ ý Đảng lòng dân, phần nào xoa dịu nỗi đau mất mát, giúp các gia đình liệt sĩ, thương binh vượt qua đau thương, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội”. Do đó, để thực hiện các chính sách xã hội nói chung và thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng nói riêng đạt hiệu quả cao thì cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung vào những công việc sau:
- Các cấp, các ngành cần chỉ đạo thực hiện tốt chủ trương, chính sách ưu đãi khác về kinh tế - xã hội với người có công, đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho người có công và con em của họ; giúp đỡ thiết thực về vật chất và tinh thần đối với các đối tượng chính sách, nhất là đối tượng còn nhiều khó khăn để phấn đấu đạt 100% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch mọi chính sách đối với người có công.
- Làm tốt công tác tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sỹ và công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xác định danh tính liệt sỹ, thông báo và tạo điều kiện cho các gia đình người thân đến thăm viếng. Tiến hành sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, phát hiện, nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong công tác thương binh, liệt sỹ và người có công; qua đó thúc đẩy phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc người có công với nước” phát triển rộng khắp, đi vào chiều sâu và đem lại hiệu quả thiết thực; đồng thời biểu dương những tấm gương thương binh, bệnh binh và người có công tiêu biểu.
- Đẩy mạnh và thực hiện tốt việc lập, xét duyệt hồ sơ thường xuyên; tập trung giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng, nhất là những hồ sơ được xác lập trong những giai đoạn trước đây nhưng chưa được xem xét giải quyết do chưa đảm bảo thủ tục, coi đây là nhiệm vụ quan trọng.
- Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước với phương châm “Nhà nước, Nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu”.
- Đẩy mạnh tuyên truyền truyền thống yêu nước và đạo nghĩa “Uống nước nhớ nguồn” trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ, làm cho mọi người nhận thức sâu sắc và trân trọng tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ và những người có công với nước; biến nhận thức và tình cảm tốt đẹp đó thành hành động thiết thực góp phần thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Đúng vào dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Với Nghị định 55/NĐ-CP, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng, làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.
Chỉ tính trong giai đoạn 2012-2022, ngân sách nhà nước đã dành hơn 357 nghìn tỷ đồng để thực hiện chế độ đối với người có công và thân nhân, gia đình người có công; cả nước đã vận động được trên 13.000 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công xây dựng mới trên 84.000 căn nhà và sửa chữa trên 69.000 căn nhà tình nghĩa; tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn; 2.998 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức, đoàn thể nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.
Có thể nói, sự cống hiến, hy sinh của những người có công với cách mạng cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà còn cho muôn đời sau. Việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Làm tốt công tác đối với thương binh, liệt sỹ và Người có công với cách mạng thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta, củng cố niềm tin của nhân dân ta vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, làm cơ sở giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa.