Báo chí là công cụ hiệu quả nhất để nâng cao nhận thức người dân
Emagazines - Ngày đăng : 16:59, 01/08/2023
PV: Nền công nghiệp báo chí thế giới đang thay đổi mạnh mẽ, trong xu thế chuyển đổi số không thể đảo ngược, độc giả, khán thính giả của báo chí đang ở đâu và vai trò của các cơ quan báo chí trong tương lai sẽ như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Quốc Minh: Trước đây chúng ta cũng thấy rằng, độc giả, khán thính giả khi muốn biết thông tin sẽ tìm đến với báo chí. Thậm chí, với họ những thông tin đăng tải trên báo chí là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, của Internet, của truyền thông xã hội thì những tư duy này đang thay đổi rất nhiều.
Những khảo sát gần đây cho thấy, tỉ lệ khá lớn người dân có quan điểm rằng để tìm kiếm thông tin họ có thể lên mạng xã hội. Tuy nhiên, có rất nhiều thông tin trên mạng xã hội mà người dùng tham khảo thực ra là đến từ báo chí. Vì vậy, việc đóng góp của báo chí để có nội dung xác thực là vô cùng quan trọng.
Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí không cạnh tranh nổi với sức mạnh của công nghệ, thậm chí là phải đóng cửa khi hoạt động không hiệu quả. Vậy nên, hơn lúc nào hết ngay bây giờ báo chí phải thể hiện vai trò, vị trí của mình trong việc định hướng thông tin một cách chuẩn xác.
Khoảng từ năm 2015 - 2016, khi thế giới bắt đầu xuất hiện đại dịch về tin giả thì chúng ta đã thấy rõ sự hoành hành của tin giả. Và đặc biệt trong giai đoạn xảy ra đại dịch Covid-19 thì thuyết âm mưu, nội dung tin xấu độc, tin giả, thông tin bôi nhọ chính quyền hay đi ngược lại cách thức chữa trị hiệu quả, kêu gọi người dùng đi theo cách làm, cách phòng chống không có cơ sở khoa học đã làm rối loạn thông tin. Lúc này, yếu tố định hướng của cơ quan báo chí là vô cùng quan trọng.
Với hoạt động báo chí hiện nay, các cơ quan báo chí phải thể hiện rõ sự chuyên nghiệp để tạo ra điểm khác với mạng xã hội. Đừng nghĩ rằng ai cầm điện thoại cũng có thể chụp ra những bức hình đẹp, những thước phim hay. Đừng nghĩ rằng một nhà báo có thể làm đủ mọi loại hình, đủ mọi cách thức, đủ mọi phương tiện. Bởi trong số hàng trăm hàng nghìn người may ra có một người có khả năng sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ để có thể vừa viết hay, vừa chụp ảnh đẹp, vừa dựng bài tốt. Vậy nên, đây chính là lúc mà báo chí càng phải chuyên nghiệp, càng phải tốt, càng được cân bằng, càng được công bằng sẽ tạo ra sự khác biệt đối với các bài viết của Facebooker, cá nhân đăng trên mạng xã hội. Yếu tố chuyên nghiệp chính là yếu tố giúp cho báo chí mặc dù bị co hẹp nhưng vẫn có thể cạnh tranh với những thách thức bên ngoài.
Ngoài ra, báo chí cũng phải biết chọn nội dung đăng tải. Đôi khi các cơ quan báo chí phải cạnh tranh lượt truy cập với nhau, với mạng xã hội nên cũng đã lao theo những nội dung câu view nhưng chưa phản ánh đủ, đôi khi có những nội dung khá nhảm nhí, không xứng đáng được xuất hiện trên những tờ báo trang trọng. Vì vậy, báo chí cần phải biết lựa chọn nội dung và có tư tưởng vững vàng. Báo chí cần quay lại theo đúng sứ mệnh, những định hướng cốt lõi với nhiệm vụ của “người gác cổng”.
PV: Trong bối cảnh đó, Báo chí Cách mạng Việt Nam đứng trước nhiều thách thức. Theo ông, báo chí Việt Nam cần đổi mới như thế nào để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới?.
Ông Lê Quốc Minh: Báo chí Cách mạng Việt Nam có một sứ mệnh rất quan trọng đó là tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Trước đây, khi báo chí còn ở cấp độ phát triển chưa cao như hiện nay thì những nội dung tuyên truyền có thể khá giản đơn và vẫn được người dùng tiếp nhận. Nhưng hiện nay, khi người dùng có thể tiếp nhận thông tin bằng nhiều nguồn khác nhau, nhiều ngôn ngữ khác nhau thì nội dung tuyên truyền của báo chí Việt Nam cần phải thực sự hấp dẫn và đi theo hướng truyền thông.
Trong công tác truyền thông thông tin báo chí có một nhiệm vụ quan trọng đó là ngoài việc đưa những thông tin hữu ích thì chúng ta cần có tính định hướng và tính giáo dục.
Theo thống kê, trong số 25 cơ quan báo chí có lượng truy cập nhiều nhất thì duy nhất có Buzzfeed là lọt vào và đứng vị trí thứ 25. Như vậy có nghĩa là, với những tờ báo lâu năm sau một thời kỳ khó khăn để xoay chuyển từ báo in sang các nền tảng khác thì họ đã làm tốt hơn, giữ được độc giả của mình và điều quan trọng là họ đã đa dạng hóa hoạt động của mình. Trong khi đó, các cơ quan báo chí chỉ hoạt động trên nền tảng Digital rất khó tạo nên nguồn thu đủ mạnh, đủ lớn để nuôi dưỡng tờ báo đó mặc dù làm ra những nội dung rất tốt. Qua đó cho thấy, nếu các cơ quan báo chí in hay phát thanh truyền hình với rất nhiều kinh nghiệm phát triển nếu đa dạng hóa các hoạt động của mình, chuyển đổi số một cách hiệu quả và có những mô hình kinh doanh hiệu quả hấp dẫn bổ trợ được cho nhau thì vẫn duy trì và hoạt động tốt.
PV: Thực tiễn cho thấy, kinh tế báo chí vẫn đang là bài toán chưa có lời giải hiệu quả đối với đa số các cơ quan báo chí. Nguồn thu của các cơ quan báo chí đang ngày càng bị thu hẹp do số lượng phát hành giảm, quảng cáo cũng ngày càng hạn chế. Trước thực trạng đó, Hội Nhà báo Việt Nam có hướng đi mới nào để giúp cơ quan báo chí sớm khắc phục những khó khăn này và đưa báo chí Việt Nam tiếp tục phát triển không, thưa ông?
Ông Lê Quốc Minh: Báo chí thế giới hay báo chí Việt Nam vốn chỉ dựa vào quảng cáo, trong suốt một thời gian dài thì quảng cáo chiếm 89-90% doanh thu của một tờ báo. Doanh thu phát hành cơ bản chưa chắc đã đủ bù chi phí sản xuất nên chi phí quảng cáo rất quan trọng. Nhưng trong quá trình phát triển vừa qua, chúng ta thấy việc chỉ phụ thuộc vào quảng cáo là con đường rất rủi ro cho cơ quan báo chí. Một mặt do tình hình kinh tế khó khăn hiện nay khiến nguồn chi phí quảng cáo từ các doanh nghiệp sụt giảm rất nhiều. Mặt khác, sự cạnh tranh giữa các hình thức, các game online, game truyền hình không phải từ các cơ quan báo chí mà từ các mạng xã hội đã lấy đi nguồn thu quảng cáo rất lớn.
Theo như thống kê gần đây, tổng số chi phí quảng cáo trên mọi hình thức trên toàn cầu, riêng Google và Facebook đã chiếm 50%. Nếu tính trên nền tảng Digital, Google và Facebook có thể hưởng đến khoảng 70-75%. Như vậy, nguồn thu còn lại trên báo là vô cùng nhỏ. Để được có nguồn thu quảng cáo trên Digital thì cần có lượng truy cập. Muốn có lượng truy cập, nhiều cơ quan báo chí lại phụ thuộc vào mạng xã hội. Chính vì vậy, chúng ta đang có những hướng đi rất luẩn quẩn.
Trong thời gian sắp tới, khi trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ, các công cụ trí tuệ nhân tạo như Chat GPT sẽ làm thay đổi hoàn toàn cuộc chơi. Khi chúng ta tìm kiếm nội dung trên máy tìm kiếm thay vì trả lại các đường link đến các cơ quan báo chí, rất nhiều khả năng là trí tuệ nhân tạo đã tổng hợp ra được câu trả lời, do đó người dùng có thể sẽ không đến với báo chí. Nguy cơ sẽ còn mất khoảng 40-50% lượng truy cập như hiện nay. Do đó, không thể dựa vào quảng cáo, không thể dựa vào lượng truy cập hay máy tìm kiếm và mạng xã hội. Vì vậy, những năm qua các cơ quan báo chí trên thế giới đã áp dụng rất nhiều mô hình kinh doanh khác nhau. Họ đã chứng minh rằng, nguồn thu từ độc giả mới là nguồn thu bền vững. Xu hướng tạo nguồn thu từ độc giả đang là xu hướng rất lớn trên thế giới. Vào khoảng những năm 2016, nguồn thu từ độc giả đã ngang bằng nguồn thu từ quảng cáo.
Tuy nhiên, ở Việt Nam đa phần các cơ quan báo chí chưa thử đi theo hướng này mà vẫn phụ thuộc vào quảng cáo. Hậu quả như chúng ta thấy, sau đại dịch Covid-19, khi kinh tế khó đi, không kịp xoay chuyển sang hướng mới đã khiến nhiều cơ quan báo chí của Việt Nam trở nên khó khăn. Trong rất nhiều hội nghị, hội thảo do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, chúng tôi đã khuyến nghị các cơ quan báo chí phải đa dạng hóa nguồn thu. Cũng theo định hướng của các nhà nghiên cứu trên thế giới thì mỗi cơ quan báo chí phải áp dụng ít nhất là 3 đến 4 hình thức tạo nguồn thu khác nhau thì mới có thể phát triển bền vững.
Ở Việt Nam hiện nay, có nhiều tờ báo đã tổ chức các sự kiện, tọa đàm trực tuyến, diễn đàn đã tạo được những nguồn thu nhất định. Chính vì vậy, chúng tôi khuyến khích lãnh đạo của các cơ quan báo chí cần năng động hơn, mạnh dạn hơn để đa dạng hóa nguồn thu của mình.
PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của hệ thống báo chí trong lĩnh vực môi trường nói chung và Tạp chí Môi trường và Cuộc sống nói riêng trong nền Báo chí Cách mạng Việt Nam?.
Ông Lê Quốc Minh: Môi trường càng ngày càng trở nên quan trọng và liên quan đến mọi lĩnh vực từ đầu tư, kinh doanh sản xuất, vận hành các cơ sở thậm chí trong gia đình, lĩnh vực nào cũng liên quan đến môi trường. Một sai phạm về môi trường có tác động vô cùng nghiêm trọng và lâu dài. Một thiếu sót về môi trường có thể khiến cho một nhà đầu tư làm hỏng cả một dự án không được cấp phép. Một nhà hàng, một khách sạn nếu không đảm bảo về môi trường rất có khả năng sẽ bị xử phạt hay mỗi gia đình cũng được yêu cầu về phân loại rác thải. Chính vì vậy, câu chuyện môi trường đi vào đời sống từ vấn đề vĩ mô cho đến vi mô, từ những vấn đề mang tính chất quốc gia, địa phương, doanh nghiệp cho đến từng cá nhân mỗi người. Việc nâng cao ý thức của người dân về vấn đề môi trường ở các cấp độ khác nhau là cần thiết và báo chí chính là công cụ hiệu quả nhất để nâng cao nhận thức của người dân.
Người dân phải biết hành xử thế nào cho đúng, nếu hành xử không đúng sẽ bị xử lý như thế nào. Để nâng cao được nhận thức như vậy, bên cạnh những cách thức trên các kênh chính thống của Bộ ngành thì vai trò của báo chí là không thể nào thay thế và vô cùng to lớn.
Chúng ta đã có rất nhiều tờ báo mở hẳn một chuyên mục về môi trường để tuyên truyền quảng bá và đặc biệt có những tờ báo, tạp chí, những chương trình truyền hình chuyên sâu về môi trường. Chính vì vậy, những ấn phẩm như Tạp chí Môi trường và Cuộc sống chắc chắn cần phải thể hiện chức năng nhiệm vụ chuyên sâu về môi trường cao hơn nữa. Những nỗ lực của hệ thống báo chí nói chung và của Tạp chí Môi trường và Cuộc sống nói riêng trong vấn đề môi trường là rất đáng ghi nhận.
Thách thức và nhiệm vụ trước mắt của báo chí Việt Nam nói chung cũng như các tờ báo, chương trình phát thanh truyền hình về môi trường hay cụ thể là Tạp chí Môi trường và Cuộc sống là rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực nghiên cứu chuyên sâu, chuyên biệt, lý giải rõ ràng những vấn đề môi trường bằng những cách thức dễ hiểu, ngắn gọn đối với mỗi người dùng trên nền tảng báo in, phát thanh truyền hình hay nền tảng mạng xã hội.
PV: Dưới góc nhìn là Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ông có gợi mở với Tạp chí Môi trường và Cuộc sống hướng phát triển để bắt kịp xu thế?
Ông Lê Quốc Minh: Hiện nay trong sự phát triển của báo chí nói chung thì các chuyên gia đã chỉ ra rằng để tồn tại thì cơ quan báo chí hoặc là phải thật lớn hoặc là đi theo thị trường ngách.
Việc Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đi theo thị trường ngách là con đường phát triển đúng đắn. Thị trường ngách đã được thể hiện rất rõ qua tên gọi của Tạp chí là những vấn đề môi trường và liên quan đến cuộc sống. Vì vậy, Tạp chí cần tiếp tục hướng đi chuyên sâu về lĩnh vực môi trường càng phát huy được thế mạnh của riêng mình.
Hãy để độc giả khi quan tâm về vấn đề môi trường, họ sẽ tìm đến Môi trường và Cuộc sống. Ngoài ra, Tạp chí cần có những chiến lược nội dung để tạo sự khác biệt với các tờ tạp chí khác, ngay cả với những tờ tạp chí cũng có tên về Môi trường. Càng kiên định với thị trường ngách với những chiến lược nội dung phù hợp và đa dạng hóa nguồn thu thì chúng tôi tin tưởng đây là cách làm đúng đắn và giúp cho Tạp chí phát triển bền vững.
Chúng tôi mong muốn tập thể lãnh đạo, cán bộ phóng viên, biên tập viên của Tạp chí giữ vững được đúng tôn chỉ, mục đích của Tạp chí, đăng tải nhiều thông tin đa dạng, đa chiều về môi trường và những tác động của môi trường đối với cuộc sống để mang lại những định hướng rõ ràng cho cả cơ quan quản lý cũng như độc giả, khán thính giả của Tạp chí.
Một điều nữa tôi cần nhấn mạnh đó là, khi các phóng viên, biên tập viên của Tạp chí hoạt động một cách hiện đại và chuyên nghiệp thì chúng ta mới tạo sự khác biệt với những ấn phẩm khác và mạng xã hội. Cùng với đó, Tạp chí cần hướng đến tính Nhân văn - một yếu tố mà Hội Nhà báo Việt Nam đã nhấn mạnh trong nhiệm kỳ này. Nếu bám theo những định hướng về Hiện đại - Chuyên nghiệp - Nhân văn thì Tạp chí Môi trường và Cuộc sống sẽ còn tiến xa hơn nữa và ghi dấu ấn quan trọng trong lòng bạn đọc.
Nhân kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, tôi xin gửi tới Ban Biên tập, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên của Tạp chí lời chúc mừng tốt đẹp nhất; mong các đồng chí tiếp tục phát huy truyền thống, ngày càng phát triển hơn nữa.
PV: Xin trân trọng cám ơn ông!