Thanh Hóa: Năng lượng xanh và mục tiêu Net Zero Vào năm 2050
Kinh tế - Ngày đăng : 11:30, 02/08/2023
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Kế hoạch Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon (CO2) và khí metan (CH4) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Cụ thể giai đoạn đến năm 2030, thực hiện nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải. Sẵn sàng về mặt công nghệ, nguồn lực nhằm thực hiện mức cam kết trong đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và mục tiêu giảm phát thải khí metan của Việt Nam.
Phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến Net Zero vào năm 2050.
Lộ trình đến Net Zero
Về đường bộ: Giai đoạn 2022-2030, thúc đẩy chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện, mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; Khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí xanh.
Đến năm 2040, từng bước hạn chế, tiến tới dừng sử dụng xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy dùng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trên địa bàn tỉnh.
Đến năm 2050, có 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh, toàn bộ các bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh; Chuyển đổi toàn bộ máy móc, trang thiết bị xếp, dỡ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh; Hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn tỉnh đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Về đường thủy nội địa: Giai đoạn 2022-2030, khuyến khích đầu tư đóng mới, nhập khẩu, chuyển đổi phương tiện thủy nội địa sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh; Áp dụng tiêu chí cảng xanh, tuyến vận tải xanh làm cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư mới cảng thủy nội địa xanh trên địa bàn tỉnh, thí điểm tại một số cảng thủy nội địa, nghiên cứu đưa một số tuyến vận tải thủy trở thành tuyến vận tải xanh.
Giai đoạn 2031 - 2050, tiếp tục khuyến khích đầu tư đóng mới, nhập khẩu, chuyển đổi phương tiện thủy nội địa sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh; Khuyến khích hoạt động đầu tư mới cảng thủy nội địa theo hướng phát triển xanh.
Đến 2040, có 100% phương tiện thủy nội địa đóng mới sử dụng điện, năng lượng xanh; 100% cảng thủy nội địa xây dựng mới áp dụng tiêu chí cảng xanh; Khuyến khích cảng, bến thủy nội địa đang hoạt động chuyển dịch áp dụng tiêu chí cảng xanh. Đến năm 2050, có 100% phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh; 100% trang thiết bị tại các cảng, bến thủy nội địa chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Về hàng hải: Khuyến khích chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp tương đương tại các cảng đầu tư mới. Từ năm 2031, đầu tư phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp tương đương tại các cảng đầu tư mới, đầu tư bổ sung. Từ năm 2040, thực hiện chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị tại các cảng hiện hữu, các thiết bị báo hiệu hàng hải sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp tương đương.
Đối với giao thông đô thị: Từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; Phấn đấu đưa tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng đạt 5%. Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, có 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh; Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng đạt 10%.
Cần sự đồng hành
Trong hành trình này, sự chung tay phối hợp giữa các cơ quan ban ngành, các doanh nghiệp và người dân là vô cùng cấp thiết. Đã đến lúc Thanh Hóa cần ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua mối liên kết đối tác công - tư chặt chẽ để hướng tới mục tiêu Net Zero.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Giao thông vận tải tham mưu, báo cáo các cấp có thẩm quyền đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo đồng bộ theo quy hoạch đã được phê duyệt; Ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến đường kết nối với tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Cảng biển Nghi Sơn, Cảng hàng không Thọ Xuân và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh… phát triển hạ tầng giao thông công cộng.
Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa làm đầu mối đề xuất các giải pháp nhằm tổ chức vận tải trên địa bàn tỉnh đảm bảo phát triển hợp lý các phương thức vận tải; Thúc đẩy phát triển vận tải hàng hoá bằng đường sắt, đường thủy, vận tải ven biển nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ; Tăng cường kết nối các phương thức vận tải kết hợp dịch vụ logistics chất lượng cao.
Thanh Hóa chú trọng tuyên truyền, phổ biến đến người dân, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp về lộ trình, chính sách, lợi ích của chuyển đổi phương tiện, thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh, hạ tầng giao thông xanh trong giao thông vận tải theo lộ trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan.
Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa có phương án hướng dẫn áp dụng giới hạn định mức tiêu thụ nhiên liệu đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo lộ trình, hướng tới giảm tối đa mức tiêu thụ nhiên liệu và phát thải khí nhà kính; Tổ chức khoa học, hợp lý giữa các phương thức vận tải, thúc đẩy chuyển đổi phương thức đường bộ sang các loại hình khác; Nâng cao thị phần vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, từng bước giảm thiểu sử dụng phương tiện cá nhân.
Thanh Hóa triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phát triển ngành công nghiệp sản xuất phương tiện, trang thiết bị giao thông vận tải sử dụng điện, năng lượng xanh; Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đô thị cho phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh, giao thông phi cơ giới tại các đồ án quy hoạch đô thị.
Bên cạnh đó, Thanh Hóa ưu tiên đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển hệ thống sạc điện, hạ tầng cung cấp năng lượng xanh cho phương tiện giao thông tại các đô thị trên địa bàn tỉnh; Ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, giao thông thông minh trong quản lý, điều hành các lĩnh vực trong ngành giao thông vận tải; Tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến người dân và doanh nghiệp về lộ trình, chính sách, lợi ích của việc chuyển đổi phương tiện, thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh.