Đà Nẵng đắp đập tạm, điều tiết nước chống hạn, nhiễm mặn
Nước và cuộc sống - Ngày đăng : 18:00, 27/07/2023
Do thời tiết nắng nóng kéo dài dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nước bổ sung cho các sông, hồ và nước mặn đang xâm nhập sâu vào nguồn nước sông, trong đó sông Cẩm Lệ tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ cũng nhiễm mặn nặng trở lại kể từ ngày 10/7.
Trước tình trạng trên, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng đã đắp một tuyến đập tạm ngăn mặn ở hạ lưu tuyến kênh thoát lũ này nhằm tận dụng nước mưa trên lưu vực rộng lớn từ hồ Hòa Trung đổ về để cấp nước tưới cho diện tích lúa hè thu ở thôn Quan Nam 4, xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang). Tuyến đập tạm dài 60m, rộng hơn 2m, được đắp bằng đất có cao trình thấp nhằm bảo đảm thoát lũ khi xảy ra mưa lớn. Ở đoạn giữa đập dài khoảng 2m chỉ được đắp đá hộc để làm tràn cho nước từ thượng lưu chảy ra sông Cu Đê nhằm bảo đảm môi trường và duy trì mực nước thấp tại thượng lưu.
Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng Lê Văn Sâm cho biết, dù mực nước kênh thoát lũ Hòa Liên được duy trì thấp như vậy nhưng vẫn bảo đảm cho trạm bơm ở ngay thượng lưu đập tạm hoạt động bình thường để cấp nước tưới cho lúa vụ hè thu. Thời điểm tháng 5 và 6, những trận mưa lớn đã bổ sung nước cho các hồ chứa trên địa bàn huyện Hòa Vang nên vẫn bảo đảm nước tưới đến nay. Tuy nhiên, do trời nắng nóng kéo dài, không có mưa bổ sung nước cho các hồ chứa. Dự kiến từ ngày 20 đến 25-7, công ty sẽ lắp đặt các trạm bơm chống hạn để bảo đảm cấp nước tưới cho các diện tích lúa vụ hè thu trên địa bàn thành phố. Đối với các khu tưới do các trạm thủy nông Bích Bắc (thượng lưu đập dâng Hà Thanh), An Trạch (thượng lưu đập dâng An Trạch), Túy Loan (sông Túy Loan), công ty sẽ vận hành thêm giờ, nối dài ống hút để bảo đảm nguồn nước tưới trong trường hợp mực nước sông Yên, Túy Loan hạ thấp và lắp đặt thêm các tuyến đập tạm ngăn các kênh tiêu, lắp đặt thêm các máy bơm chống hạn...
Nhằm đẩy mặn, giảm mặn cho sông Cẩm Lệ tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ, ngăn không cho mặn xâm nhập lên thượng lưu và sông Túy Loan cũng như bảo đảm mực nước tại hệ thống đập dâng An Trạch cho các trạm thủy nông, trạm bơm phòng mặn hoạt động bình thường, việc điều tiết nước từ các hồ thủy điện trên thượng nguồn về hạ du sông Vu Gia có vai trò rất quan trọng. Hiện nay, mực nước trong các hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Sông Bung 2 và Đak Mi 4 đều cao hơn mực nước tối thiểu theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, thuận lợi cho các công ty thủy điện vận hành bảo đảm cấp điện và nước cho hạ du theo quy định.
Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung Lê Đình Bản nhìn nhận, lượng mưa và lưu lượng nước về hồ thủy điện Sông Bung 2 và Sông Bung 4 trong mùa cạn năm nay thấp hơn năm 2022 rất nhiều. Nhưng mực nước trong 2 hồ đang cao hơn mực nước tối thiểu theo quy định và trữ lượng nước nhiều hơn thời điểm này của năm 2022 đến 32 triệu m3 nước. Dù độ mặn của sông Cẩm Lệ tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ có tăng lên, nhưng với tình hình nguồn nước trong 2 hồ thủy điện như vậy, Công ty Thủy điện Sông Bung sẽ vận hành tương đối bảo đảm cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp ở hạ du thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam từ nay đến cuối tháng 8 và đầu tháng 9-2023.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đak Mi Nguyễn Thanh Bình cho biết, do 2 cống xả sâu trên thân đập Đak Mi 4A ở cao trình 231m, thấp hơn mực nước chết của hồ là 240m nên công ty sẽ bảo đảm vận hành xả nước qua cống xả sâu về sông Vu Gia theo quy trình vận hành liên hồ. Trong trường hợp xảy ra hạn hán, nhiễm mặn, thiếu nước nghiêm trọng mà thành phố Đà Nẵng có yêu cầu công ty xả thêm nước thì công ty cũng sẽ điều tiết nước bảo đảm nhu cầu.